Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thôi điều hành chèn lấn, GDP sẽ tăng cao
Bảo Duy - 20/01/2017 14:26
 
Đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam chỉ 6,43%, nhưng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khả năng tăng trưởng 6,7% như chỉ tiêu kế hoạch không phải là không có cách để đạt được, song không nên coi đó là mục tiêu cứng.

Chìa khóa là cách điều hành

Lý do ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM cho rằng, dù không dễ giải trình cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, nhưng mâu thuẫn đang được nhìn thấy trong các chỉ tiêu kinh tế năm 2017 có thể sẽ không xảy ra nếu cách điều hành được điều chỉnh phù hợp.

“Nhìn vào các con số, có thể có mâu thuẫn. So với năm 2016, chỉ tiêu tăng trưởng GDP tăng, nhưng các chỉ tiêu còn lại đều giảm, nhất là thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mâu thuẫn này sẽ chỉ xảy ra nếu cách thức điều hành tài khóa không thay đổi”, ông Dương lý giải.

Việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các Dự án lớn, như Dự án Hầm đường bộ Cù Mông, sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP. Ảnh: Đ.T
Việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các dự án lớn, như Dự án Hầm đường bộ Cù Mông, sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP. Ảnh: Đ.T

Ở đây, cách thức điều hành của năm 2016 được các chuyên gia của CIEM đưa ra một số lưu tâm, với hàm ý đây là lý do khiến chỉ tiêu thâm hụt ngân sách năm 2016 không như kỳ vọng, môi trường kinh doanh chưa thực sự hướng tới mục tiêu tìm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - đó là khu vực tư nhân.

“Đặc biệt, cách điều hành đang có sự chèn lấn nguồn vốn với doanh nghiệp tư nhân, khiến cơ hội để khu vực này lớn nhanh hơn thêm một lần bị bỏ lỡ”, ông Dương thẳng thắn.

Sự chèn lấn thể hiện ngay trong cách điều hành thu – chi ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ cũng như động thái thúc đẩy giải ngân đầu tư công vào cuối năm. Các số liệu thống kê cho thấy, mặc dù ngay từ quý I/2016 đã có những dấu hiệu khó khăn trong nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu, đặc biệt là khai khoáng, dầu thô, nhưng không có động thái điều chỉnh chi ngân sách.

“Chúng tôi nói vậy, bởi đầu năm, Bộ Tài chính nói nhiều về kỷ luật ngân sách, nhưng cuối năm, thâm hụt lại tăng. Có vẻ như cách giải quyết khó khăn trong thu ngân sách lại là phát hành thêm trái phiếu chính phủ. Cả năm 2016, tổng giá trị phát hành trái phiếu chính phủ đạt 281.800 tỷ đồng, tăng tới 42,7% so với năm 2015. Hơn thế, việc bổ sung phát hành thêm hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong quý IV/2016 còn gây thêm bất an cho khu vực tư nhân. Trong năm nay, không hiểu sẽ có đợt phát hành nào thêm so với kế hoạch đã công bố không”, ông Dương nói.

Điều đáng nói là, các ngân hàng thương mại được nới lỏng hơn trong việc mua trái phiếu chính phủ, khiến khoản tín dụng dành cho khu vực tư nhân thu hẹp lại, còn chủ yếu ở nguồn vốn ngắn hạn. Áp lực trả nợ ngân hàng đổ lên doanh nghiệp tư nhân.

“Chúng ta đã nói nhiều đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tại sao doanh nghiệp không lớn được. Theo chúng tôi, đó cũng là câu chuyện trong điều hành”, ông Dương nói.

Dồn lực cho doanh nghiệp tư nhân

Đặt lại vấn đề tại sao đến cuối năm lại thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có nên bỏ qua kỷ luật ngân sách để đạt mục tiêu giải ngân hay không, ông Dương cho rằng, có lẽ, yêu cầu phải đặt ra là sử dụng vốn thế nào, chứ không phải giải ngân được bao nhiêu.

Lý do là, nếu mục tiêu là sử dụng vốn, thì không kể ai là người sử dụng vốn, sẽ có câu hỏi ngay từ đầu là liệu có nên phát hành thêm trái phiếu chính phủ hay không? Như vậy, cơ hội tham gia của khu vực tư nhân sẽ tăng lên.

“Khi thiên về đầu tư tư nhân, áp lực đối với các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương sẽ là cải cách mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư - kinh doanh thuộc phạm vi của mình, vì chỉ với cách làm đó, việc phân bổ nguồn lực mới tốt hơn, thị trường hơn, chi phí sản xuất của doanh nghiệp mới giảm đi, hút thêm vốn đầu tư tư nhân vào”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Cung lấy làm tiếc khi cho rằng, sự lưỡng lự, chưa nhất quán trong điều hành vẫn còn lớn, khiến cơ hội của khu vực doanh nghiệp tư nhân năm 2017 cũng bấp bênh không kém năm trước. Hệ quả là, nền kinh tế Việt Nam có “tính thời vụ” rất cao.

“Chính phủ lại điều chỉnh giá phí dịch vụ, nhưng lại không phải để cải cách khu vực này, mà chủ yếu vì ngân sách không còn tiền chi cho phần này. Trong khi đáng ra, cùng quyết định điều chỉnh giá cả, phải mở cửa thị trường dịch vụ công, gắn với quyền lợi và động lực thúc đẩy cạnh tranh cho khu vực này. Chính thông điệp không rõ ràng, nên doanh nghiệp đang lo ngại về khả năng tăng thu trong năm nay, thay vì nhìn thấy cơ hội giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập như Chính phủ kỳ vọng”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Đặc biệt, nghiên cứu CIEM đưa ra cảnh báo, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rất biến động, nếu tư duy điều hành kinh tế vĩ mô không thay đổi, sẽ không tạo ra dư địa để phòng ngừa các biến động có thể xảy ra.

Kinh tế tiêu dùng: Bàn đạp thúc đẩy tăng trưởng GDP
Việt Nam mạnh về xuất khẩu, song theo các chuyên gia kinh tế, tài chính, về lâu dài, nền tảng này chưa thể phát huy hết nội lực. Vì vậy, để kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư