Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Thủ lĩnh” dân vận khéo Hoàng Đăng Cát: “Máu cứu người ở ngay trong trái tim chúng ta”
Lã Quý Hưng - 30/04/2018 13:10
 
Ở một xã xa xôi của Thái Bình có một câu lạc bộ với 50 thành viên thường xuyên tham gia hiến máu, có đội thiện nguyện vận động cấp gạo hàng tháng, quyên góp hàng trăm triệu đồng cho những hoàn cảnh bất hạnh. Người có công đầu cùng Hội Chữ thập đỏ xã Thái Giang (Thái Thụy, Thái Bình) làm nên kết quả đầy ấn tượng này là Chủ tịch Hội Hoàng Đăng Cát, người được mọi người quen gọi là “thủ lĩnh” dân vận khéo.

Những hình thức vận động độc đáo

Một buổi chiều tháng 4, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Tiến Thành gọi điện: “Có một gương dân vận khéo với nhiều cách làm độc đáo, nhà báo có đi không?” . Tôi nhận lời ngay. 

Ấn tượng đầu tiên về người đàn ông này là tác phong nhanh nhẹn, dù đã ngoài 60. Sinh đúng năm miền Bắc hoàn toàn giải phóng, 16 năm trong Ban Chấp hành Đảng bộ, 5 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, năm 1997, nghỉ hưu, ông Hoàng Đăng Cát lại “khởi nghiệp” bằng nghề điện nước, trang trí nội thất, tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình. Những tưởng ông đã thôi làm lãnh đạo, nhưng sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên đã buộc ông tiếp tục đảm trách Bí thư Chi bộ thôn Nha, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã.

Ông Hoàng Đăng Cát, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thái Giang
Ông Hoàng Đăng Cát, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thái Giang

Ông Cát tâm sự, là con một gia đình nghèo, hai liệt sĩ, mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng, lại có người con gái bị liệt 2 chân, nên ông thấu hiểu và cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, luôn coi họ như người thân. Nhiều đêm trằn trọc, ông mong giúp họ vơi đi khó khăn, song phải làm gì và bắt đầu từ đâu luôn là ẩn số lớn chưa lời giải. 

Khi được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thái Giang, ông đã chọn điểm bắt đầu từ những lời dạy sâu sắc của Bác "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", "Dân vận khéo thì việc gì dù khó mấy cũng thành công". 

Với người làm công tác chữ thập đỏ thì tuyên truyền, dân vận “khéo” luôn là vũ khí số 1, bởi tuyên truyền thành công một người làm nhân đạo là phải vận động được nhiều người đồng thuận. Chẳng hạn, để một người hiến máu, cần sự nhất trí của vợ chồng, con cái; một người hiến giác mạc sau khi qua đời, hiến thận phải có 2 chữ ký và được gia đình, dòng họ đồng ý… 

Để tạo sự khác biệt, “điểm nhấn” trong vận động quyên góp, Hội Chữ thập đỏ Thái Giang không đến từng nhà, mà tổ chức tập trung vận động tập thể tại hội trường khu dân cư. Như Đại hội Chữ thập đỏ xã đã đưa ra những trường hợp khó khăn cụ thể cần sự trợ giúp và nhiều tấm lòng nhân ái đã dang rộng vòng tay, mang lại những kết quả bất ngờ. Từ đó mở rộng sang ca nhạc từ thiện, bóng đá từ thiện… Những việc làm của ông Cát cùng Hội đều gắn với 2 chữ “từ thiện”.

Không những thế, để “khởi động” những hoạt động nhân đạo đầu Xuân, Chủ tịch Hoàng Đăng Cát mời Bí thư Đảng bộ xã tới “xông đất” Hội và phát động phong trào đầu Xuân làm việc thiện. Lời nói đi đôi với việc làm, Bí thư Đảng bộ, Phó bí thư là những người ủng hộ Quỹ Chữ thập đỏ đầu tiên và đăng ký hiến máu tình nguyện đầu tiên trong năm mới. 

Một sự độc đáo nữa là hình thức vận động quyên góp tại các địa điểm cần cứu trợ. Mỗi khi có “địa chỉ” cần cứu trợ khẩn cấp, ngay lập tức, màu áo đỏ xuất hiện, cờ chữ thập đỏ được kéo lên thu hút người người, nhà nhà cùng chung tay giúp sức, số tiền vận động được công khai và ủng hộ ngay tại chỗ. 

Ông Cát cùng Hội còn vận động xe ô tô, băng rôn, khẩu hiệu, loa đài đón bà con lên huyện hiến máu và có những phần quà nhỏ động viên. Ông cười: “Thái Giang đi hiến máu vui như đi hội”. 

Ông Cát còn tổ chức đội thiện nguyện do anh Trần Đức Hoàn, một người con quê hương, Giám đốc Công ty Thái Hưng Pero (chuyên sản xuất bao bì cho linh kiện điện tử ở Bắc Ninh) đứng đầu. Tuy là một doanh nhân trẻ, bận rộn với công việc, nhưng Thái Giang có hoạt động thiện nguyện nào là anh Hoàn tham gia ủng hộ, như Tết vì người nghèo, tặng sổ gạo.... Người Thái Giang bị bệnh trọng nằm viện tại Hà Nội sẽ được đội thiện nguyện “Người Thái Giang tại Hà Nội” giúp đỡ.

Chủ tịch cùng Hội Chữ thập đỏ xã còn mời Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương về tập huấn phòng ngừa bệnh mù lòa, lồng ghép vận động hiến tặng giác mạc, thu hút hàng trăm lượt người tham gia. 

Những trái ngọt “dân vận khéo”

Với phong trào mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, đã có 8 tổ chức bảo trợ gạo cho 8 hộ nghèo, mỗi tháng 10 kg. Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ Thái Giang tặng hơn 100 suất quà trong dịp Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam.

Trước tình cảnh cháu Trần Thị Lụa, học lớp 9, mắc bệnh ung thư, bố mất, mẹ đau ốm triền miên, ông Cát cùng Hội đã vận động quyên góp được 125 triệu đồng giúp cháu chữa trị. Năm 2015, thôn Phất Lộc Tây có 2 trẻ mồ côi, cháu nhỏ 7 ngày tuổi, ông và Hội kêu gọi giúp đỡ, chỉ trong 1 ngày đã quyên góp được gần 22 triệu đồng. Thôn Phất Lộc Đông có một ca ghép thận cũng được ủng hộ hơn 10 triệu đồng…

Ông Cát chia sẻ, trước đây, người dân chưa quan tâm đến các phong trào của Hội Chữ thập đỏ, ủng hộ những người gặp khó khăn, nhất là hiến máu, hiến tạng. Nhưng giờ đây, hoạt động này đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của Thái Giang. Như khởi đầu hiến máu chỉ thanh niên tham gia, nay đã lan rộng sang Hội Nông dân, tình nguyện viên Chữ thập đỏ… Thái Giang đã thành lập Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện. Thái Giang có 5 cặp vợ chồng cùng tham gia hiến máu, 1/3 Ban chấp hành Đảng ủy xã, 100% giáo viên trường mầm non hiến máu tình nguyện. 

Người giữ kỷ lục về số lần hiến máu là Bí thư Đoàn xã, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện Bùi Ngọc Giáp, với 10 lần; Phó bí thư xã, Trưởng ban Dân vận Trần Mạnh Cường - 7 lần. Tất cả đưa Thái Giang trở thành điểm sáng trong phong trào hiến máu. 

Cùng với đó, Thái Giang đang là xã đi đầu với 12 người hiến tặng giác mạc. Ông Cát là một trong những người đăng ký đầu tiên.              

Ông Cát còn kể cho tôi bao chuyện vui buồn, như lần đầu tiên ở xã Thái Giang có phụ nữ nông dân hiến thận cho con một thương binh. Để hiến một quả thận cứu người, phải làm đến 120 xét nghiệm, riêng xét nghiệm về tâm lý phải qua mấy vòng. Rồi phải có sự đồng thuận của cả họ hàng nội, ngoại. Ông và Hội Chữ thập đỏ đã phải làm công tác tư tưởng và “cố vấn” kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, cuối cùng đã thành công. Cả người hiến và người được cho thận đều khỏe mạnh, phấn khởi. Tết vừa rồi, họ còn đến chúc tết ông.

Như chuyện người bạn tâm giao năm nay đã 80 tuổi Nguyễn Công Tự, nguyên là lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã đồng hành cùng ông trong suốt mấy năm qua. Ông Tự đã tự nguyện đăng ký hiến giác mạc và thận với suy nghĩ: “Nếu giúp được đôi mắt cho những người mù lòa, hiến thận cho người bị bệnh có thể khỏe mạnh là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Một người bị ung thư ở xã Thái Sơn được ông và bác sĩ Bùi Đức Thủy - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thái Giang vận động đã nhất trí hiến giác mạc sau khi qua đời. Hội Chữ thập đỏ Thái Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã Thái Sơn cùng đoàn bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương về lấy giác mạc đúng ngày gia đình đang tổ chức tang lễ. Trong thời điểm đầy nhạy cảm ấy, ông Cát đã khéo léo vận dụng kiến thức và tấm lòng của mình chia sẻ với gia đình. Cuối cùng, gia đình đã nhất trí và cho lấy giác mạc trước khi thực hiện các thủ tục cho người mất.

Làm vì cái tâm, cái đức

Khi được hỏi về kinh nghiệm “dân vận khéo”, ông Cát chia sẻ, cội nguồn thành công đều bắt đầu từ lời Bác dạy, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền, sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của Ban Chấp hành, mà trụ cột là Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ từ xã đến thôn, sự phối hợp hiệu quả của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư trong và ngoài xã. Công tác nhân đạo, từ thiện trước hết phải dựa vào nội lực cán bộ và nhân dân, các đoàn thể, đơn vị kinh tế trong xã, rồi mới mở rộng địa bàn giới thiệu các địa chỉ nhân đạo với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xa gần tạo sức mạnh tổng hợp.

Hội Chữ thập đỏ Thái Giang vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu.
Chủ tịch Hội Hoàng Đăng Cát vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng Vinh danh về thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu. 

Sau đó, công tác tuyên truyền làm từ thiện nhân đạo phải “đi trước” mở đường, “đi cùng” cổ vũ và “đi sau” tổng kết, rút kinh nghiệm. Phải lồng ghép phong trào dân vận khéo, toàn dân đoàn kết với phong trào người người, nhà nhà làm việc thiện, tạo chuyển biến nhận thức, xây dựng lẽ sống đoàn kết, chia sẻ khó khăn, giúp nhau những lúc hoạn nạn. Phải đa dạng các hình thức vận động tập trung, cá biệt, nêu gương tạo sức lan tỏa; sử dụng kênh tiếng, kênh hình và trên hệ thống tuyên truyền. 

Đặc biệt trong lĩnh vực hiến máu, hiến giác mạc, hiến tạng, công tác dân vận phải hết sức khéo léo, cảm thông, chia sẻ, tạo sức lan tỏa, tạo sự đồng thuận đông đảo trong cộng đồng xã hội, từ đó mới có thể đạt kết quả thiết thực cứu giúp những con người đang bệnh tật nan y.

Nhưng điểm trọng tâm quyết định sự thành công của một cá nhân, tổ chức làm từ thiện nhân đạo xã hội là cái tâm, cái đức vì con người, sự rõ ràng, minh bạch về kinh tế. Nhiều năm làm công tác “dân vận” giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chưa bao giờ, ông Cát nhận một đồng từ nhà tài trợ. Tiền bạc, quà cáp, vật chất đều được ông chuyển thẳng đến địa chỉ cần giúp đỡ. “Phương châm của tôi là xin của người giàu, sự giúp đỡ của cộng đồng cho người nghèo, lá lành đùm lá rách”, ông Cát bộc bạch.

Từ câu chuyện “Thủ lĩnh dân vận khéo Hoàng Đăng Cát” và phong trào từ thiện, hiến máu, hiến giác mạc và hiến tạng của Hội Chữ thập đỏ Thái Giang, chúng ta lại có thêm niềm tin từ những con người tâm huyết, trách nhiệm với cách làm sáng tạo cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Chắc chắn, phong trào thiện nguyện, nhất là hiến máu, hiến giác mạc, hiến tạng còn mới và nhiều khó khăn ở hàng vạn xã phường trong cả nước sẽ thành công, như thủ lĩnh Cát từng chia sẻ “Máu cứu người ở ngay trong tim chúng ta”.

Doanh nhân Kiều Tiến Anh: Cộng đồng là nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh
Từ bỏ vị trí Giám đốc kinh doanh tại Viettel Cambodia, trong 9 năm qua, Kiều Tiến Anh, CEO Công ty cổ phần Thương mại điện tử Việt Nam luôn miệt mài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư