Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường xuất khẩu nào đắt hàng năm 2014?
Phan Long - 19/12/2013 15:33
 
Nhiều hàng rào thuế quan và rào cản thương mại sẽ được gỡ bỏ khi Việt Nam chuẩn bị hoàn tất đàm phán các hiệp định thương mại như TPP, FTA Việt Nam – EU…, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn. Cùng nhận diện những thị trường xuất khẩu tiềm năng trong năm 2014. >>> Năm 2014, xuất khẩu sẽ cán đích 145 tỷ USD >>> Sắp tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại 2013

Tình hình xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 được cho là sẽ có sự tăng trưởng tốt nhờ việc mở rộng thị trường, cũng như các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán để tiến tới ký kết với các đối tác.

Nhận định này cũng dựa trên thành tích tăng trưởng tốt của xuất khẩu năm 2013, khi tổng kim ngạch tăng trưởng 15,3%, ước đạt 132 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 126 tỷ USD mà Quốc hội đề ra.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2013 như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu và ASEAN…đều tăng trưởng mạnh. Đặc biệt là thị trường Mỹ, đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hơn 25 tỷ USD, tăng 22,5%, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhờ đó, Việt Nam xuất siêu vào thị trường này khoảng 20 tỷ USD. “Trong năm 2014, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 10%”, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Đào Trần Nhân nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hứng khởi về sự phát triển của thị trường, ông Đào Trần Nhân cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ về các khó khăn từ những rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với những mặt hàng quan trọng và có kim ngạch cao như tôm, cá tra, cá ba sa, may mặc…mà phía Mỹ tạo ra.

Theo ông Nhân, để duy trì xuất khẩu ổn định vào Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ các chính sách mới được ban hành liên quan đến hàng xuất khẩu.

Đơn cử như Luật hiện đại hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm mà Mỹ mới ban hành có thể ảnh hưởng rất lớn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ông Nhân cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có nghiên cứu sâu về Luật này để thông báo trong nước cũng như có kiến nghị với các bộ ngành liên quan để thông tin cho các doanh nghiệp về các luật mới này.

Cùng với nền tảng tăng trưởng tốt của năm 2013, công tác xuất khẩu năm 2014 được dự báo cũng sẽ có nhiều cơ hội mới mở ra từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán.

Đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà các nước thành viên trong đó có Việt Nam đang nỗ lực kết thúc các vòng đàm phán. Một hiệp định quan trọng khác là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hoàn tất 5 vòng đàm phán và dự kiến sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2014.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, 12 nước thành viên đang tham gia hiệp định TPP chiếm tới 40% tổng GDP và hơn 30% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn thế giới.

Tham gia TPP đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở cửa thị trường xuất khẩu hàng hóa ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản...”Những ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, dệt may, da giày, cà phê…có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhiều.

Nhưng tham gia TPP, muốn đạt được kết quả đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chịu sự cạnh rất lớn. Nếu không cải thiện được năng lực cạnh tranh, khả năng mất thị trường vào tay đối thủ cũng rất cao”, Bộ trưởng Hoàng nhận xét.

Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là EU, ông Vũ Bá Phú, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và EU năm 2013 đạt gần 30 tỷ USD. Dù có nhiều thị trường mới mở nhưng châu Âu vẫn là thị trường nhập hàng dệt may, da giày, nông sản và điện tử lớn nhất của Việt Nam.

Khi hoàn tất đàm phán và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận thêm ưu đãi về thuế quan, các rào cản thương mại cũng giảm đi, đặc biệt là với những mặt hàng có yêu cầu gắt gao về an toàn thực phẩm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư