Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: "Chọn mặt gửi vàng" đón sóng quý IV
Tháng 9/2017 sẽ có một số sự kiện chính liên qua đến hoạt động công bố lãi suất của Fed cùng với kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Vì vậy, hoạt động giao dịch trong tháng 9 dự báo sẽ có nhiều phiên biến động mạnh.
Sau khi cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2017, P/E trên sàn HOSE hiện tại chỉ khoảng 13,6 lần
Sau khi cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2017, P/E trên sàn HOSE hiện tại chỉ khoảng 13,6 lần

Tháng 8 nhiều cảm xúc và bất ngờ

Thị trường tháng 8 đã trôi qua với nhiều cảm xúc và bất ngờ, dù không có nhiều sự kiện lớn tác động đến hoạt động kinh doanh chứng khoán. Có những phiên, thị trường rơi rất mạnh, tạo cảm giác như đang mở đầu một chuỗi bán tháo và cũng có những phiên, chỉ số chứng khoán xanh điểm liên tục nhờ một số nhóm cổ phiếu lớn.

Những ngày cuối tháng 8 là cuộc nổi lên của nhóm cổ phiếu nhỏ (penny), mà thanh khoản riêng nhóm này có phiên chiếm đến 20 - 30% giá trị giao dịch toàn thị trường. Nếu không có nhóm cổ phiếu penny tạo sóng, có thể dòng tiền chưa trở lại mạnh mẽ như những phiên gần đây và gián tiếp tạo động lực cho các nhóm cổ phiếu khác phục hồi.

Tuy nhiên, cả thị trường không thể tăng trưởng nếu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không khởi sắc. Giai đoạn 2013 - 2016, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết chủ yếu tăng trưởng 5 - 7%, nhưng nửa đầu năm 2017, lợi nhuận tăng 27%, trong đó nổi bật là ngành dược, chứng khoán và xây dựng.

Ở Top các doanh nghiệp đứng đầu có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng, hầu hết đều có mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 30%, chỉ có vài doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận như PLX, NVL. Vì vậy, thị trường đã phản ánh kết quả kinh doanh vào giá cổ phiếu, với mức tăng của chỉ số chứng khoán hơn 15% từ đầu năm đến nay.

Nhìn vào VN-Index, có thể nhiều người cho rằng, 760 hay 780 điểm là con số khá cao, nhưng sau khi cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2017, P/E thị trường hiện tại chỉ ở mức 13,6 lần - có thể xem là rẻ trong bối cảnh năm nay có nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết.

Một số nhóm ngành lớn như ngân hàng đang có chỉ số P/E trung bình khoảng 15 và nhóm cổ phiếu VN30 có P/E khoảng 17,7 - thấp hơn so với đầu năm, dù chỉ số VN30 đã tăng gần 20%.

Có nhiều yếu tố giúp kết quả hoạt động của doanh nghiệp tăng trưởng, nhưng năm nay, các doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi từ thị trường quốc tế và cả trong nước, khi các chính sách vĩ mô phát huy tác dụng, giữ ổn định tỷ giá và lãi suất từ đầu năm đến nay.

Liên quan đến dòng chảy vốn, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ giãn thời gian thực hiện Thông tư số 36/2014/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2016/TT-NHNN) về tỷ lệ cho vay vốn trung và dài hạn.

Động thái này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước muốn giãn áp lực cho các ngân hàng đang có tỷ lệ này ở mức cao, có điều kiện tập trung mục tiêu nguồn vốn cho vay để gia tăng tăng trưởng tín dụng lên 21% từ nay đến cuối năm.

Chính sách lãi suất thấp được duy trì, trong khi Nhà nước có chủ trương thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế phát triển, sẽ tạo một nguồn cung vốn lớn vào thị trường trong những tháng cuối năm. Trong đó, một phần nguồn vốn có thể sẽ chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán.

Đây là tín hiệu tích cực, nhưng nếu nguồn vốn chảy vào các hoạt động mang tính đầu cơ và không được quản lý chặt, ngành ngân hàng có thể sẽ phát sinh nợ xấu mới.

Ngoài ra, vấn đề tỷ giá khá “nhẹ nhàng” trong những tháng đầu năm (USD suy yếu trên thị trường quốc tế giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong nước), nhưng trong những tháng cuối năm có thể có diễn biến khó lường.

Có hai khó khăn trong thời gian tới, một là nguồn ngoại tệ từ kiều hối dự kiến sụt giảm, hai là thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao. Nếu tỷ giá biến động bất lợi, thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, do các hoạt động rút vốn của khối ngoại dự báo gia tăng.

Tháng 9 sẽ không phá vỡ xu hướng tăng trung hạn

Thị trường chứng khoán tháng 9 dự báo có những phiên biến động mạnh liên quan đến hoạt động công bố lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, nhưng thị trường nhiều khả năng vẫn giữ đà tăng trưởng trong trung hạn, các đợt điều chỉnh ngắn hạn sẽ không phá vỡ xu hướng tăng chính.

Nhìn lại chu kỳ hoạt động chứng khoán thì tháng 9 là thời điểm nhiều nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu các chiến lược đầu tư mới và lựa chọn cổ phiếu. Đây cũng là thời điểm nhà đầu tư chuẩn bị “chọn mặt gửi vàng” cổ phiếu đón sóng quý IV và đầu năm sau.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết 6 tháng cuối năm nhiều khả năng tiếp tục khả quan nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, chưa kể các ngân hàng đang đẩy mạnh nguồn vốn cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt chỉ tiêu đề ra.

Ngoài ra, hoạt động thoái vốn DNNN đang bắt đầu lộ trình cụ thể với không ít doanh nghiệp niêm yết, có thể tạo nên các cơn sóng mua bán và M&A sôi động. Trên sàn HOSE, Nhà nước đang nắm giữ 39% giá trị vốn hóa, con số này ở sàn UPCoM là 55,6%. Những cổ phiếu kém thanh khoản do lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng quá cô đặc có thể sẽ giao dịch khởi sắc hơn sau khi hoạt động thoái vốn nhà nước diễn ra.

Trong khi đó, vị thế của thị trường chứng khoán hiện tại đã khác nhiều so với trước đây, khi quy mô vốn hóa tăng gần gấp đôi chỉ sau 2 năm, với nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết. Cùng với đó, nhiều cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động đầu tư, giúp giá trị giao dịch tăng cao.

Dự báo, các ngành hàng thực phẩm, dược phẩm song hành với nhóm tài chính - ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, xây dựng vẫn là những nhóm ngành tăng trưởng tốt nhất. Các nhóm ngành nhỏ hơn như thép, phân bón cũng đáng chú ý khi hoạt động kinh doanh trong ngành đang khởi sắc trở lại.

Thị trường chứng khoán: Cơ hội lớn hơn rủi ro
Từ đầu năm 2017 đến nay, có 25 doanh nghiệp niêm yết mới trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), đưa số loại hàng hóa trên sàn này lên 325 cổ phiếu với giá trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư