Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thủ lĩnh Lozi tại Hà Nội Phạm Quang Huy: Ném mình vào thử thách
Thu Trang - Kỳ Thành - 14/02/2016 08:34
 
Mục tiêu lợi nhuận luôn là kim chỉ nam và cũng là lối mòn cho những start-up muốn gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Nhưng trong câu chuyện của Phạm Quang Huy về ứng dụng Lozi đang gây sốt trong giới trẻ, thành công lại đến từ suy nghĩ sẵn sàng cho đi, đồng thời đem tới sự khác biệt mà ngay cái tên Lozi (Lo gì) cũng là sự sáng tạo đầy thú vị.

Ném mình vào thử thách

Một chiều đông Hà Nội, bên tách trà ấm, cuộc phỏng vấn của chúng tôi với thủ lĩnh Lozi tại Hà Nội Phạm Quang Huy, một trong 3 founder (người sáng lập) của Lozi được chính anh dẫn dắt với những trải lòng về hoài bão và những lý do đưa anh và 3 người bạn đồng hành viết nên câu chuyện Lozi đẹp như hôm nay.

Trái với hình dung ban đầu về một CEO đạo mạo, Huy gây ấn tượng tốt với người đối diện qua vẻ ngoài thân thiện, trẻ trung và khá cởi mở. Sinh năm 1988, anh thuộc lớp những người trẻ dễ dàng hòa nhập lối sống Tây hóa, với tư duy nhạy bén, năng động của giới trẻ thời thượng.

.
Doanh nhân Phạm Quang Huy

Từng du học tại Singapore, như nhiều bạn trẻ khác, anh cũng phải trăn trở với câu hỏi ở hay về, khi có cơ hội ổn định tại một môi trường phát triển, nhưng đã bão hòa trong mọi nhu cầu cuộc sống. Sự hoàn hảo đôi khi trở nên nhàm chán, vì vậy Huy thấy bản thân cần một sự thay đổi. Anh muốn ném mình vào một môi trường mà bản thân có thể tự hoàn thiện khi phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Quê nhà chính là nơi thôi thúc Huy trở về lập nghiệp và theo đuổi giấc mơ. Một đất nước đang phát triển mở ra cho anh nhiều thách thức, rào cản, nhưng cũng ẩn chứa nhiều tiềm năng, cơ hội và quan trọng là luôn chào đón những khát vọng khẳng định bản thân của tuổi trẻ.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như anh nghĩ, có nhiều khó khăn từ việc đưa ý tưởng vào thực tế. Nhưng thách thức từ nhiều phía đã đẩy Huy gặp được những cộng sự mà sau này trở thành một team ăn ý của mình. Và Lozi chính là điểm đến đó. Mỗi người trong team đảm nhận một phần của dự án. Nếu như Nguyễn Hoàng Trung, CEO của Lozi là người giỏi về công nghệ đảm nhận phần xây dựng kỹ thuật chính cho dự án, thì Huy giúp dự án tăng tốc bằng việc chú trọng marketing, phát triển hình ảnh, truyền thông và đẩy mạnh số lượng người dùng.

Với giới trẻ sống tại các thành phố lớn, Lozi hiện đã trở thành từ khóa tìm kiếm khá phổ biến. Ứng dụng Lozi hiện có khoảng nửa triệu lượt tải về, 600.000 người đăng ký phiên bản web, đem lại khoảng 4 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Lý do gì để Lozi có thể trở thành cục nam châm thu hút giới trẻ đến vậy?

Được xếp vào nhóm các website chia sẻ địa điểm ẩm thực, tương tự như Foody.vn, Diadiemanuong.com hay Place.vn…, nhưng Lozi lại có cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác. Trong khi các trang web khác đa phần tập trung liệt kê và đánh giá các địa điểm ăn uống thông qua việc xây dựng nội dung bình luận từ người dùng, thì Lozi chỉ tập trung khai thác yếu tố “ăn gì” bằng hình ảnh. Lozi tạo ra một nền tảng giúp người dùng đăng tải nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt về các món ăn, các gu ẩm thực, kết hợp với yếu tố mạng xã hội hiện đã trở thành kênh trải nghiệm ẩm thực phong phú, đáng tin cậy của giới trẻ.

Với sự khác biệt đó, Lozi đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các quỹ đầu tư. Lozi đã nhận được khoản đầu tư “triệu đô” từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và quỹ đầu tư từ Tập đoàn DesignOne Japan, một công ty truyền thông Internet tại Nhật Bản. Không tiết lộ cụ thể số vốn nhận được, Huy chỉ nói ngắn gọn “Rất sung sướng” khi nhắc tới con số 2 triệu USD là giá trị của Lozi được chính các tổ chức này định giá.

Học hỏi từ những ông lớn công nghệ

Phạm Quang Huy chia sẻ, anh không phải là founder đầu tiên của Lozi, nhưng lại là người gắn bó cùng Lozi từ những bước đi chập chững cho tới hôm nay. Hâm mộ doanh nhân tài ba Jeff Bezos, ông chủ hãng thương mại điện tử nổi tiếng Amazon, Quang Huy đã áp dụng những điều học hỏi được từ câu chuyện thành công của Amazon cho Lozi.

Theo quan điểm của anh, sự tương đồng trong quan hệ đối tác làm việc phải dựa trên tinh thần công bằng, tôn trọng lẫn nhau cũng như bảo vệ tính nguyên bản của ý tưởng dự án. “Một mối quan hệ không phù hợp, không chung định hướng thì dù đối tác có lớn hay tiềm năng đến đâu cũng không thể bền lâu được”, Huy chia sẻ.

Quang Huy cùng team của mình đã phải trải qua nhiều khó khăn để chứng tỏ cho mọi người thấy cách làm việc trẻ trung, ăn ý sẽ làm nên thành công như thế nào. Những thành viên trong team, mà theo Huy là thân thiết và gắn bó như gia đình, đã góp phần xây dựng nền tảng cho Lozi. Trong bối cảnh việc tiếp cận cũng như tìm hiểu về các quán xá, các trào lưu mới là điều khá dễ dàng với những người trẻ, cái tên Lozi (Lo gì) cũng là một trong những sáng tạo đầy thú vị.

Trở lại câu chuyện về những ngày đầu khởi nghiệp, không ít người hoài nghi về thành công của Dự án. Huy thừa nhận, việc bắt tay vào xây dựng ý tưởng mà không có số vốn nhất định trong tay dù là nhỏ vẫn luôn luôn là thách thức. Đó có thể không hẳn là rào cản lớn, nhưng là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của một dự án mới, vì ngoài ý tưởng, hoài bão, họ còn phải đối mặt với thực tế cuộc sống, không chỉ từ việc xây dựng web, mà cả nhu cầu hàng ngày của mỗi thành viên.

Mất 2 năm ròng viết phần mềm, vá lỗi, Huy và team Lozi mới có thể tung sản phẩm hoàn thiện ra thị trường. CEO trẻ tuổi cho biết, ứng dụng này mang một sứ mệnh đặc biệt. Giống như những ứng dụng nền tảng Internet hàng đầu như Google, Facebook..., Lozi được cả team xác định là một ứng dụng dành riêng cho giới trẻ, đem lại sự tiện lợi, hiện đại cho các bạn trẻ cùng lứa, cũng như làm phong phú thêm mảng ứng dụng đa phương tiện đang rất thịnh hành.

Huy thừa nhận, Lozi bước đầu đã đem lại lợi nhuận. “Nhưng Việc thu hồi vốn cũng như bám chặt lấy lợi nhuận không hẳn là mục tiêu chính của nhóm”, Huy nói và khẳng định, điều này phụ thuộc nhiều vào văn hóa và cá tính của Lozi. Việc hướng tới lợi nhuận hầu như không quá quan trọng bằng việc đưa đến cho cộng đồng trẻ Việt Nam một sản phẩm tiện dụng, tiện lợi, song hành với lối sống năng động của những người trẻ hiện đại.

Không phủ nhận những thành công bước đầu của Lozi, Huy thành thật chia sẻ, cơ hội nhận được những hợp đồng PR, quảng cáo sẽ tăng, nhưng mỗi thành viên trong nhóm đều xác định còn nhiều việc phải làm. Đây là một suy nghĩ khác biệt trong giới kinh doanh, khởi nghiệp trẻ, với tư tưởng sẵn sàng cho đi trước để nhận lại những điều không ngờ tới, bao gồm cả sự yêu thích của giới trẻ.

Sau khi nhận được phần vốn góp mới từ 2 quỹ đầu tư trên, Quang Huy và các cộng sự lại lao vào những dự án mới đang ấp ủ. Trong những ngày sát Tết Nguyên đán, team Lozi đang tất bật để chuẩn bị cho ra đời bản cập nhật ứng dụng với tính năng “F” thứ hai của Lozi. Huy cho biết, đây là câu trả lời cho câu hỏi mà cả nhóm nhận được nhiều nhất trong thời gian qua, đó là liệu Lozi có dừng lại ở “Food” không, nếu không thì tiếp sau “Food” sẽ là gì đây?

Để trả lời câu hỏi này, chàng thủ lĩnh trẻ nghĩ tới một nhu cầu đầy tính liên kết đáp ứng cái cơ bản của mọi người, sau “ăn” sẽ luôn đi với “mặc”. Nhu cầu mua sắm của không chỉ giới trẻ mà mọi lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội là thiết thực. So với những thị trường phát triển láng giềng như Singapore, Thái Lan, Hongkong, mảng ứng dụng đa phương tiện tại Việt Nam cũng đang rất thiếu những app chia sẻ hỗ trợ nhu cầu này của người dùng.

Từ đó, Huy cùng nhóm của mình đã lên ý tưởng và bắt tay thực hiện bước đi với chữ “F” tiếp sau “Food” là “Fashion”. Với bản cập nhất mới nhất của Lozi phiên bản Fashion, Lozi muốn cùng giới trẻ đón một cái Tết được “ăn ngon, mặc đẹp”, với tiêu chí tiện lợi, trẻ trung và đầy năng động. “Với mục tiêu là cầu nối của những người trẻ với các cửa hàng, dự án Fashion là viên gạch đầu tiên và sau đó sẽ là sự ra đời của những tiện ích khác”, Quang Huy bật mí.

Tạm chia tay nhau, chúng tôi hòa vào dòng người hối hả của thành phố đang lên đèn. Hà Nội đẹp nhất về đêm, nhưng có lẽ chính những ánh sáng, khát vọng từ những người trẻ tuổi như Huy đang tô điểm thêm cho sự lấp lánh của thành phố sôi động, đầy sức sống này...

Doanh nghiệp ngoại dùng CEO “made in Việt Nam”
Được đào tạo ở những môi trường khác nhau, cơ duyên được chọn vào “ghế nóng” cũng khác nhau, nhưng họ đều là giám đốc điều hành (CEO)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư