Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thế kẹt của công ty nông lâm nghiệp
Thùy Liên - 20/07/2016 14:20
 
Tình trạng thua lỗ, tranh chấp về đất đai, hoạt động kém hiệu quả, tâm lý ngại thay đổi… đang làm chậm quá trình đổi mới, tái cơ cấu hàng loạt công ty nông - lâm nghiệp. Việc tìm đối tác chiến lược tại những công ty nông - lâm nghiệp muốn lột xác bằng cổ phần hóa cũng không dễ.

Thực tế cho thấy, qua hơn 2 năm triển khai sắp xếp các công ty nông - lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, việc đổi mới các công ty này chưa có sự thay đổi về chất. Minh chứng là tại phần lớn địa phương, công ty mới tập trung vào công việc như đổi mới, sắp xếp công ty 100% vốn nhà nước hoặc chuyển nông, lâm trường thành công ty TNHH 1 thành viên. Trong khi đó, việc chuyển đổi các công ty nông lâm nghiệp sang mô hình công ty TNHH 2 thành viên hoặc cổ phần hóa diễn ra rất chậm, hoặc có chuyển đổi thì theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Điều đáng quan tâm nữa là ngay cả với những doanh nghiệp, địa phương muốn chuyển đổi mạnh mô hình các công ty nông - lâm nghiệp sang mô hình công ty cổ phần hoặc công ty TNHH 2 thành viên, việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược là rất khó khăn.

.
Để có thể đẩy nhanh quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông - lâm nghiệp, Chính phủ cần ban hành thêm cơ chế đặc thù cho các công ty này.

Nguyên nhân hiện có nhiều, song hiện nổi lên 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất, đa phần các công ty nông - lâm nghiệp đều chìm trong thua lỗ, nợ xấu, hiệu quả thấp. Tính đến cuối năm 2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty nông - lâm nghiệp là 40.517 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 3 năm gần đây chỉ vỏn vẹn gần 3.000 tỷ đồng. Tổng số lỗ luỹ kế của các công ty nông - lâm nghiệp là 1.071 tỷ đồng, ăn mòn 4% vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận thấp, lỗ lũy kế cao cũng chính là lý do đầu tiên khiến nhà đầu tư ngại rót vốn.

Thứ hai, tài sản được nhà đầu tư “thèm muốn” nhất của các công ty nông - lâm nghiệp là quỹ đất. Song khi ngỏ ý góp vốn, nhà đầu tư lại yêu cầu quỹ đất sạch, tập trung. Trong khi đó, hầu hết diện tích đất của các công ty nông - lâm nghiệp tại các địa phương lại được giao khoán cho các hộ gia đình trong tình trạng khá manh mún, không có hạ tầng, thậm chí vẫn còn xảy ra tranh chấp.

Thứ ba, do các công ty lâm nghiệp không được phép tính giá trị diện tích đất lâm nghiệp đang quản lý vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nên phần vốn góp sau cổ phần hóa rất nhỏ (chỉ khoảng 2-3%). Chính vì vậy, vai trò của đại diện phần vốn góp của các công ty này sau cổ phần hóa thường không cao, trong khi bên hưởng lợi phần diện tích đất lại chính là đối tác góp vốn.

Với những vướng mắc này, việc thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt phải cơ bản hoàn thành trong năm 2017 - như chỉ đạo của Chính phủ, sẽ là thách thức không nhỏ.

Mới đây, chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu, cần tạo chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa; mục đích của việc sắp xếp, đổi mới là nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh, chứ không phải đổi mới về mặt hình thức.

Như vậy, để có thể đẩy nhanh quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông - lâm nghiệp, Chính phủ cần ban hành thêm cơ chế đặc thù cho các công ty này. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đổi mới, sắp xếp hoạt động tại các công ty nông - lâm nghiệp, nhanh chóng giải quyết những vướng măc về đất đai, có chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn. Ngoài ra, để xử lý số công ty nông - lâm nghiệp yếu kém, Chính phủ cần xe xét bổ sung hình thức phá sản và hình thức sáp nhập, hợp nhất các công ty nông  - lâm nghiệp cùng chủ sở hữu.

Rõ ràng, chỉ khi nào chuyển đổi mạnh về chất, thì các công ty nông lâm nghiệp mới có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trở thành trung tâm liên kết sản xuất nông - lâm nghiệp, trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ với người dân địa phương. Khi đó, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân mới được đảm bảo hài hòa.

Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh
Hoàn thành lập bản đồ địa chính, hồ sơ ranh giới sử dụng đất trong năm 2016; Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư