Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Săn cơ hội từ những tân binh tháng 8
 
Tuần đầu tiên của tháng 8, thị trường chứng khoán có ít nhất 7 doanh nghiệp chuyển và chào sàn. Một số doanh nghiệp được đánh giá hấp dẫn, một số khác có dấu hiệu rủi ro cao.
TTCK gần đây có diễn biến khả quan, thu hút không ít nhà đầu tư tham gia giao dịch
Thị trường chứng khoán gần đây có diễn biến khả quan, thu hút không ít nhà đầu tư tham gia giao dịch

SGN, SCS, SMB niêm yết trên HOSE

Trong 3 ngày đầu tiên của tháng 8, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đón thêm 3 doanh nghiệp từ UPCoM chuyển lên niêm yết.

Cụ thể, ngày 1/8/2018 là ngày giao dịch đầu tiên hơn 23,9 triệu cổ phiếu SGN của Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN), với giá tham chiếu 140.000 đồng/cổ phiếu.

SGN hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần từ tháng 12/2014. Một năm sau, ngày 10/12/2015, cổ phiếu SGN giao dịch phiên đầu tiên trên UPCoM, với giá đóng cửa 70.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện đa số cổ phiếu của SGN nằm trong tay 3 cổ đông tổ chức lớn là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (48%), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (14,9%) và Công ty cổ phần Đầu tư Khai thác cảng (13%).

Trước khi hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM từ ngày 21/7/2018 để chuyển sang niêm yết trên HOSE, cổ phiếu SGN đã có nhiều đợt tăng/giảm giá, dao động phổ biến trong khoảng 135.000 - 150.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch ở mức thấp, song được mua bán khá đều đặn. Trong phiên chào sàn HOSE, cổ phiếu SGN đóng cửa tại mức giá 143.000 đồng/cổ phiếu.

Sau SGN, mã chứng khoán SCS của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn chào sàn HOSE ngày 3/8 với khối lượng niêm yết 49,98 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu 174.105 đồng/cổ phiếu. Cổ đông lớn nhất tại SCS là Công ty cổ phần Gemadept với tỷ lệ sở hữu 37,29%. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng là cổ đông lớn tại SCS, sở hữu 15,17% vốn điều lệ.

Nếu như giá đóng cửa phiên cuối cùng trên UPCoM của SGN cao hơn giá tham chiếu phiên đầu tiên trên HOSE thì SCS ngược lại, giá đóng cửa phiên cuối cùng trên UPCoM của SCS là 168.500 đồng/cổ phiếu (ngày 25/7/2018). Đây là mức giá bình quân của SCS trong 3 tháng gần nhất (cao nhất là 181.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất là 147.000 đồng/cổ phiếu).

Ngày 3/8 cũng là phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE của cổ phiếu Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB). Hơn 29,8 triệu cổ phiếu SMB được chuyển từ UPCoM sang, với giá tham chiếu 31.300 đồng/cổ phiếu (giá giao dịch trên UPCoM trước đó phổ biến trong khoảng 29.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu, đóng cửa phiên cuối cùng 13/7 là 30.200 đồng/cổ phiếu).

Hiện Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang nắm giữ 32,22% vốn tại SMB. Ngoài ra, SMB còn 3 cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Thương mại Địa ốc Việt, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Phú Yên và Capital Shine Limited.

Sau khi rời UPCoM, SMB công bố, 6 tháng đầu năm 2018, Công ty đạt doanh thu 701 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng, lần lượt tăng 69% và 77% so với cùng kỳ năm trước.

Những doanh nghiệp sau một thời gian đăng ký giao dịch trên UPCoM chuyển sang niêm yết trên HOSE hoặc HNX với mục đích chủ yếu là gia tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, tiếp xúc và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nhằm huy động vốn hiệu quả trên sàn chứng khoán.

EVS, VNY, EVF, FIC đăng ký giao dịch trên UPCoM             

Trong khi một số doanh nghiệp rời UPCoM để lên niêm yết thì sàn này không ngừng đón thêm nhiều “tân binh”. Trong tháng 7 vừa qua, có thêm 13 doanh nghiệp chào sàn UPCoM, tăng số chứng khoán đăng ký giao dịch lên 763 mã, nổi bật là cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam.

Đầu tháng 8 này, một số doanh nghiệp lên UPCoM là Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS, tiền thân là Công ty Chứng khoán Đại Dương), Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (VNY), Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVF), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FIC).

FIC giao dịch trên UPCoM vào ngày 2/8 với giá tham chiếu 12.100 đồng/cổ phiếu. FIC có vốn điều lệ 1.270 tỷ đồng, đăng ký giao dịch 127 triệu cổ phiếu, trong đó có 50,8 triệu đơn vị bị hạn chế chuyển nhượng, chủ yếu nằm trong tay Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu - cổ đông chiến lược của Công ty (tỷ lệ sở hữu 40%). Ngoài ra, Bộ Xây dựng nắm giữ 40,08% vốn điều lệ FIC.

Trước khi lên sàn, FIC thông báo lỗ trong 3 tháng đầu năm 2018 do chưa ghi nhận việc chi trả cổ tức từ các công ty con và các công ty liên kết. Khoản lỗ này rất nhỏ nên Công ty khẳng định, kế hoạch kinh doanh cả năm là khả thi. Năm 2018, công ty mẹ đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.470 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 82,4 tỷ đồng.

Một số chuyên gia cảnh báo, các cổ phiếu trên UPCoM “vàng thau lẫn lộn”, do điều kiện được đăng ký giao dịch không khắt khe nên nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu.

Chẳng hạn, VNY đăng ký giao dịch 8,25 triệu cổ phiếu trên UPCoM từ ngày 3/8/2018 với giá tham chiếu 6.000 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp này thua lỗ liên tục trong vài năm qua, hiện âm vốn chủ sở hữu. Kiểm toán nhấn mạnh, Công ty đang mất khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về hoạt động liên tục.

Thị trường chứng khoán: Mảng tối "chứng trường"
Sau 18 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những bước tiến về mọi mặt. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít mảng tối cần nhìn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư