Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thất nghiệp, trí thức chạy xe ôm kiếm sống
Phan Long - 23/09/2013 13:59
 
Tình hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn, cắt giảm nhân sự đã khiến không ít lao động có bằng cấp cũng thất nghiệp, ra đường bươn chải đủ nghề để kiếm sống, kể cả làm xe ôm. Nhân lực ngân hàng "chân trong, chân ngoài" vượt khó
Ngày càng nhiều trí thức thất nghiệp khi doanh nghiệp giảm nhân sự
vì khủng hoảng

Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng gần 3.000 lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp và không có xu hướng giảm.

Dù không có số thống kê cụ thể, nhưng tỷ lệ lao động có bằng cấp mất việc làm khá lớn. Thế nên, không khó để gặp cảnh lao động trí thức đầy kinh nghiệm vật vã bươn chải đủ nghề để sống.

Từng 7 năm giữ chức phó phòng tín dụng tại một chi nhánh của Ngân hàng ở Hà Nội, nhưng anh Nguyễn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chịu cảnh thất nghiệp hơn một năm nay, sau khi ngân hàng tổ chức tái cơ cấu.

Cầm tấm bằng cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân và 7 năm kinh nghiệm, nhưng chật vật nộp đơn xin việc nhiều nơi với vị trí tương đương, nhưng anh Minh vẫn chưa tìm được chỗ làm mới.

Anh kể: “Kinh nghiệm 7 năm trời làm phó phòng tín dụng chả lẽ giờ lại quay lại làm nhân viên tín dụng. Đi làm ở lĩnh vực khác thì gần như bắt đầu lại từ đầu, trong khi mình không còn trẻ nữa. Cứ thế, không có vị trí nào mà tôi thấy phù hợp. Kết quả những khoản tiết kiệm đã gần cạn mà việc chưa thấy đâu”.

Không có nhiều “của để dành” như anh Minh nên sau khi mất việc tại một công ty dược từ cuối năm ngoái, đã gần nửa năm nay, mỗi đêm anh Đặng Minh Tuấn (tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) lại ngậm ngùi thu lu ở một góc tối tại ngã tư Trần Thái Tông bắt khách đi xe ôm.

Từng tốt nghiệp Cao đẳng Học viện quân y nên giờ ban ngày anh làm nhân viên xét nghiệm bán thời gian tại một phòng khám tư trên phố Đại Cồ Việt, nhưng không có lương mà trả công theo lượt xét nghiệm với giá rẻ mạt.

“Mỗi tháng chỉ kiếm được khoảng 2 triệu, cuộc sống chật vật trong khi hai con đều đang học cấp hai khá tốn kém. Xin việc nhiều nơi không được, khó quá mới phải ra đường chạy xe ôm kiếm thêm, nhưng cảm thấy tự ti, vì sợ gặp người quen nên chỉ dám làm từ chập tối đến nửa đêm”, anh Tuấn thú nhận.

Tương tự hoàn cảnh anh Đặng Minh Tuấn, dù có bằng kỹ sư tin học nhưng anh Nguyễn Trí Tuấn, quê Bắc Giang lại phải làm nhân viên bảo vệ một cửa hàng vàng tư nhân đã hai năm nay.

“Từ ngày mất vị trí quản trị mạng ở công ty cũ, tôi đã qua hàng chục công ty để xin làm việc đúng ngành nghề đều nhận cái lắc đầu. Không tiền, không có quan hệ, đành chấp nhận đầu quân cho một công ty cho thuê bảo vệ, lương 3,5 triệu nhưng phải nộp lại 20% cho công ty, trả tiền nhà rồi chỉ còn đủ ăn ngày hai bữa đạm bạc”, anh Trí Tuấn chia sẻ.

Theo anh Tuấn, công việc cả ngày chỉ là ngồi ngoài vỉa hè, trông xe, mở cửa cho khách. “Chủ nhà bán vàng nhưng keo kiệt, mấy tháng mùa hè nắng 38-40 độ cũng không trang bị cho bảo vệ được cái ô. Nhiều lúc mệt mỏi, cảm giác bế tắc và chán nản nhưng vẫn phải cố nhịn chờ cơ hội tìm việc làm tử tế hơn”.

Người có kinh nghiệm còn thất nghiệp dài, nên dù tốt nghiệp Đại học Công đoàn, khoa kế toán với tấm bằng khá và đầy đủ các chứng chỉ kế toán tổng hợp, kế toán thuế liên quan đã ba năm nhưng chị Lê Phương ở Bạch Mai cũng chưa tìm được việc làm.

Nghề chính để kiếm sống của chị Phương từ ngày ra trường đến nay vẫn là gia sư. “Những lúc không có giờ dạy hay buổi đêm, tôi phải tranh thủ nhận thêu tranh chữ nhật với giá 1.500 đồng một ô thêu”. Theo chị Phương, nếu chăm chỉ và thêu nhanh, mỗi tháng cũng làm được khoảng bức cỡ 60x80cm, có thêm khoảng 1,5 triệu. Đã mười mấy lần làm hồ sơ xin việc, nhận lại là sự lặng im từ doanh nghiệp tuyển dụng.

Vì thế mà Phương đã có một cái nhìn rất cực đoan rằng: “Thời nay, doanh nghiệp nhà nước đăng tuyển dụng có lẽ chỉ là hình thức, còn các vị trí đã được sắp xếp cả rồi; còn doanh nghiệp tư nhân, đăng ký tuyển dụng nhân sự chỉ để chứng tỏ mình chưa phá sản”.

Theo ông Dương Anh Hiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ quảng cáo Báo chí và Truyền hình Việt Nam, mấy năm nay làm ăn khó khăn, các doanh nghiệp đều phải tìm cách cắt giảm chi phí qua việc tinh giản nhân sự, một lao động có thể phải đảm nhiệm công việc của hai ba người là chuyện bình thường.

Thế nên, kể cả lao động có kinh nghiệm cũng khó tìm được việc làm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo ông Hiến, trí thức Việt Nam nhiều người đặt quá nặng tính sỹ diện, chỉ đến khi khó khăn lắm mới chịu nhận những công việc đơn giản. Người nước ngoài không như vậy, họ sẵn sàng làm bồi bàn để chờ cơ hội và coi đó là chuyện không có gì phải xấu hổ.

“Việc quan trọng là có việc làm, có thu nhập lo cho cuộc sống trước mắt của mình và gia đình, đừng câu nệ sỹ diện bởi chỉ cần là lao động chân chính, công việc nào cũng đều đáng tự hào”, ông Hiến đưa ra lời khuyên.

Đừng dồn gánh nặng lên doanh nghiệp
Quy định yêu cầu người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương, trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa 1% tổng quỹ lương cho những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư