Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thổi bùng ngọn lửa khát vọng cho doanh nghiệp Việt
Hữu Tuấn - 20/08/2017 08:52
 
Việc lên Sàn Chứng khoán NASDAQ (Hoa Kỳ) của VNG đã tạo ra nguồn hứng khởi mãnh liệt cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hình thành một thế hệ doanh nghiệp mới - doanh nghiệp toàn cầu.

Ngày 30/5/2017 ắt hẳn là một ngày đáng nhớ với cộng đồng start-up nói riêng và cả giới doanh nghiệp Việt Nam nói chung, khi VNG, một start-up của Việt Nam, lần đầu tiên ký Bản ghi nhớ về việc dự kiến niêm yết trên Sàn Chứng khoán NASDAQ tại New York (Hoa Kỳ).

Sáng hôm đó, ông Lê Hồng Minh, CEO, Người sáng lập VNG vẫn xỏ giày chạy bộ ở Công viên Central Park (New York). Ông luôn duy trì thói quen tập luyện đều đặn của một vận động viên triathlon kỳ cựu, kể từ khi mang sự kiện thể thao quốc tế Ironman 70.3 về Việt Nam, cũng giống như thái độ điềm tĩnh của ông trước những việc lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ Việt Nam chụp ảnh cùng đại diện NASDAQ và VNG sau khi ký Bản ghi nhớ ngày 30/5/2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ Việt Nam chụp ảnh cùng đại diện NASDAQ và VNG sau khi ký Bản ghi nhớ ngày 30/5/2017.

Vài giờ sau, trong căn phòng của InterContinental Barclay New York Hotel, ông Minh đã xuất hiện trong bộ vest đen trang trọng. Suốt 13 năm gây dựng VNG, đây là lần hiếm hoi người ta thấy ông mặc vest, khác với phong cách quần jean, áo pull giản dị và năng động thường ngày. Sự kiện đặt bút ký vào Bản ghi nhớ cùng ông Robert H. McCooey Jr, Phó chủ tịch cấp cao Sàn Chứng khoán NASDAQ quả nhiên là một sự kiện vô cùng trọng đại với bản thân ông Minh và với VNG.

Sau lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp ông Robert H. McCooey Jr và chụp ảnh lưu niệm với cả đoàn. Tấm ảnh bắt được khoảnh khắc ông Minh hé cười, nhưng gương mặt vẫn có nét lo âu.

Không biết giờ phút đó, ông Minh có nhớ đến cuộc phỏng vấn với phóng viên Forbes vào tháng 6/2010 hay không? Tại cuộc phỏng vấn đó, ông Minh đã tràn đầy niềm tin chia sẻ rằng, mong muốn của ông là đưa cổ phiếu của VNG xuất hiện trên những sàn giao dịch chứng khoán quốc tế như NASDAQ hay Hồng Kông trong một vài năm tới.

Nhưng dự định “một vài năm tới” của ông Minh đã kéo dài 7 năm và để niêm yết được trên Sàn Chứng khoán NASDAQ, rất có thể ông Minh và VNG sẽ phải mất ít nhất 18-24 tháng, tức là tổng cộng ngót nghét 10 năm để hiện thực hóa “giấc mơ lên sàn quốc tế”.

Luôn sẵn sàng tinh thần “Đón nhận thách thức”

Ông Lê Hồng Minh xuất phát là một game thủ, vừa là chủ quán game, vừa là nhân viên tín dụng ngân hàng của Quỹ VinaCapital. Ông cùng 5 cộng sự đã lập nên VinaGame vào năm 2014, mang theo khát vọng khai thác mảnh đất màu mỡ của game online ở Việt Nam. Có lẽ, lúc quyết định thành lập Công ty, ông Minh cũng không nghĩ rằng, 13 năm sau, công ty của mình lại “chơi lớn” đến vậy.

Ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập - Chủ tịch VNG (trái) và ông Robert H. McCooey Jr, Phó chủ tịch cấp cao Sàn chứng khoán NASDAQ (phải)
Ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập - Chủ tịch VNG (trái) và ông Robert H. McCooey Jr, Phó chủ tịch cấp cao Sàn Chứng khoán NASDAQ (phải)

Năm 2006, VinaGame trở thành nhà phát hành game “có số má” ở thị trường Việt Nam với hàng triệu game thủ. Thời đó, Võ Lâm Truyền Kỳ là tựa game nổi tiếng và ăn khách nhất của VinaGame, cho đến nay vẫn xứng danh là “Tượng đài của làng game Việt”.

Nhưng, với ông Minh và cộng sự, mảng game chỉ là “bàn đạp”, là “bước đà” để VinaGame thực hiện một khát vọng lớn là chọn cho mình sứ mệnh “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam”. Trong giai đoạn 2006 - 2010, thị trường Internet Việt Nam mới sơ khai, Internet tăng trưởng tới hơn 300%, từ 8 triệu người lên 25 triệu người sử dụng, đưa Việt Nam lọt vào Top 20 nước có dân số sử dụng Internet cao nhất thế giới. Ở tất cả các thành phố lớn của Việt Nam, 80% giới trẻ sử dụng Internet như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. VinaGame xác định, sẽ tiên phong xây dựng một “ngành công nghiệp không khói mới”, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

“Động lực thúc đẩy chúng tôi không phải là những khoản doanh thu, mà là lòng nhiệt thành và niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của Internet và game trong tương lai. Đó sẽ tiếp tục đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống với hai làn sóng công nghệ mới chỉ xuất hiện trong 4 năm qua mobile và mạng xã hội”, ông Minh nhớ lại thời điểm năm 2010.

Từ tầm nhìn vào tương lai Internet của Việt Nam, VNG (năm 2009, VinaGame đổi tên thành VNG) đã thực hiện một chiến lược đón đầu quan trọng, với mong muốn làm thay đổi hành vi người dùng, nhất là người dùng trẻ, tạo cho họ những lối sống mới, hình thành khát khao tìm hiểu tri thức, học tập, giải trí trên nền tảng Internet.

Ngay từ lúc đó, VNG đã xác định sẽ tập trung vào 3 mảng lớn trong lĩnh vực Internet, nội dung - cộng đồng và thương mại, với những ưu tiên và trọng tâm khác nhau ở từng giai đoạn phát triển của thị trường, cũng giống như nhiều công ty Internet lớn trên thế giới như Amazon, Google, Facebook khởi đầu từ một lĩnh vực công nghệ sau đó trở thành nhà cung cấp đa dịch vụ.

“Chúng ta sẽ tạo ra sự thay đổi Internet như thế nào? Đâu là mối liên hệ giữa những chuyện chúng ta làm hàng ngày với sứ mạng “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam”? VNG phải trở thành “tiên phong” trên mặt trận Internet với hàng loạt sản phẩm phục vụ người Việt Nam. VNG phải trở thành một lý do chính để mỗi người Việt Nam sẽ bật máy tính, hay điện thoại di động, hoặc tivi và kết nối với Internet hàng ngày”, đó là thông điệp mà ông Minh truyền tải cho nhân viên.

Còn đối với cộng đồng, ông Minh chia sẻ rằng: “Chúng tôi muốn đóng góp một phần trong sự thay đổi tích cực đang diễn ra từng ngày tại Việt Nam thông qua việc phát triển thị trường dịch vụ Internet. Những người trẻ tại VNG có một khát vọng muốn được tạo ra những sản phẩm mới với những giá trị tích cực, phục vụ thị trường Internet rộng lớn tại Việt Nam. VNG tin tưởng rằng, Internet đã, đang và sẽ thay đổi sâu sắc cuộc sống con người, tạo ra những giá trị mới và mở ra những thị trường mới. Vì thế, chiến lược của chúng tôi là đầu tư vào các dịch vụ Internet cơ bản nhất, mà người dân sử dụng hàng ngày, dù đó là nghe nhạc, đọc báo, chơi game hay mạng xã hội, OTT…”.

Sau 13 năm, VNG đã thu hút rất nhiều thế hệ người trẻ Việt Nam đến với Internet, biến những người lần đầu tiếp xúc với Internet trở thành người dùng Internet mỗi ngày, dùng Internet như một công cụ để thay đổi cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.

Sau 13 năm, VNG đã xây dựng một hệ sinh thái: nghe nhạc ZingMP3, xem các chương trình ZingTV, đọc tin tức Báo mới, chat Zalo, mua bán qua Zaloshop, thanh toán Zalopay, đặt vé xem phim - sự kiện qua 123Phim - 123Go…, phủ sóng cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong cộng đồng hơn 90 triệu dân.

Sau 13 năm, VNG đã biến ngành, các ứng dụng nội dung số trở thành một giá trị to lớn và tích cực cho hệ sinh thái Internet 20 năm tại Việt Nam, liên tục nâng cao những trải nghiệm của người dùng.

Thành quả của VNG sẽ tạo ra uy tín và niềm tin để các nhà đầu tư quốc tế mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào các start-up Việt
TS. Trần Việt Hùng Founder của GotIt

Xuyên suốt 13 năm đó, giá trị cộng hưởng và lan toả lớn nhất của VNG với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt với các start-up Việt Nam đó là tinh thần khởi nghiệp và ngọn lửa “Đón nhận thách thức - Embracing challenges”.

Không chỉ trong công việc, hình ảnh ông Lê Hồng Minh và nhiều thành viên VNG khác tham gia cuộc thi Ironman 70.3 hằng năm là minh chứng sinh động cho tinh thần “đón nhận thách thức”. Họ đón nhận thách thức kể từ khi tham gia Ironman, thách thức trong việc dành thời gian tập luyện mỗi ngày, thách thức trên chính chặng đua và sau chặng đua, họ sẽ tiếp tục những thách thức khác. Tinh thần đó đã được VNG lan truyền, tạo nên cảm hứng mới cho cộng đồng các start-up và công ty công nghệ thông tin đồng loạt cùng tham gia sự kiện thể thao này.

Trong chặng đường 13 năm qua, VNG đã đón nhận rất nhiều thách thức, dính nhiều “vết thương”. Bị kỳ thị như một công ty có sự góp vốn của Trung Quốc, sự “hắt hủi” chỉ vì quan niệm “game là xấu xa”, thậm chí có lúc đứng trên bờ của việc dừng hoạt động… Đặc biệt, có một điều ít ai biết đến, VNG là start-up có khá nhiều thất bại. Từ khi thành lập tới nay, trong gần 150 sản phẩm, dịch vụ mà VNG cho ra mắt trên thị trường thì có tới 80% phải đóng cửa, chấm dứt hoạt động. Nhưng điều khiến cả cộng đồng doanh nghiệp nể phục là VNG chưa bao giờ bỏ cuộc.

“Điều quan trọng không phải là vượt qua mọi thách thức, mà là dù bạn thất bại te tua, bầm dập, nhưng vẫn có niềm hứng khởi đón nhận thử thách mới và tiếp tục dấn thân”, ông Minh chia sẻ và cho biết, đa phần mọi người tự hào nhất về những thành công của mình, nhưng đối với VNG, 80% thất bại là niềm tự hào lớn nhất, vì đã không bỏ cuộc.

“Chúng tôi học từ những thất bại đó, tiếp tục chỉnh sửa, làm lại, hay làm mới sản phẩm; tiếp tục thử nghiệm, tiếp tục cố gắng. Đối với nhiều người, “thất bại là mẹ thành công” chỉ là một châm ngôn, còn đối với VNG, đó là rất nhiều bài học thực tế, phải trả giá bằng rất nhiều công sức, tiền bạc và sự ra đi của nhiều thế hệ con người”.

Tinh thần “Embracing Challenges” của VNG đã, đang và sẽ là một động lực, một tấm gương sống để các start-up Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình khởi nghiệp của mình. “Điều quan trọng nhất của một doanh nghiệp là cần có một niềm tin dài hạn vào con đường mà mình đang theo đuổi. Và khi chúng ta đặt niềm tin đó vào trọng tâm mọi hoạt động của mình, thì dù ngắn hạn có gặp nhiều khó khăn, nhiều thay đổi không lường trước, nhưng sau một khoảng thời gian dài, chúng ta sẽ có những bước tiến rất xa trên con đường của mình”, ông Minh tâm sự.

Mở rộng tầm mắt, hướng ra thế giới rộng lớn

Cùng với năm tháng, khi tấm áo quá chật, mục tiêu trở thành công ty Internet top đầu thị trường nội địa của VNG đã được nâng lên trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Điều này sẽ giúp VNG hợp tác với những đối tác mạnh của thế giới về công nghệ, quản trị, mở rộng thị trường, tăng giá trị thương hiệu của bản thân.

Sâu xa hơn, từ việc toàn cầu hoá, VNG sẽ tạo ra một “lối đi mới” cho start-up Việt nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, “mở lối” để các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam để hợp tác, trở thành một case-study tiêu biểu để các start-up, công ty Việt dẫn chiếu và có thêm động lực tiến ra thế giới.

“Điều tất yếu là để có thể thành công, chúng ta phải phát triển những sản phẩm ‘world class’. Điều khó nhất là tất cả phải tự mày mò, học tập, phải đón nhận những thách thức để tiến ra toàn cầu”, ông Minh chia sẻ.

Tạo hứng khởi cho giới khởi nghiệp trong nước
Việc doanh nghiệp Việt, mà cụ thể là VNG nhắm tới những sàn như NASDAQ thì không chỉ họ mong muốn kiếm một nguồn vốn đầu tư, mà hướng của họ là toàn cầu, vươn ra khỏi tầm vóc quốc gia để khẳng định mình trên thị trường quốc tế. Không có những công ty như vậy thì quốc gia chưa đạt được tầm phát triển. Đất nước cần những công ty ngang tầm thế giới, chứ không nên chỉ quẩn quanh với suy nghĩ đứng đầu thị trường nội địa.

Nếu VNG IPO và thành công trên sàn NASDAQ, sẽ làm cho giới đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư công nghệ chú ý đến các Start-up công nghệ Việt Nam nhiều hơn, tạo hứng khởi mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.
Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế

Chiến lược “Go Global” của VNG khác hẳn Viettel, FPT, hay các công ty công nghệ thông tin khác. Nếu như Viettel, FPT tiến ra thế giới bằng việc mở văn phòng đại diện, phát triển hạ tầng kinh doanh ở nước ngoài, thì VNG cung cấp các sản phẩm với tiêu chuẩn toàn cầu (world class).

Với nền tảng “Internet là không biên giới”, đội ngũ VNG ở Việt Nam đang không ngừng nghiên cứu, phát triển và cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến hơn 233 quốc gia và vùng lãnh thổ bằng 15 ngôn ngữ khác nhau. Họ đang nỗ lực tạo ra sản phẩm cung cấp trên nền tảng “không biên giới” trước, được người dùng chấp nhận bởi chính chất lượng của sản phẩm, chứ không chỉ bởi “Nơi họ đang làm việc”.

Rất giống cách thức vận hành của các gã khổng lồ Internet trên thế giới như Facebook, Google, Apple..., VNG cũng có khá ít văn phòng tại nước ngoài. Họ tìm hiểu cặn kẽ về thị trường mà họ muốn phát triển, sau đó về nước để cải tiến sản phẩm, đáp ứng cho thị trường đó một cách tốt nhất. Vậy nên, có thể nói, VNG đã “Go Global” từ cách đây khá lâu, kể từ khi họ đưa những sản phẩm đầu tiên của mình lên các kho ứng dụng của toàn cầu (Apps Store, Google Play…).

Song chiến lược “Go Global” ấy bắt đầu được đẩy mạnh rõ nét hơn kể từ đầu năm 2016. VNG đã đi ra thị trường thế giới với các tựa game nổi bật như Sky Garden, Dead Target, Cube Farm 3D... Kết thúc năm 2016, các sản phẩm của mảng game VNG đã có hơn 70 triệu người dùng mobile, có mặt tại hơn 233 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2017, tựa game Sky Garden: Farm in Paradise đã vượt qua 3.000 game của hơn 800 studio trên khắp thế giới, nhận Giải thưởng “People’s Choice Award” tại Giải International Mobile Gaming Awards (IMGA) Global.

Ngoài ra, Dead Target, tựa game từng đứng đầu và được trao danh hiệu “Editor’s Choice” trên Google Play năm 2016, vừa được Google mời đến trình diễn phiên bản VR (thực tế ảo) tại sự kiện Google Daydream/ Tango Code Lab (Singapore) và xuất hiện mới đây tại sự kiện Google I/O Extended Vietnam 2017. Nhiều sản phẩm khác của VNG cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị để tiếp nối những thành tựu mang tính “global” này.

Không chỉ ở game, Zalo là một ứng dụng OTT do VNG phát triển đã tiến sang thị trường Myanmar vào giữa năm ngoái và nhanh chóng đạt con số 2 triệu người dùng sau 4 tháng. Các sản phẩm của VNG khi được giới thiệu tại sự kiện CommunicAsia 2017, triển lãm công nghệ thông tin lớn nhất châu Á diễn ra vừa qua tại Singapore, đã nhận được sự quan tâm và chú ý của các lãnh đạo cấp cao đến từ nhiều nước cùng với khách tham quan.

Hiện nay, văn phòng VNG tại Singapore đang bắt đầu kế hoạch xây dựng một data center để cung cấp dịch vụ của VNG đến người dùng cuối tại thị trường ASEAN. Văn phòng VNG tại Thái Lan cũng đang được sắp xếp lại tổng thể để chào đón các nhân sự mới.

Viết giấc mơ niêm yết trên sàn quốc tế

Để trở thành một doanh nghiệp toàn cầu, bước đầu tiên, VNG cần phải đứng chung với các doanh nghiệp toàn cầu. Việc niêm yết trên sàn NASDAQ có thể xem như là một thước đo toàn diện và chuẩn mực để đánh giá một doanh nghiệp.

Bước ngoặt lịch sử cho doanh nghiệp Việt Nam
Việc VNG niêm yết trên sàn NASDAQ là một bước ngoặt lịch sử cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, việc niêm yết trên sàn nước ngoài đối với doanh nghiệp nội vẫn là chuyện xa vời. Nếu VNG niêm yết thành công, sẽ đón nhận được nhiều cơ hội để phát triển, bởi lẽ sàn NASDAQ có độ mở rất lớn và việc tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế tương đối thuận lợi.

Đặc biệt, với doanh nghiệp về công nghệ, rất dễ tìm kiếm được tiếng nói chung với các đối tác ở thị trường Mỹ. Độ minh bạch của thị trường chứng khoán tại New York cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi lựa chọn cổ phiếu VNG.
Ông Phan Dũng Khánh Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Maybank Kimeng

Niêm yết trên sàn NASDAQ là một “hành trình dài và khó khăn”, “chưa từng có tiền lệ” và “sẽ không dễ dàng” nhưng ông Minh khẳng định: “VNG nếu muốn thực sự trở thành một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và khu vực, có thể so sánh được với các công ty công nghệ toàn cầu, thì phải chấp nhận và tham gia cuộc chơi lớn global - từ việc cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm global, tham gia trực tiếp thị trường global, tiếp cận nguồn vốn và các nhà đầu tư global và chịu sự đánh giá khắt khe của thị trường chứng khoán global. Nói một cách khác, đây là “challenge” mà VNG “embrace” để bước ra thế giới”.

Với VNG, việc chọn thời điểm này để “mở màn” cho hành trình niêm yết trên sàn NASDAQ quả thực là một “điểm rơi” thuận lợi. Đó là việc Chính phủ đang cổ vũ, hỗ trợ và dành nhiều sự quan tâm cho phong trào khởi nghiệp. Cùng với đó, Việt Nam đang là có nhiều khởi xướng tích cực trước làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0, một định hướng đang được quan tâm và đầu tư từ Chính phủ.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin như VNG cũng nhận được sự chỉ đạo và khuyến khích phát triển các sản phẩm, ứng dụng số mới, mang tính cạnh tranh chiến lược của quốc gia. Với vai trò là một trong những công ty công nghệ và Internet hàng đầu Việt Nam, VNG tin rằng, để có thể phát triển và bắt kịp xu hướng cách mạng công nghệ 4.0 này, bước đi đúng đắn là tạo ra những sản phẩm với chất lượng quốc tế, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

VNG đang đứng trước một cơ hội lịch sử, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán danh tiếng NASDAQ của Mỹ. Nếu VNG niêm yết thành công, không chỉ VNG “chiến thắng”, thu hút thành công nguồn vốn ngoại, công nghệ, thị trường, chất xám…, mà còn mở một cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới, mở cánh cửa còn lại đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dù có “chiến thắng” hay không, có niêm yết thành công hay không, thì VNG vẫn xứng đáng là một nguồn cảm hứng bất tận, một động lực mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hy vọng rằng, cùng với việc thắp và thổi bùng ngọn lửa khởi nghiệp cho cộng đồng, VNG sẽ hiện thực hoá thành công giấc mơ “niêm yết trên sàn quốc tế” của cộng đồng doanh nghiệp Việt.

• Năm 2014, VNG được World Start-up Report định giá hơn 1 tỷ USD, bước vào sân chơi của Câu lạc bộ Công ty Internet tỷ USD của thế giới.
• Năm 2016 và 2017, VNG được Forbes Vietnam bình chọn là 1 trong 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
• Hiện VNG có 13 công ty, ngoài việc đầu tư trong các công ty công nghệ khác, VNG đang phát triển trong 4 lĩnh vực: phát triển game, công nghệ số, ứng dụng OTT và dịch vụ thanh toán điện tử.
• Đến hết năm 2016, tổng nguồn vốn của VNG đạt hơn 3.500 tỷ đồng, chủ yếu là vốn tự có, hoàn toàn không vay nợ ngân hàng. Quy mô vốn chủ sở hữu đạt 2.881 tỷ đồng, tương đương 127 triệu USD.
• Vốn điều lệ của VNG tăng lên 22 lần trong 13 năm, từ 15 tỷ đồng năm 2004 lên 330 tỷ đồng năm 2016.
VNG đặt mục tiêu doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 900 tỷ đồng
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22/6, Công ty CP VNG (VNG) đưa ra mục tiêu năm 2017 sẽ đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng và đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư