Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk, Sabeco, Habeco và bài toán giữ thương hiệu Việt
Hồng Phúc - 29/10/2016 08:00
 
Chủ trương thoái vốn nhà nước tại hàng loạt doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco, FPT… đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các đối tác ngoại.

Các doanh nghiệp có thương hiệu như Vinamilk, Sabeco, Habeco… là các các doanh nghiệp có vốn hóa rất lớn trên thị trường. Vì vậy, có lẽ đây là miếng bánh ngon cho các doanh nghiệp nước ngoài và họ đang rất sẵn sàng để nhảy vào mua ngay.

Không khó để thấy các nhà đầu tư ngoại lớn đang thể hiện tham vọng mua lại các doanh nghiệp này. Mới đây, phát biểu với Bloomberg, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Sabeco cho rằng, Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch (Hoa Kỳ), SABMiller, Asahi (Nhật Bản) và Kirin Holdings đang nằm trong nhóm 7 công ty, tập đoàn nước ngoài đăng ký mua cổ phần của Sabeco.

.
.

Bộ Công thương thông báo Chính phủ dự kiến bán toàn bộ 89,59% cổ phần nhà nước tại Sabeco, có giá trị khoảng 1,8 tỷ USD, cùng với 82% cổ phần tại Tổng Công ty CP Bia Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Habeco), giá trị khoảng 404 triệu USD. Đồng thời, Tập đoàn Sản xuất đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) do Charoen Sirivadhanabhakdi, tỷ phú Thái Lan quản lý, đã đánh tiếng với đại diện của Vinamilk về mối quan tâm của họ đối với việc nhà nước thoái toàn bộ vốn tại đây. Khi đó, F&N chào giá 4 tỷ USD cho số cổ phần nhà nước sẽ thoái. Trung tuần tháng 8 năm nay, F&N tiếp tục cho biết đang tìm kiếm một vài thương vụ để mua lại nhằm gia tăng thị phần tại khu vực Đông Nam Á, trong đó, ở Việt Nam, mục tiêu tiềm năng vẫn tiếp tục là Vinamilk.

Với những con số này thì doanh nghiệp nội nào có đủ tiềm lực? Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, không nhà đầu tư nào dại dột xóa bỏ các thương hiệu mà họ đã dày công xây dựng. Chắc chắn, họ sẽ tìm cách bảo vệ và phát triển hơn nữa những thương hiệu này.

“Chính phủ cũng đang rất quan tâm bảo vệ các thương hiệu lớn này khi thực hiện thoái vốn, bán cổ phần. Cụ thể, với Sabeco và Habeco, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương đề xuất giải pháp làm sao đó để bảo vệ. Mặc dù Bộ Công thương còn đang nghiên cứu và chưa báo cáo phương án, nhưng tôi nghĩ, chúng ta không nên quá lo lắng vì suy cho cùng mục tiêu của các nhà đầu tư, vì mong muốn có lợi nên họ sẽ bảo vệ và phát triển các thương hiệu này”, ông Nguyễn Trọng Dũng nói.

Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, việc bảo vệ các thương hiệu quốc gia này không phải dễ. Đặc biệt, những cái tên như Sabeco, Vinamilk, FPT... đã mang tầm thương hiệu quốc gia, nhưng đến nay chưa thực sự có tiếng trên thị trường quốc tế.

“Chúng ta lấy gì để đảm bảo rằng khả năng các đối tác ngoại sẽ cố gắng giữ thương hiệu Việt sau khi thâu tóm. Đó là chưa kể đến vấn đề người lao động, hay các nhà đầu tư này sau khi thâu tóm một vài doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng sẽ tiến tới khống chế cả một ngành hàng trên thị trường”, đại diện này chia sẻ.

Ông Chu Tiến Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn CNS cũng cho rằng, việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước có thể thu về một số tiền khổng lồ, nhưng theo quy luật, bản thân các doanh nghiệp mạnh luôn có “quyền” tiêu diệt doanh nghiệp yếu hơn. Vào thời điểm nào đó, họ sẵn sàng xóa bỏ và thay bằng thương hiệu “mẹ”.

Ông Chu Tiến Dũng cũng chỉ ra hàng loạt phi vụ mua bán sáp nhập như Công ty cổ phần Kinh Đô bán 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo cho đối tác Hoa Kỳ là Tập đoàn Mondelez International hay Tribeco bị thâu tóm bởi Tập đoàn Uni President…

“Thoái vốn, bán cổ phần hay M&A là rất bình thường trong một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý đến vấn đề các doanh nghiệp ngoại có khống chế một thị trường, chi phối các hệ thống phân phối. Việt Nam đang có những doanh nghiệp đầu tàu để tự chủ nền kinh tế, khi bán hết, nếu không cẩn thận, ta lại rơi vào tình trạng phụ thuộc, để rồi các doanh nghiệp nội không thể chen chân vào thị trường”, ông Dũng cho biết.

Tại Hội nghị “Về thoái vốn nhà nước và Đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán” do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và SCIC tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Trọng Dũng  cho biết, nếu thời điểm năm 2001, doanh nghiệp nhà nước dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, thì đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Đại bộ phận các doanh nghiệp này có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng quy mô và năng lực tăng lên.

Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lũy kế giai đoạn 2011-2015 và 10 tháng năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 547 doanh nghiệp nhà nước và 3 đơn vị sự nghiệp. Như vậy, tính đến nay đã có 4.502 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

Cũng tại Hội nghị này, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, sẽ bán 9% vốn của Vinamilk vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2016. Phần vốn còn lại của Vinamilk, cũng như của 9 doanh nghiệp lớn còn lại, hiện tại, tốc độ bán vốn đã phần nào chậm lại do số lượng doanh nghiệp chuyển giao về SCIC không còn nhiều như năm trước và một số doanh nghiệp đã thực hiện bán vốn nhà nước nhiều lần nhưng chưa thành công.

Nguyên tắc thoái vốn của SCIC được ông Hiển đưa ra là “rút lui tích cực”, nghĩa là mang lại hiệu quả thoái vốn Nhà nước và khi thoái vốn sẽ tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.

Tiếp tục thoái vốn Habeco và Sabeco sau niêm yết: Không để nhóm lợi ích lộng hành
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Sabeco và Habeco sẽ tiếp tục thoái vốn nhà nước sau khi niêm yết. Giới đầu tư đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư