Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường khởi sắc, cổ phiếu bất động sản thăng hoa
Thị trường bất động sản khởi sắc giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành thăng hoa trong những tháng đầu năm 2018.

Hàng loạt cổ phiếu thăng hoa

Đây là cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt trong số gần 60 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong đó, đáng chú ý nhất là cổ phiếu VIC (của Tập đoàn Vingroup), DXG (của Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh), NVL (của Tập đoàn Novaland), NLG (của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long), VPI (của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest)…

Giữ vị trí tăng mạnh nhất theo tỷ lệ là cổ phiếu DXG. Cổ phiếu này đã đạt mức tăng trên 70% từ đầu năm tới nay (từ mức giá 22.150 đồng/cổ phiếu ngày 2/1 lên 38.200 đồng/cổ phiếu ngày 21/3).

Trong khi đó, VIC đạt mức tăng tới 30.000 đồng/cổ phiếu, từ 78.200 đồng/cổ phiếu tại ngày 2/1 lên 108.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/3. Cổ phiếu NLG cũng đạt mức tăng 20,9% (từ mức giá 29.350 đồng/cổ phiếu ngày 5/2/2018 lên 35.500 đồng/cổ phiếu ngày 20/3).

Mới lên niêm yết trên sàn HNX từ tháng 11/2017, cổ phiếu VPI cũng tạo nhiều bất ngờ với nhà đầu tư khi tăng giá liên tục, hiện dao động quanh mốc 36.000 - 41.000 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh so với mức giá chào sàn là 27.600 đồng/cổ phiếu.

Nhận định về nguyên nhân tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản, ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, đó là nhờ kết quả kinh doanh năm 2017 khả quan.

Theo ông Minh, giai đoạn năm 2015 - 2016, thị trường bất động sản ấm lên, hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản thuận lợi, nhưng đến năm 2017 mới là “điểm rơi” về hạch toán doanh thu, lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp ngành này.

VIC đã ghi nhận doanh thu tới 90.354 tỷ đồng trong năm 2017, tăng trưởng 56,8% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 4.247 tỷ đồng, tăng trưởng 74,1%. Trong đó, bất động sản vẫn là mảng đem lại doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho Công ty. VIC cũng là doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao nhất trong khối doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn.

Nhóm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, bất động sản tiếp tục là mảng kinh doanh trụ cột của VIC trong năm 2018 và ước tính doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của VIC có thể đạt lần lượt là 120.000 tỷ đồng và 6.000 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 50% so với năm 2017.

Xếp vị trí thứ hai về mức tăng trưởng doanh thu trong nhóm ngành là NVL. So với năm 2016, doanh thu năm 2017 của NVL tăng trưởng 58%, đạt 11.632 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận tăng trưởng 22,1%, đạt 2.033 tỷ đồng.

NLG cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về doanh thu, lợi nhuận. Năm 2017, doanh nghiệp này có doanh thu 3.161 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 535 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24,7% và 54,9% so với năm 2016.

Hay VPI cũng có mức tăng trưởng đột phá cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, năm 2017, Công ty đạt doanh thu 821 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 433 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13,38% và  2.251% so với năm 2016.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành bất động sản đang có bệ đỡ tốt. Đó là diễn biến tích cực của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, đà tăng giá mạnh của các cổ phiếu bất động sản không diễn ra đồng đều ở mọi cổ phiếu trong nhóm ngành này, mà có sự phân hóa rõ rệt. Bên cạnh nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhờ kết quả kinh doanh khả quan, nhiều cổ phiếu vẫn quay đầu đi xuống do kết quả kinh doanh ảm đạm, bước lùi về doanh thu và lợi nhuận. Trong số này phải kể đến nhóm cổ phiếu "họ" Sông Đà, dầu khí.

Dư địa tăng còn nhiều

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản với sự dẫn dắt của vài cái tên lớn thường xuyên có sóng tăng trong năm 2018, nhưng sóng diễn ra ngắn. Quý I và II, mùa doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, chỉ tiêu năm mới và chia cổ tức, cổ phiếu của những doanh nghiệp có thông tin tích cực sẽ thu hút nhà đầu tư, tạo nên những sóng tăng nhỏ.

Trong khi đó, vị chuyên gia chứng khoán trên cho rằng, nhóm cổ phiếu có triển vọng tích cực nhờ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, chính sách lãi suất thấp và thị trường bất động sản vẫn tích cực. Việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng có diễn biến tích cực, nhiều dự án xấu có hướng giải quyết, tạo thanh khoản, giúp doanh nghiệp bớt áp lực về dòng tiền.

Nhà đầu tư mua cổ phiếu bất động sản nên chú ý đến hai tiêu chí sở hữu quỹ đất và phân khúc thị trường

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, CTCK SSI.

Hiện các doanh nghiệp bất động sản đang hưởng mức lãi suất cho vay dao động từ 8 - 10%/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không bị áp lực quá về nguồn vốn vay từ ngân hàng, mà chủ động hơn khi tìm kiếm vốn mới trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, cả hai thị trường này đều tốt lên trong hai năm trở lại đây.  

Bên cạnh đó, theo vị này, sự quan tâm của các quỹ ngoại đến nhóm cổ phiếu này cũng giúp nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang đổ vào cổ phiếu bất động sản, đáng chú ý như đổ vào VIC, DXG, NLG…

Nhóm cổ phiếu bất động sản được định giá ở mức khá hấp dẫn, với P/E bình quân từ 8 - 10 lần, thấp hơn nhiều mức bình quân chung của thị trường là 19 - 20 lần.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh lại đưa ra khuyến nghị với nhà đầu tư về việc lựa chọn cổ phiếu. Theo đó, những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn và đang tập trung phát triển ở phân khúc thị trường trung cấp và nhà ở giá thấp sẽ là những doanh nghiệp có nhiều lợi thế, cổ phiếu của các doanh nghiệp này còn dư địa tăng trưởng cao trong giai đoạn từ 2018 - 2020.

Cơ sở đưa ra nhận định là phân khúc căn hộ cao cấp đang có dấu hiệu chậm lại do nguồn cung quá lớn, thanh khoản gặp khó khăn kể từ cuối năm 2017 kéo sang năm 2018. Những doanh nghiệp phát triển ở phân khúc này sẽ không có tăng trưởng cao. Các doanh nghiệp có lợi thế quỹ đất và phát triển thị trường phân khúc trung cấp như Nam Long, Đất Xanh, Sacomreal, VPI... sẽ có thanh khoản tốt hơn và duy trì tăng trưởng đến năm 2020.

“Nhà đầu tư mua cổ phiếu bất động sản nên chú ý đến hai tiêu chí sở hữu quỹ đất và phân khúc thị trường”, ông Minh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có hai vấn đề mà các chuyên gia cũng lưu ý với nhà đầu tư khi có ý định bỏ vốn vào cổ phiếu ngành bất động sản là vay và nợ thuê tài chính vẫn lớn. Hiện tổng nợ của doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016, vay ngắn hạn hơn 40.000 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho vẫn ở mức lớn, tăng 13% so với năm 2016, ước đạt hơn 155.000 tỷ đồng.

Đằng sau sự thăng hoa của cổ phiếu bất động sản
Kết quả kinh doanh nổi bật, cùng kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng ngành được xem là yếu tố thúc đẩy nhóm cổ phiếu bất động sản tăng mạnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư