Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thống kê tốt sẽ xoá tình trạng “chân phanh, chân ga”
Thành Chung (Chinhphu.vn) - 10/12/2018 22:06
 
Trong giai đoạn tới, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ xây dựng nhiều Đề án quan trọng về kinh tế-xã hội cần sự đóng góp quan trọng của ngành thống kê.
Chiều 10/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội nghị Thống kê bộ, ngành năm 2018 nhằm đánh giá công tác thống kê bộ, ngành giai đoạn 2014-2018 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP)

Thống kê sẽ phục vụ xây dựng các chiến lược, đề án lớn

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thống kê là ngành quan trọng khi nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường để đo lường và đánh giá nền kinh tế. Dẫn lại lời dạy của một Giáo sư: “Số liệu sai lệch sẽ 'giết chết' các quyết định”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm tới công tác thống kê.

Quốc hội đã ban hành Luật Thống kê, hệ thống pháp luật về thống kê cũng đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược về thống kê đến 2030, Đề án tăng cường chất lượng thống kê.

“Tuy vậy, chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều khi tới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được Đảng giao nhiệm vụ tổng kết, đánh giá Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và xây dựng Chiến lược đến năm 2030 trình Đại hội XIII, xây dựng Bộ chỉ số phát triển bền vững quốc gia và nhiều Đề án thống kê khu vực kinh tế phi chính thức, thống kê chỉ số phát triển doanh nghiệp, Tổng điều tra dân số và dân cư 2019”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ ra trong Luật Thống kê 2015 quy định 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó 79 chỉ tiêu phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thu thập, tổng hợp. Tuy nhiên các bộ, ngành mới thu thập và báo cáo được 34 chỉ tiêu, còn 29 chỉ tiêu đã thu thập nhưng chưa báo cáo và còn 16 chỉ tiêu chưa thực hiện.

“Trong số 16 chỉ tiêu chưa thực hiện này thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có 3 chỉ tiêu, Nội vụ 1 chỉ tiêu, Tư pháp 2 chỉ tiêu, Tài chính 1 chỉ tiêu, Công Thương 1 chỉ tiêu, VHTT&DL 1 chỉ tiêu, đặc biệt Thanh tra Chính phủ có tới 6 chỉ tiêu”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, đối với việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, phối hợp chia sẻ theo Luật Thống kê năm 2015, mới chỉ 11/23 bộ, ngành ban hành chế độ thống kê như các Bộ: Tài chính, LĐTB&XH, NN&PTNT, Y tế, VHTT&DL, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng...

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Thống kê 2015 nhưng tới nay vẫn còn 2 bộ chưa thành lập cơ quan thống kê là Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ quan tâm phát triển đội ngũ thống kê để giảm phụ thuộc vào Tổng cục Thống kê, nhanh chóng cung cấp thông tin thống kê cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tổng kết, đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Luật Thống kê và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: Chiến lược phát triển thống kê, Nghị định của Chính phủ về tổ chức thống kê bộ, ngành; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, công chức làm công tác thống kê và đặc biệt là Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thống kê bộ, ngành...

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Thống kê tốt sẽ xoá tình trạng “chân phanh, chân ga”

Tại Hội nghị, lãnh đạo của các bộ, ngành đều khẳng định vai trò của công tác thống kê và chất lượng của số liệu thống kê đối với việc xác định vị trí, quy mô các chỉ số kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh để lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành ra quyết định chính xác.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Bộ NN&PTNT trong thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, lựa chọn lĩnh vực để triển khai trước để trình lãnh đạo Chính phủ trước Tết 2019. Theo ông Tuấn tính toán sơ bộ, giá trị xuất khẩu của ngành lâm nghiệp vào GDP sẽ cao hơn nhiều so với mức tính 2.000 tỷ đồng như giá tính toán như hiện nay.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng cần có sự phối hợp thống nhất trong việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nông nghiệp với cơ quan thống kê xuất phát từ tiêu chí và phương pháp thực hiện thống nhất, khẳng định các số liệu thống kê của bộ cũng là pháp quy. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng kiến trúc cơ sở dữ liệu thống kê theo hướng tích hợp, đưa ra chuẩn dữ liệu kết nối và các báo cáo tự động cập nhật để tránh mất thời gian, chia sẻ quyền khai thác dữ liệu thống kê với các bộ, ngành.

Đề cập đến khó khăn trong việc thành lập bộ máy về thống kê, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải giãi bày: “Uỷ ban không có bộ máy để thực hiện, xin mãi mới được một biên chế cho thống kê nên việc thống kê vẫn định tính, lãnh đạo khó quyết nên xảy ra tình trạng “chân đạp ga”, “chân phanh” thì không làm được”. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá thời gian qua các bộ, ngành đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành làm cơ sở thu thập số liệu đáp ứng nhu cầu thông tin của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo bộ, ngành.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành và Tổng cục Thống kê quán triệt vai trò, ý nghĩa của ngành, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thống kê, Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Các bộ, ngành và địa phương tiến hành kiểm kê, đánh giá đầy đủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương, làm rõ thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực.

Tăng cường kết hợp chế độ báo cáo thống kê với điều tra thống kê và khai thác dữ liệu hành chính; tăng cường phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông trong công tác thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích và phổ biến thông tin thống kê. 

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức thống kê của bộ, ngành, có chính sách động viên, phát triển chất lượng nguồn nhân lực thống kê bộ, ngành và địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư