Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Nóng cổ phiếu họ Sabeco
 
Từ đầu tháng 9/2016, sức nóng từ thông tin sắp lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã giúp giá cổ phiếu tại thị trường OTC của Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tăng mạnh lên trên 100.000 đồng/CP, dù trước đó, trong một thời gian dài, cổ phiếu này được giao dịch ở mức 38.000 – 39.000 đồng/CP với thanh khoản không lớn.
Sức nóng từ tin sắp niêm yết trên sàn HOSE giúp giá cổ phiếu của Sabeco tăng mạnh
Sức nóng từ tin sắp niêm yết trên sàn HOSE giúp giá cổ phiếu của Sabeco tăng mạnh

Bên cạnh đó, nhờ hiệu ứng lan tỏa, diễn biến giao dịch cổ phiếu của các công ty con, đơn vị liên kết của Sabeco cũng ghi nhận biến động bất ngờ trong thời gian qua.

Theo ghi nhận trên thị trường, kể từ thời điểm cuối tháng 8, khi thông tin về việc Thủ tướng yêu cầu bắt buộc Sabeco lên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của các công ty thành viên và đơn vị liên kết của “ông lớn” này đã liên tục tăng. 

Theo Báo cáo cáo tài chính bán niên 2016 của Sabeco, tính đến ngày 30/6/2016, Sabeco có 23 công ty con, 17 công ty liên kết và 5 công ty liên doanh. Trong số 45 đơn vị này, có 6 doanh nghiệp hiện đang niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể, ở mảng sản xuất - kinh doanh bia và nước giải khát, Sabeco có 3 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM và 1 doanh nghiệp niêm yết tại HOSE gồm CTCP Bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP), CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB), CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) và CTCP Nước giải khát Chương Dương (SCD - HOSE) thì cả 4 mã cổ phiếu này đều tăng mạnh trong tháng 9, với thị giá hiện tại đạt trong khoảng từ 30.000 đồng/CP đến 60.000 đồng/CP. Với định giá khá cao, đặc biệt so với mặt bằng cổ phiếu tại UPCoM, tiềm năng và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này có tương xứng?

Với Công ty Bia Sài Gòn - Phú Thọ, cổ phiếu BSP của doanh nghiệp này vừa lên đăng ký giao dịch tại UPCoM trong tháng 8 vừa qua. Nếu tính từ đầu tháng 9 đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9 (khi cổ phiếu BSP đạt đỉnh 38.500 đồng/CP), giá BSP đã tăng 83,3%. Kết thúc tháng 9, cổ phiếu này đã lùi về mức giá 29.700 đồng/CP, tăng 41,4% so với mức 21.000 đồng/CP hồi đầu tháng.

BSP có vốn điều lệ 125 tỷ đồng, trong đó Sabeco và một công ty con khác của Sabeco là CTCP Bia rượu Sài Gòn - Đông Xuân nắm giữ lần lượt 27,03% và 6,82% cổ phần. Về hoạt động kinh doanh, đây là đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm bia lon 333 để tiêu thụ trên thị trường miền Bắc với năng lực sản xuất 35,5 triệu lít/năm. Trong 2 năm 2014 và 2015, BSP đạt doanh thu thuần lần lượt 406,3 tỷ đồng và 441,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 33,5 và 37,6 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, BSP đạt doanh thu thuần 221 tỷ đồng, tăng trưởng 41,3% và lãi sau thuế 14 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015. EPS đạt 981 đồng.

Năm 2016, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 367,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 16,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 16,71% và 54,98% so với năm 2015. Mức cổ tức hàng năm BSP trả cho cổ đông là khá cao, lần lượt là 30%, 20% và 25% trong 3 năm từ 2013 đến 2015. Năm 2016, BSP dự kiến trả cổ tức tỷ lệ chỉ 10%.

Đối với CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB), giá cổ phiếu WSB đã tăng 16,27% trong tháng 9 vừa qua, từ 43.000 đồng/CP lên 51.800 đồng/CP. Đáng chú ý, cổ phiếu WSB nằm trong danh sách Bảng UPCoM Premium dành cho những cổ phiếu chất lượng cao trên sàn này.

Nhìn vào kết quả kinh doanh, WSB là một trong những công ty con (Sabeco nắm 51% vốn) hoạt động hiệu quả hàng đầu của Sabeco, với lợi nhuận trung bình đạt trên dưới 100 tỷ đồng những năm gần đây.

Năm 2015, WSB sản xuất và tiêu thụ hơn 100 triệu lít bia, đạt tổng doanh thu 834,3 tỷ đồng, tăng 8,3% và 95,46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm 2014, chia cổ tức 30% (so với 25% năm 2014). Năm 2016, WSB đặt kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt 98 triệu lít bia; mục tiêu tổng doanh thu 769,2 tỷ đồng và 61,16 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức 25%.

6 tháng đầu năm, WSB có doanh thu thuần đạt 429,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với doanh thu 2015 là 368,7 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng lại giảm 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 42,8 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý với WSB là mới đây, Công ty đã quyết định giải thể Nhà máy Sóc Trăng, đơn vị có công suất sản xuất 40 triệu lít bia/năm.

Có mức tăng thấp hơn đôi chút so với WSB, giá cổ phiếu SMB cũng tăng tới 15,15% trong tháng 9, với giá đóng cửa phiên cuối tháng là 30.400 đồng/CP.

So với WSB và BSP, điểm đặc trưng của SMB là ngoài Bia Sài Gòn, Công ty có hoạt động tự doanh các sản phẩm khác như Bia Quy Nhơn, bia tươi, Bia Lowen và nước tinh khiết. Kết quả năm 2015, sản lượng tiêu thụ của SMB đạt 148,3 triệu lít (trong đó 107,7 triệu lít Bia Sài Gòn), tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu đạt 1.229,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% và 103 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Về kế hoạch năm 2016, SMB đặt mục tiêu doanh thu 1.364,5 tỷ đồng (bằng 110,9% kết quả thực hiện năm 2015) và lợi nhuận trước thuế 76 tỷ đồng (tương đương 73,8% thực hiện năm 2015).

Nhìn chung, kết quả sản xuất – kinh doanh của cả 3 doanh nghiệp kể trên cho thấy, đây là các công ty có hoạt động khá ổn định. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2016 đều khá khiêm tốn, chủ yếu do chịu ảnh hưởng của việc thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng rượu, bia, thuốc lá tăng 5% từ đầu năm 2016). 

Về thanh khoản, 2 tháng gần nhất, SMB và SCD có giao dịch sôi động với trung bình trên 10.000 đơn vị/phiên, trong khi BSP và WSB có thanh khoản khá thấp với chỉ vài nghìn đơn vị mỗi phiên. So với thời điểm kết thúc tháng 9, sau phiên giao dịch ngày 4/10, giá cổ phiếu WSB giảm từ 51.800 đồng/CP còn 49.900 đồng/CP, SCD giảm từ 58.000 đồng/CP xuống 55.000 đồng/CP, ngược lại giá SMB tiếp tục leo lên mức 31.200 đồng/CP (tăng 800 đồng), BSP tăng 100 đồng lên 29.800 đồng/CP.

Ở mảng nước giải khát, một công ty con của Sabeco gây chú ý là CTCP Nước giải khát Chương Dương. Cổ phiếu SCD của Công ty có giao dịch khá ấn tượng trên sàn HOSE, với mức tăng 32,4% trong tháng 9, từ 43.800 đồng/CP lên 58.000 đồng/CP.

Với tỷ lệ góp vốn từ Sabeco là 61,9%, SCD từng là thương hiệu nước giải khát được yêu thích với các sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường như Sá xị, Soda và các loại nước có ga. Trong đó, sản phẩm Sá xị là sản phẩm truyền thống, được người tiêu dùng yêu thích và được biết đến nhiều nhất. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, quy mô hoạt động cũng như sức ảnh hưởng trên thị trường của Chương Dương khó so sánh với các ông lớn cùng ngành như Tân Hiệp Pháp, Masan hay doanh nghiệp ngoại URC, Cocacola, Pepsi.

Năm 2015, Công ty đạt tổng doanh thu 394 tỷ đồng, lãi trước thuế 33 tỷ đồng và lãi sau thuế 26 tỷ đồng. Trong năm 2016, SCD đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 482,7 tỷ đồng và 35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chia cổ tức 15%. 6 tháng đầu năm nay, SCD đạt 185,3 tỷ đồng doanh thu thuần, 13,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng so với tương ứng 123,9 tỷ đồng và 170 triệu đồng thực hiện năm 2015.

Ở các lĩnh vực khác, tính đến 30/6/2016, Sabeco có 2 công ty liên kết tham gia thị trường chứng khoán là CTCP Thủy điện Miền Nam (SHP - HOSE), và CTCP Cơ khí và Xây lắp Công nghiệp (IME - UPCoM). Tuy nhiên, IME và SHP ít được chú ý hơn do cổ phiếu IME gần như không có giao dịch tại UPCoM, trong khi đó, mới đây, Sabeco đã hoàn tất việc thoái toàn bộ hơn 18,95 triệu cổ phiếu SHP, tương đương 20,22% lượng cổ phần đang nắm giữ tại SHP.

Thoái vốn Nhà nước tại Sabeco sẽ là đợt thoái vốn lớn nhất năm nay
Với giá vốn rất lớn, Nhà nước sẽ thoái vốn tại Sabeco làm 2 đợt. Đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư