Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Tháng 6 có máu lửa?
 
Câu chuyện những đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) sẽ được tổ chức trước thời hạn 30/6/2018, cùng ước tính về kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2018 được dự báo sẽ là những điểm nhấn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong tháng 6.

Đại hội tháng 6: Chờ những tín hiệu vui

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức ĐHCĐ trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp gia hạn cũng không được quá 6 tháng. Như vậy, tháng 6 là thời hạn các doanh nghiệp có năm tài chính kết thúc vào 31/12/2017 tổ chức ĐHCĐ năm 2018.

Đối với các doanh nghiệp dự kiến ĐHCĐ tháng 6, tình hình chia làm 2 hướng: một bên cổ đông mong chờ phương án kinh doanh, những bước chuyển để tiếp tục tăng trưởng, bên khác cổ đông chờ đợi nhiều hơn vào những kế hoạch vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại Công ty cổ phần (CTCP) Vincom Retail (VRE), doanh nghiệp hiện có vốn hóa lớn thứ 10 trên sàn HOSE, ĐHCĐ năm 2018 sẽ được tổ chức ngày 7/6. VRE dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.500 tỷ đồng, tăng 45% và 23% so với thực hiện năm 2017.

Trong năm 2018, Vincom Retail Cũng dự kiến sẽ mở khoảng 20 - 30 trung tâm thương mại mới. Đáng chú ý trong đó là dự án Vincom Center Liễu Giai (Hà Nội) có tổng diện tích hơn 35.000 m2, có vị trí đắc địa kết nối giữa các quận Ba Đình, Tây Hồ và Đống Đa. Trong khi đó, dự án Vincom Center Landmark 81 (TP.HCM) cũng kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của ngành bán lẻ Việt Nam.

Trước đó, Báo cáo tài chính của VRE cho biết, Công ty đã đạt doanh thu 1.617,9 tỷ đồng trong quý I/2018, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2017, lợi nhuận sau thuế 541,5 tỷ đồng. Với kết quả này, VRE đã hoàn thành 20,2% kế hoạch doanh thu và 21,7% kế hoạch lợi nhuận dự kiến.

Một doanh nghiệp khác cũng dự kiến tổ chức ĐHCĐ trong tháng 6 là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - VGT) sau khi chốt danh sách cổ đông vào ngày 1/6. Dù chưa công bố thời gian cụ thể, ĐHCĐ VGT dự kiến sẽ được tổ chức trong nửa cuối tháng 6.

Sau năm 2017 đạt doanh thu gần 17.500 tỷ đồng, tăng 13,2% so với 2016, lợi nhuận trước thuế gần 715 tỷ đồng, tăng 4,6%, VGT cũng vừa có quý I/2018 khá thành công khi duy trì đà tăng trưởng với doanh thu 4.400 tỷ đồng, tăng 13%, lợi nhuận trước thuế 197,2 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại ĐHCĐ 2018, nhà đầu tư chờ đợi Ban lãnh đạo VGT sẽ chia sẻ chiến lược mới giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức mà ngành dệt may nói chung và VGT nói riêng đang phải đối mặt nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó là triển vọng tăng cường hợp tác với Itochu (Nhật Bản) sau khi Tập đoàn này vừa chi 810 tỷ đồng để mua thêm 10% cổ phần tại VGT, nâng tỷ lệ sở hữu lên 13% trong quý I/2018.

Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng sẽ sớm có thêm thông tin về lộ trình thoái vốn của Bộ Công thương, hiện đang là cổ đông lớn nhất tại VGT với sở hữu 53,49% và theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành thoái vốn trong năm 2018.

Tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS), ĐHCĐ ngày 5/6 cũng nhận được nhiều sự chú ý khi thị trường chứng khoán tích cực mang tới nhiều thuận lợi, giúp kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và quý I/2018.

Trái ngược với sự tích cực tại VRE, VGT hay BVS, tại ĐHCĐ dự kiến tổ chức ngày 30/6, cổ đông của CTCP Sữa Hà Nội (HNM) sẽ “khó vui” bởi sau khi được giao dịch trở lại từ đầu 2018, sau hơn 6 tháng đình chỉ, HNM lại đối diện nguy cơ hủy niêm yết do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp từ 2015 - 2017.

Từng là một trong những doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam, nhất là trong phân khúc sữa giành cho trẻ em, với những sản phẩm sữa mang nhãn hiệu IZZI, Yotuti…, nhưng trong 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của HNM ngày càng đi xuống. Trong quý I/2018, doanh thu của Công ty tiếp tục giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 103,9 triệu đồng. Theo ban lãnh đạo HNM, khó khăn đến từ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt và các chi phí tăng cao.

Câu chuyện vượt qua khó khăn, thách thức, lấy lại đà tăng trưởng cho kết quả kinh doanh và thị giá cổ phiếu dự kiến cũng sẽ là những câu hỏi sẽ làm nóng ĐHCĐ của nhiều doanh nghiệp khác như KLF (5/6), HKB (29/6), FID (cuối tháng 6/2018)…

Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 6 đã khả quan hơn
Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 6 đã khả quan hơn

Doanh nghiệp tốt sẽ lộ diện sớm kết quả bán niên

Nếu như trong nửa đầu tháng 6, kỳ cơ cấu của 2 quỹ ETF được xem là điểm nhấn quan trọng của thị trường chứng khoán, thì trong nửa cuối tháng, thị trường chờ đợi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó giúp đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trong quý II và nửa đầu năm, cũng như xác định những nhiệm vụ còn lại trong nửa cuối năm 2018.

Với 9 ngân hàng đang niêm yết trên HOSE, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chiếm khoảng 25% vốn hóa của VN-Index. Cổ phiếu TCB của Ngân hàng thương mại cổ phần Techcombank sẽ chào sàn ngày 4/6 với vốn hóa khoảng 6,5 tỷ USD và nếu giữ được giá trong giai đoạn đầu chào sàn sẽ góp sức cải thiện màu xanh của chỉ số.

Quý I/2018, hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng mạnh 2 con số và thực hiện được từ 25 - 30% kế hoạch cả năm. Bước sang quý II, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục nhận được nhiều dự báo khả quan nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô tích cực, mặt bằng lãi suất ổn định và tín dụng duy trì tăng trưởng tốt.

Tương tự nhóm ngân hàng là nhóm doanh nghiệp ngành dầu khí khi giá dầu tiếp tục tăng trong 2 tháng đầu quý II/2018. Tính đến 29/5, giá dầu WTI đang giao dịch ở mức 66,8 USD/thùng, tăng 10,8% so với đầu năm, dầu Brent ở mức 75,16 USD/thùng, tăng 12,8%.

Việc giá dầu duy trì xu hướng tăng sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp ngành khí như GAS gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Với doanh nghiệp ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí như PVS, PVD, tình hình kinh doanh cũng được kỳ vọng khả quan hơn khi các đơn giá dịch vụ có sự tương quan mật thiết với giá dầu. Ngược lại, các doanh nghiệp vận tải, nhựa, săm lốp như PVT, VNS, BMP, DRC, CSM… sử dụng dầu, khí hoặc các sản phẩm từ dầu mỏ là nguyên liệu đầu vào dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí gia tăng.

Sau chuỗi phiên giảm điểm và đánh mất gần 23% trong tháng 4 và tháng 5/2018, thống kê của SSI cho biết, tính đến hết phiên 28/5, P/E VN-Index đã về mức 17,6 lần, nếu không tính VHM mới niêm yết, mức P/E chỉ còn 16,1 lần, tương đương bình quân nửa đầu năm 2017.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô thuận lợi cũng như tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đầu ngành đón nhận triển vọng khả quan, phân tích của nhiều công ty chứng khoán nhận định, việc định giá của thị trường chung và nhiều cổ phiếu giảm về mức khá hấp dẫn sau đợt sụt giảm đã và đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới trong nửa cuối 2018, nhất là với các doanh nghiệp đầu ngành, có triển vọng tăng trưởng tốt.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại chưa có tín hiệu ngưng lại, dòng tiền còn khá dè dặt nhưng triển vọng thị trường tháng 6 đã khả quan hơn.             

Thị trường chứng khoán: Cơ hội mở ra với nhà đầu tư giá trị
Quá đà, lố, over là những từ ngắn gọn chỉ trạng thái của thị trường chứng khoán trong những đợt tăng, giảm mạnh. Nếu so với đợt tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư