Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Cơ hội mở ra với nhà đầu tư giá trị
NQS (Tinnhanhchungkhoan.vn) - 31/05/2018 15:18
 
Quá đà, lố, over là những từ ngắn gọn chỉ trạng thái của thị trường chứng khoán trong những đợt tăng, giảm mạnh. Nếu so với đợt tăng của VN-Index (trên 1.200 điểm) thiết lập trong quý I/2018 thì đợt điều chỉnh hiện tại của thị trường trong quý II là tương xứng về mức độ… quá đà.

Xuất hiện trên truyền thông khi VN-Index rơi về gần mốc 900 điểm, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, diễn biến này đi ngược với nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế và tăng trưởng trong nội tại các doanh nghiệp trên sàn.

Theo thống kê của nhà quản lý, 90% doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn duy trì được đà tăng trưởng cao và có khả năng giữ vững tốc độ tăng trưởng trong năm 2018.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chủ trương này đã, đang và sẽ thu hút những dòng vốn lớn, trong và ngoài nước gia nhập thị trường.

Ðà giảm của VN-Index dường như không tương thích với nỗ lực của các doanh nghiệp, của nền kinh tế nói chung.

Nhưng sự thật là VN-Index vẫn rơi điểm. Mở đầu phiên giao dịch 29/5, chỉ số này rơi liền 15 điểm, về sát mốc 910 điểm. Thị trường chứng khoán Việt Nam với 95% tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân thì tăng quá đà hay giảm quá đà là câu chuyện rất dễ xảy ra.

Trong quá khứ, chứng khoán Việt Nam từng rơi từ mốc đỉnh 1.170 điểm ngày 12/3/2007, về 500 điểm, rồi về đáy 235,5 điểm ngày 24/2/2009. Những chủ thể “trường nghề” đầu tư, đã từng trải qua những cơn “quá đà” trong quá khứ, không thấy câu chuyện hôm nay là bất thường.

Trong góc nhìn của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI thì VN-Index giảm hôm nay là câu chuyện đã được thấy trước vào thời điểm chỉ số lên trên 1.100 điểm.

Thời kỳ thị trường sung mãn, nhiều doanh nghiệp lên sàn, đẩy giá lên cao, nhiều doanh nghiệp tranh thủ phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hút về một lượng tiền rất lớn. Nguồn cung trên thị trường tăng lên (hàng mới lên sàn, hàng phát hành thêm, hàng IPO…), trong khi sức cầu (dòng tiền) bị hụt (do hút vào các doanh nghiệp phát hành), nên thị trường chứng khoán suy giảm là hệ quả tất yếu.

Ðiều đáng tiếc là trong sự suy giảm này, nhiều nhà đầu tư đã không giữ được bình tĩnh, bán tháo, chịu thua lỗ và góp phần đẩy mặt bằng giá các cổ phiếu (cả loại đã tăng nóng, tăng nhẹ hoặc chưa tăng) cùng rơi.

Quan sát từ nhiều sàn giao dịch cho thấy, trong xu hướng tăng, nhà đầu tư dễ xuống tiền mua cổ phiếu chỉ bằng vài thông tin chung chung, như VJC bán máy bay thu lợi nhuận khủng, DIG sẽ chuyển nhượng dự án có lợi nhuận đột biến, LDG sắp bán dự án, ngân hàng X chuẩn bị niêm yết… Vậy là mua. Chẳng mấy ai quan tâm sâu hơn về bức tranh tài chính của doanh nghiệp hiện tại và tương lai sẽ ra sao.

Nói theo ngôn ngữ ngoài sàn là mua khi doanh nghiệp có câu chuyện, có “game”…

Chính vì không định lượng được lý do mua nên khi thị trường chung đỏ lửa, nhà đầu tư dễ bị hoảng loạn, dễ ào ào đặt bán và cũng không định lượng được lý do bán.

Thực tế, hàng vạn lệnh giao dịch đã tranh mua VJC ở giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu cách đây 2 tháng, nhưng nay đang tranh bán giá sàn 143.000 đồng/cổ phiếu, trong khi hiện trạng CTCP Hàng không Vietjet chẳng có gì khác biệt.

Tâm lý của nhà đầu tư trong nước đang bi quan. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là nhà đầu tư ngoại đã mua ròng chứng chỉ quỹ ETF nội trở lại.

Dòng tiền lớn vẫn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam qua những thương vụ chào bán của doanh nghiệp Việt cho thấy, nhà đầu tư chuyên nghiệp có niềm tin vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

VN-Index có thể rơi về 900 điểm hoặc sâu hơn. Ðó là chuyện của thị trường. Việc của nhà đầu tư là nên nhìn sâu vào danh mục tài sản cổ phiếu mình đang có để nhận biết hàng nào nên bán, hàng nào nên giữ cho dài hạn.

Thực tế, khi VN-Index về vùng 900 điểm, định giá chung của thị trường chứng khoán Việt Nam trở về mức P/E 18 lần, là mức rẻ hơn so với nhiều thị trường chứng khoán lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia… Cơ hội sẽ mở ra với những nhà đầu tư giá trị, đủ bình tĩnh, chờ mua ở đáy.

Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng đổi màu tháng 6
Gần 2 tháng qua, thị trường chứng khoán hầu như chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index giảm trên 22% (tính đến ngày 28/5), không ít cổ phiếu giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư