Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thiết lập không gian hợp tác kinh tế rộng lớn với ASEAN
Thanh Huyền - 13/11/2018 10:26
 
Với cam kết cao về mở cửa thị trường, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Do đó, phát huy thị trường nội khối là một trong những mục tiêu mà ASEAN cần chú trọng.

Một trong hai tổ chức khu vực bền vững nhất

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một ý tưởng mang tính đột phá và nhận được sự hoan nghênh của lãnh đạo các nước ASEAN. Đó là sáng kiến hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế, ASEAN ngày nay là đối tác của phát triển, của hội nhập khu vực và thế giới, dưới một ngọn cờ chung, đóng góp vào duy trì môi trường hòa bình và an ninh tại Đông Á, tạo ra các cơ chế thích hợp về chính trị và an ninh, đóng vai trò dẫn dắt các cơ chế khu vực.

“Từ một cơ cấu hợp tác tiểu khu vực đã trở thành tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, tạo được bản sắc và phương cách riêng, cùng với Liên minh châu Âu (EU), ASEAN là tổ chức khu vực bền vững nhất trong thế giới đương đại”, ông Trường đánh giá.

Kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015 với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, hợp tác ASEAN đã đạt được những thành tựu tích cực và khả quan.

Theo Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), sau gần 3 năm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể xây dựng 3 trụ cột, 239/290 (82%) dòng hành động hợp tác chính trị - an ninh, 80/118 (68%) ưu tiên về hợp tác kinh tế và 100% cam kết về hợp tác văn hóa xã hội đã và đang được triển khai.

Với dân số hơn 640 triệu người (chiếm 8,5% dân số thế giới), quy mô kinh tế năm 2017 đạt hơn 2.760 tỷ USD, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,1% trong năm 2018 và 5,2% trong năm 2019.

Cùng với đó, ASEAN tiếp tục các nỗ lực giám sát, đánh giá việc thực hiện AEC thông qua Khuôn khổ Giám sát và Đánh giá AEC 2025; đẩy mạnh nhiều biện pháp hợp tác hướng đến tự do hóa thương mại, trong đó có gia tăng thương mại và đầu tư nội khối, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sáng tạo, phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đồng thời, ASEAN tiếp tục kết nối với các nền kinh tế đối tác thông qua điều chỉnh và nâng cấp các FTA đã có, ký và đàm phán các FTA mới.

Hài hòa hóa môi trường kinh doanh

Tuy nhiên, những thách thức mà ASEAN phải đối mặt cũng rất lớn.

Trong bài phát biểu trước các lãnh đạo ASEAN tại WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, 2 vấn đề có thể thấy rõ là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa và gia tăng khoảng cách về thu nhập xã hội.

ASEAN tiếp tục các nỗ lực giám sát, đánh giá việc thực hiện AEC thông qua Khuôn khổ Giám sát và Đánh giá AEC 2025.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 56% số việc làm ở 5 nước ASEAN có thể sẽ chuyển sang cho trí tuệ nhân tạo và robot đảm nhận, nên có nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên “công xưởng châu Á” truyền thống của các nước.

TS. Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, ASEAN đang đứng trước sự cạnh tranh chiến lược hết sức gay gắt giữa các nước lớn liên quan. Vì vậy, các thành viên cần làm sao để ASEAN giữ vững đoàn kết, nhất trí, tích cực, chủ động. Có như vậy mới phát huy được vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực và giữ cho khu vực này hòa bình, trung lập, ổn định và phát triển.

Để phát huy vai trò và vị thế của Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng với việc hướng ra bên ngoài, nhất là về thương mại, ASEAN cần phát huy thị trường nội khối, là một thị trường đủ lớn cho các chiến lược phát triển. Đồng thời, hướng đến Tầm nhìn ASEAN 2025 với một ASEAN mở, hợp tác đa dạng với các đối tác.

Để làm được điều đó, hài hòa hóa môi trường kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng, các hạ tầng kết nối nền tảng về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics… cần hoạt động ở quy mô khu vực.

Có thể nói, ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, là một trong các trụ cột của chính sách đối ngoại của Việt Nam. Các mối quan hệ cộng hưởng tạo ra môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, phục vụ an ninh và phát triển của nước ta trong những thập kỷ vừa qua. Do đó, theo TS. Nguyễn Ngọc Trường, Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ động và tích cực như thời gian qua. Người dân nước ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ASEAN, phát huy hiệu quả vai trò trong ASEAN, vì lợi ích của khu vực và của chính Việt Nam.

Việt Nam tổ chức thành công 3 hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN
Trong 5 ngày (từ 8-12/10/2018), tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội nghị quan trọng cấp Bộ trưởng về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư