Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thiết lập lại kỷ luật tài chính
Mạnh Bôn - 25/05/2015 08:49
 
Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 được Quốc hội thảo luận hôm nay (25/5) tiếp tục cho thấy, an ninh tài chính - một trong 3 trụ cột bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế - còn thiếu bền vững.

Điều này cũng cho thấy tính cấp thiết phải xây dựng những thiết chế nhằm siết chặt kỷ luật tài chính và thiết lập nền tài chính lành mạnh trong thời kỳ phát triển mới đã được xây dựng trong Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

 

Nợ công đang đến sát ngưỡng báo động đỏ (65% GDP), cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng mạnh do không ít dự án không trả được nợ, phải chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn. Bội chi đã lên đến 5,69% GDP (chưa tính bội chi ngân sách địa phương) - vượt xa mức trần tối đa được Quốc hội khống chế là 4,5% GDP.

Bên cạnh đó, dự toán thu ngân sách hàng năm quá xa thực tế. Trong khi đó, hàng năm, chi ngân sách luôn vượt dự toán hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn còn “thừa” hàng chục ngàn tỷ đồng để chuyển nguồn qua năm sau… chi tiếp.

Đây là những minh chứng cho thấy an ninh tài chính thực sự thiếu bền vững.        

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 tiếp tục minh chứng điều này. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra hàng loạt đơn vị không bố trí vốn để thu hồi các khoản ứng trước; bố trí vốn cho cả dự án khởi công mới không phải công trình cấp bách; bố trí vốn thiếu căn cứ, không sát với thực tế; chưa bố trí đủ dự toán để trả các khoản nợ vay đến hạn…, cho dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ. 

Báo cáo hàng năm của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, nhiều địa phương hụt thu, nhưng không rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi; không thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản; “vung tay quá trán” trong chi tiêu... Trong đó, có không ít địa phương sẵn sàng sử dụng cả tiền tăng thu, tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng ngân sách... để chi thường xuyên.

Thậm chí, nhiều nơi không ngại ngần cắt bớt khoản chi cho giáo dục, đào tạo, khoa học, bảo vệ môi trường để chi mua sắm tài sản, đi công tác, “học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài. Tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức còn xảy ra phổ biến tại hầu hết bộ, ngành, địa phương.

Nhằm thiết lập kỷ luật sắt đối với ngân khố quốc gia, chấm dứt tình trạng xin - cho, Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi đã xây dựng hàng loạt thiết chế nhằm lập lại trật tự trong chi tiêu như quy định vay bù đắp bội chi chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển và phải bảo đảm bố trí nguồn để trả hết nợ khi đến hạn; khống chế mức vay nợ của các địa phương tùy thuộc vào khả năng tài chính của từng địa phương.

Dự thảo cũng nghiêm cấm thu sai quy định của các luật thuế, tự đặt ra khoản thu; chi  không có, không đúng dự toán; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi; sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định…

Để chấm dứt tình trạng cơ quan, tổ chức, quỹ tài chính ngoài nhà nước nào cũng trông chờ miếng bánh ngân sách, là nguyên nhân dẫn đến bội chi, nợ công gia tăng, Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước quy định rõ, ngoài các cơ quan nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngân sách chỉ bảo đảm kinh phí hoạt động cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Như vậy, hàng loạt cơ quan, đoàn thể, quỹ tài chính đang bám vào “bầu sữa mẹ” sẽ bắt buộc phải “cai sữa” kể từ năm 2017, khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực.

Cùng với việc quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, rõ ràng của các cơ quan nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân về ngân sách nhà nước; công khai ngân sách nhà nước hàng quý, 6 tháng và cả năm bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân giám sát, Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi còn giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách; xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn. Đây là cơ sở để đẩy mạnh việc công khai, minh bạch, nâng cao tính khả thi và hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công trong trung hạn; làm cơ sở để quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và chấm dứt tình trạng xin - cho.

FTA thế hệ mới không ảnh hưởng nhiều tới thu ngân sách
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ông Trần Quốc Khánh, Thứ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư