Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Chặn lối vượt rào đổ tiền vào margin
 
Thông tư số 07/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa có hiệu lực, bổ sung quy định, CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba.
Nhu cầu margin của NĐT luôn thường trực, đặc biệt tăng cao khi TTCK trong xu hướng tăng điểm
Nhu cầu margin của NĐT luôn thường trực, đặc biệt tăng cao khi TTCK trong xu hướng tăng điểm

Quy định trên cho thấy, cơ quan quản lý đang hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn của các CTCK. Tuy nhiên, trên TTCK, có những ý kiến lo ngại, CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba có thể khiến dòng tiền margin bị ảnh hưởng như quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN cách đây hơn 1 năm.

Thực tế cho thấy, khi TTCK trầm lắng, bản thân khách hàng và CTCK không có nhu cầu vượt rào margin. Chỉ khi thị trường đi qua đoạn đầu của một con sóng tăng lớn, thanh khoản tăng dần, NĐT có tâm lý lạc quan thì các sản phẩm margin mới trăm hoa đua nở.

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng liên quan đến giao dịch ký quỹ, nhiều CTCK đã sử dụng hình thức bảo đảm thanh toán nêu trên để kết hợp với ngân hàng cho vay khách hàng.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một CTCK cho biết, cho vay margin là một trong những hoạt động có đóng góp không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của các CTCK. Đối với CTCK lớn, cho vay margin càng đóng vai trò quan trọng.

Trong bối cảnh nhu cầu margin của NĐT luôn thường trực, đặc biệt tăng cao khi TTCK trong xu hướng tăng điểm, không nhiều CTCK có đủ tiềm lực về vốn để đáp ứng nhu cầu margin. Ngay cả khi có thế mạnh về tài chính, các CTCK cũng không đủ sức đáp ứng nhu cầu của NĐT, mà thường dùng tiền, tài sản của công ty hoặc khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba để kết hợp với ngân hàng cho vay khách hàng. Việc Thông tư 07 cấm hoạt động này, đồng nghĩa sẽ có khá nhiều khoản cấp margin buộc phải chấm dứt. Như vậy, dòng tiền margin có khả năng chịu tác động không nhỏ.

Hiện tại, các CTCK đang rục rịch yêu cầu khách hàng tất toán trước thời hạn với một số khoản cấp margin theo hình thức có bảo lãnh thanh toán từ CTCK.

Đại diện CTCK Tân Việt (TVSI) đánh giá, Thông tư 07 chặt chẽ hơn trong quản lý hoạt động của các CTCK để bảo đảm thị trường phát triển ổn định và an toàn trong dài hạn.

Về tác động của Thông tư 07 đến hoạt động cho vay margin hiện tại, đại diện TVSI cho rằng, có thể một số CTCK sử dụng hình thức bảo đảm thanh toán để kết hợp với ngân hàng cho vay khách hàng, nên khi bị chặn bởi Thông tư 07 sẽ hạn chế một phần nguồn tiền cho vay khách hàng. Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ không lớn vì nguồn tiền từ ngân hàng sang chứng khoán đã bị giới hạn rất nhiều bởi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, có hiệu lực từ 1/2/2015. Với quyết tâm quản lý chặt chẽ về margin của cơ quan quản lý, tình trạng vượt rào có lẽ sẽ khó có thể xảy ra trong thời gian tới.

Ở góc độ NĐT cá nhân, ông Trần Tiến Dũng (sàn FPTS) cho rằng, tìm kiếm nguồn phát triển dòng margin trên thị trường là việc làm cần thiết trong bối cảnh thị trường “khát” thanh khoản. Tuy nhiên, không vì thế mà để margin bùng phát, rủi ro trong cho vay margin tăng cao.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giới hạn trần vay margin ở mức 50:50, do đó nếu muốn lách rào, các CTCK buộc phải thực hiện hình thức bảo đảm thanh toán, vì theo nguyên tắc, CTCK không được phép cho vay tiền dưới bất kỳ hình thức nào. Tình trạng vượt rào đã dẫn đến nhiều hệ quả tranh chấp giữa NĐT và CTCK, nhất là trong bối cảnh thị trường diễn biến xấu và các hệ thống cảnh báo margin hoạt động không được như ý muốn. Do đó, tôi nhất trí với quan điểm của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát margin tại Thông tư 07”, ông Dũng nói.

Ghi nhận của ĐTCK cho thấy, một số ngân hàng đang xem xét lại các khoản vay cho đầu tư chứng khoán. ĐTCK sẽ theo tiếp diễn biến này, nhất là khả năng ứng xử của CTCK trước yêu cầu về dòng tiền vay của NĐT.  

Công ty chứng khoán "vượt rào" dù đã sắm “máy chém” margin?
Hệ thống phần mềm quản lý giao dịch ký quỹ (margin) tự động, được ví như “máy chém” margin, đang giúp các CTCK giảm thiểu nguy cơ mất tiền.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư