Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thị trường chứng khoán 2017: Cơ hội… và rủi ro
Cơ hội là rất nhiều, nhưng thị trường trong năm 2017 cũng sẽ đối mặt với mức độ rủi ro lớn hơn đáng kể so với năm 2016. Rủi ro về sự chuyển dịch của dòng vốn trở lại Hoa Kỳ là một trong các vấn đề đáng quan ngại nhất khi nói về nhóm các thị trường mới nổi trong năm 2017.
Việc thoái vốn của SCIC sẽ vẫn tạo ra những cơ hội lớn trong năm 2017
Việc thoái vốn của SCIC sẽ vẫn tạo ra những cơ hội lớn trong năm 2017

2016: Chứng khoán vẫn là “cửa sáng”

2016 tiếp tục là một năm tương đối thành công của kênh đầu tư chứng khoán nếu so sánh với các kênh đầu tư nội địa khác mà nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia.

Cụ thể, nếu lấy chỉ số VN-Index làm đại diện thì mức tăng trong cả năm 2016 đạt xấp xỉ 15%, cần lưu ý mức tăng này chưa tính thêm phần cổ tức bằng tiền mặt được các công ty niêm yết chi trả (không thực hiện điều chỉnh trên VN-Index) và do đó, tỷ suất sinh lợi trung bình của thị trường sẽ ở mức 18-20%.

Ngay cả khi dùng con số 15% để so sánh, tính hiệu quả của kênh đầu tư chứng khoán cũng là điều dễ nhận thấy. Ở kênh tiền gửi ngân hàng, mức sinh lợi trung bình khoảng 6,5%. Ngoại tệ (cụ thể là đồng USD) dù có biến động khá lớn vào cuối năm, nhưng tính chung cả năm 2016 chỉ ghi nhận mức tăng nhỉnh hơn 1,5% (dựa trên biến động tỷ giá USD/VND tại Vietcombank).

Với kênh đầu tư vào vàng, con số sinh lợi có ấn tượng hơn, vào khoảng 10%, nhưng cũng cần lưu ý về rủi ro chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra đối với việc kinh doanh vàng vật chất tại Việt Nam.

Ở kênh đầu tư nội địa cuối cùng là bất động sản, có sự phân hóa rất mạnh khi tình hình chung là khá ảm đạm tại phân khúc căn hộ cao cấp (giá thậm chí đã giảm nhẹ trong năm 2016), tương đối ổn định tại phân khúc căn hộ trung cấp và có sự tăng giá đáng kể tại phân khúc đất nền ở một số khu vực, dù vậy, mức sinh lợi trung bình của kênh đầu tư bất động sản trong năm vào khoảng 6%.

Với bức tranh vừa nêu, có thể thấy, dù việc đầu tư chứng khoán thực tế chưa bao giờ là dễ dàng, song đây vẫn là kênh đầu tư “sáng nhất” với các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. 

2017 - Năm của những điều rất mới: Cơ hội…

Nếu như thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 đã trôi qua với sự êm ả đến mức ngạc nhiên, thì năm 2017 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều “sóng và gió”. Cụm từ phù hợp nhất để nói về chứng khoán Việt 2017 có thể gói gọn là: “Cơ hội lớn hơn, đi kèm mức rủi ro cao hơn”.

Xét ở chiều cơ hội, năm 2017 sẽ chứng kiến những cơ hội mới mà thị trường chưa từng có trong những năm trước đó. Đó là sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt những tên tuổi mới, đại diện lớn hơn cho những ngành nghề then chốt trong nền kinh tế, thậm chí là đại diện cho những ngành chưa từng có công ty nào niêm yết trên thị trường.

Sự hào hứng trong thời điểm cuối năm 2016 đến từ những “ông lớn” mới đưa cổ phiếu lên sàn như Sabeco (mã SAB), Habeco (mã BHN), Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV)… được dự báo sẽ còn sôi động hơn rất nhiều trong năm 2017, khi có thêm hàng loạt những cái tên đình đám sẽ đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán là Vietjet, Vietnam Airline, Trường Hải, Petrolimex… Có lẽ không cần giới thiệu quá nhiều về những doanh nghiệp vừa nêu, khi đây đều là những “đại gia” thực sự trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay và sự góp mặt của loạt hàng hóa mới, chất lượng cao này chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội “có một không hai” trong năm này.

Cơ hội cũng sẽ đến từ hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), với dự báo tốc độ rút vốn sẽ được SCIC đẩy nhanh hơn nhiều so với năm 2016. Thực tế, dù có “nốt trầm” trong lần bán vốn gần nhất của SCIC tại Vinamilk, nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố thời điểm và các rào cản kỹ thuật, khiến việc đấu giá không thực sự thành công như mong đợi. Do đó, tôi cho rằng, việc thoái vốn của SCIC sẽ vẫn tạo ra những cơ hội lớn trong năm 2017, nếu không tranh thủ tận dụng thì cơ hội này sẽ khó có thể lặp lại trong tương lai.

Ở góc độ căn cơ hơn, cơ hội lớn sẽ đến từ chính sự phát triển trong nội tại nền kinh tế. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, tiêu dùng tăng cao… đang tạo thêm những “miếng bánh” hấp dẫn cho các nhóm ngành, các doanh nghiệp gắn chặt với những biến chuyển này.

Rõ ràng, cơ hội sinh lợi từ việc đầu tư vào các doanh nghiệp như đã nêu trên là rất lớn, nhưng đó mới là “điều kiện cần”, để đạt được thành công thực sự thì cần có thêm “điều kiện đủ”, đó là doanh nghiệp phải hoạt động thực sự chuyên nghiệp, đạo đức quản trị ở mức cao… 

Cụm từ phù hợp nhất để nói về chứng khoán Việt 2017 có thể gói gọn là: “Cơ hội lớn hơn, đi kèm mức rủi ro cao hơn”.
… và rủi ro

Cơ hội là rất nhiều, nhưng thị trường trong năm 2017 cũng sẽ đối mặt với mức độ rủi ro lớn hơn đáng kể so với năm 2016.

Rủi ro đầu tiên chính là “tính bất định” về kinh tế chính trị thế giới. Việc người dân Mỹ lựa chọn ông Donald Trump làm tân Tổng thống khiến mọi suy đoán về các quyết sách của Hoa Kỳ về kinh tế và chính trị đều trở nên khó đoán định hơn rất nhiều. Xét đơn thuần về kinh tế, chủ trương bảo hộ mạnh hơn nền kinh tế nội địa, phản đối các hiệp định tự do thương mại và kêu gọi dòng vốn quay trở lại Mỹ rõ ràng sẽ tạo ra rủi ro đáng kể cho nhóm thị trường các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Việc thực thi chính sách nâng dần lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có thể tạo ra những xáo trộn đáng kể cho thị trường tài chính toàn cầu. Thông báo gần nhất trong tháng 12 của Fed cho thấy, tổ chức này dự tính sẽ điều chỉnh tăng lãi suất ít nhất là 3 lần trong năm 2017 và diễn biến này được đánh giá có phần “vượt trên kỳ vọng” của thị trường.

Rủi ro về sự chuyển dịch của dòng vốn trở lại Hoa Kỳ là một trong các vấn đề đáng quan ngại nhất khi nói về nhóm các thị trường mới nổi trong năm 2017. Thực tế, năm 2016 là năm đầu tiên khối ngoại bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam tính từ năm 2009. Tuy vậy, với việc hàng loạt doanh nghiệp lớn đưa cổ phiếu lên sàn sẽ giúp dòng vốn ngoại có thêm nhiều lựa chọn, từ đó có thể kỳ vọng tương quan mua-bán của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017 theo chiều hướng tích cực hơn.

Với riêng nền kinh tế Việt Nam, việc cần duy trì một mức tăng trưởng GDP như kế hoạch (6,7%) là khá thách thức, trong bối cảnh ngân sách bị hạn chế do giới hạn trần nợ công và các nghĩa vụ trả nợ ở mức cao hơn trong năm 2017. Chính sách tài khóa theo đó sẽ bị hạn chế đáng kể và phụ thuộc lớn vào tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cũng như giảm bớt phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết.

Với chính sách tiền tệ, dự địa cho việc mở rộng cũng không còn quá “xông xênh” như các năm trước, khi mặt bằng lãi suất gần như đã tạo đáy trong năm 2016 và giá cả hàng hóa, nguyên-nhiên-vật liệu đang có khả năng tăng mạnh hơn trong năm 2017, qua đó gây sức ép nhất định lên lạm phát và có thể hạn chế một phần mức độ mở rộng của chính sách tiền tệ.

Vì vậy, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục trong trạng thái phân hóa. Sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu mới trên sàn sẽ khiến chỉ số VN-Index theo xu hướng tăng và mức độ ảnh hưởng của mỗi cổ phiếu lên chỉ số cũng phân tán theo. Nếu như trước đây, VNM ảnh hưởng khoảng 15% lên VN-Index, thì sau khi SAB lên sàn, mức ảnh hưởng này đã giảm xuống còn 12,6%. SAB hiện đóng góp khoảng 8,8% giá trị vào VN-Index.

Hơn nữa, dòng tiền dự đoán sẽ không tập trung hết vào thị trường niêm yết, một lượng không nhỏ sẽ đi vào cổ phiếu IPO, thị trường UPCoM, đặc biệt là các cổ phiếu chuẩn bị niêm yết.

Tương tự như năm 2016, trạng thái cả thị trường cùng tăng sẽ rất khó xảy ra trong năm 2017. Dòng tiền sẽ thông minh hơn và cơ hội là rất lớn, nhưng sẽ chỉ dành cho nhà đầu tư biết nắm bắt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2017
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2017 diễn ra tại Sở Giao dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư