Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: VN-Index trở lại cuộc chinh phục mốc 1.000 điểm?
 
Hiệu ứng từ thương vụ đấu giá thành công cổ phiếu Sabeco (SAB) ngày 18/12 khiến thị trường tăng điểm mạnh: VN-Index tăng 22,9 điểm sau hai tuần điều chỉnh giảm. Với việc các mã vốn hóa siêu lớn vẫn đóng vai trò dẫn dắt, niềm hy vọng cuối năm VN-Index sẽ “về đích” 1.000 điểm tiếp tục được nhen lên.
2017 là năm “lên ngôi” của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cơ hội đối với nhóm này vẫn còn
2017 là năm “lên ngôi” của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cơ hội đối với nhóm này vẫn còn

Mốc 1.000 điểm: cẩn thận "chọn bạn mà chơi"

Trên sàn chứng khoán đầu tuần, câu chuyện về việc VN-Index có khả năng quay trở lại cuộc chinh phục đỉnh 1.000 điểm trong những ngày cuối cùng của tháng 12 này đang được nhiều người bàn thảo. Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí được kỳ vọng là những trụ chính hỗ trợ chỉ số. Tâm lý từ nhà đầu tư là chờ đợi cột mốc mới của chỉ số, dù trong năm có thể họ chưa chắc có lãi như đà tăng của thị trường.

Trong giới chuyên gia, chia sẻ góc nhìn khá lạc quan, ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt tin rằng, VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ 974,8 điểm năm 2017 ngay trong tuần này và có thể đạt 1.000 điểm trong tháng 12. Tuy nhiên, dù chỉ số có thể dễ dàng đạt 2 mốc như dự báo, những con đường đi của từng cổ phiếu riêng lẻ sẽ không đồng đều.

Không phải tất cả các cổ phiếu, kể cả các mã vốn hóa lớn, cũng dễ tăng như chỉ số. Nhiều mã giảm giá vừa qua, đến nay tăng giá lại chỉ mới là phục hồi, chưa vượt đỉnh cũ, các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa cho thấy tín hiệu bứt phá, mà chỉ là dấu hiệu của hiện tượng bình quân giá. Do đó, nhà đầu tư cần cẩn thận "chọn bạn mà chơi".

Đánh giá về hiệu ứng SAB đến thị trường, ông Lân cho rằng, giá cổ phiếu SAB trên sàn đã cho thấy thị trường không phản ứng quá tích cực đối với thông tin đấu giá ngày 18/12, khi chốt phiên, SAB đứng giá 309.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 3,4% giá đấu thấp nhất.

“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, có khả năng trên sàn, giá SAB sẽ giảm vì đơn giản mã này đã được định giá cao, không tương xứng với tốc độ tăng trưởng của Công ty. Giá đấu vừa qua chỉ là một mốc so sánh. Với kết quả một tổ chức mua vượt 51% cổ phần, tức là thâu tóm Sabeco, thì mức giá 320.000 đồng/cổ phần không còn đơn thuần là giá trị thực của cổ phiếu tính theo các phương pháp định giá thông thường”, ông Lân nói.

Với mức sở hữu của cổ đông lớn trên 51%, sau cuộc thâu tóm Sabeco, không ai chắc nhà đầu tư này sẽ mua thêm cổ phiếu trên sàn (giống như VNM). Nếu họ không mua tiếp, giá SAB trên sàn sẽ quay trở lại là cuộc so kè giữa các nhà đầu tư tài chính với nhau, giữa những người đang định giá SAB theo các phương pháp thông thường với nhau, do đó có khả năng khó giữ mốc 320.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại.

Đón sóng cổ phiếu lẻ cuối năm

Thực tế, biên độ dao động điểm số trên TTCK chưa bao giờ lớn và có khoảng cách rộng như giai đoạn gần đây. Chỉ cần biến động của một số cổ phiếu lớn, thị trường đã có thể tăng, giảm hàng chục điểm.

Điểm trụ lại trong niềm tin của nhiều nhà đầu tư là cuối năm là thời điểm nhạy cảm, các quỹ thực hiện chốt giá trị tài sản ròng, các công ty chứng khoán chốt danh mục..., tâm lý chung là có xu hướng giữ thị trường ở mức “đẹp”.

Tuy vậy, đầu tư trong giai đoạn này, ông Nguyễn Thanh Thế, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư cần chú trọng đến việc phản ứng nhanh theo thị trường hơn là việc lập kế hoạch, dự báo kiểu đầu tư dài hạn.

Một yếu tố đáng chú ý là các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố kết quả kinh doanh quý IV trong một vài tuần tới, nên việc xuất hiện sóng giá từ những doanh nghiệp công bố sớm lợi nhuận quý IV với các cổ phiếu riêng lẻ vẫn có nhiều khả năng xảy ra.

Về tổng thể, do thị trường bị chi phối bởi nhóm dẫn dắt là các cổ phiếu vốn hóa siêu lớn, nên các mã cổ phiếu có sóng lợi nhuận có thể không đủ mạnh để tác động đến VN-Index, nhưng không vì thế mà ở đây không chứa những cơ hội đáng săn tìm.

Ở giai đoạn hiện tại, nhiều mã vốn hóa lớn có chỉ số P/E rất cao, kể cả những mã được khối ngoại mua ròng đẩy lên. Chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, rủi ro ở chính sự tăng giá đó, bởi cổ phiếu không chỉ được đánh giá qua con mắt phân tích kỹ thuật, mà còn qua con mắt phân tích tài chính. Tuy nhiên, lúc này rủi ro chưa đủ lớn để dẫn tới việc tăng cung xả hàng.

Các chuyên gia cũng tin rằng, 2017 là năm “lên ngôi” của nhóm vốn hóa lớn và cơ hội đối với nhóm này vẫn còn trong 2 tuần cuối cùng của năm. Tuy nhiên, cái khó là nhà đầu tư phải kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật để tìm mã phù hợp, vì nếu chỉ đầu tư theo các thông số tài chính cơ bản thì không thể tận dụng được những con sóng từ tâm lý thị trường.

Thị trường chứng khoán: Vi phạm ngày càng tinh vi
Quan ngại các hành vi vi phạm hình sự lẫn hành chính trên thị trường chứng khoán diễn biến ngày càng tinh vi, Nhóm công tác thị trường vốn thuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư