Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ về Hiệp định TPP
Lê Anh (VGP News) - 24/10/2015 09:59
 
Cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ thành hiện thực nếu doanh nghiệp có năng lực nắm bắt và đổi mới tư duy từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng năng lực, uy tín của mình.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam

Tại Hội nghị đầu tư 2015 với chủ đề “ Thị trường Chứng khoán 2016: Đầu tư vào đâu?" được tổ chức ngày 23/10, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã có những chia sẻ quan trọng về hiệp định này tới cộng đồng DN.

Cạnh tranh nhưng không quá khốc liệt

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, tác động quan trọng mà TPP có thể mang lại đó là cân đối lại thị trường xuất khẩu. Hiện nay, hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là sang các nước thuộc khu vực Đông Á, nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào một thị trường hay một khu vực thì sẽ luôn tiềm ẩn những rủi ro. Chính vì vậy, việc tham TPP với những đối tác lớn như Mỹ sẽ giúp cân đối lại thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

TPP cũng có sức hút to lớn với chuỗi sản xuất toàn cầu, qua đó giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi sản xuất. Bởi thực tế, khi các DN lớn có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu, tự các DN này cũng không thể làm hết các khâu được mà phải kết hợp với các DNVVN.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, bên những cơ hội nêu trên, điều quan trọng nhất là TPP tác động sâu rộng lên nhiều lĩnh vực, giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và nhà đầu tư phát triển.

Bên cạnh những cơ hội khi tham gia TPP, Việt Nam cũng đối mặt với những cạnh tranh nhất định. Có nhiều thông tin nhận định rằng, cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt, tuy nhiên, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, cạnh tranh là có nhưng không quá khốc liệt. Bởi trong các hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam-EU cũng như TPP, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và các nước tham gia hiệp định ít cạnh tranh trực tiếp với nhau, thậm chí nhiều mặt hàng xuất khẩu còn có tính tương hỗ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, khi tham gia TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất, bởi đây là lĩnh vực không thể dễ dàng thay đổi cơ cấu trong một sớm, một chiều.

Theo ông Khánh, để hỗ trợ nông nghiệp phát triển, cần tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu các mặt hàng nông sản để người sản xuất hướng theo. Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh mẽ ngành nông nghiệp, cũng như thời gian tái cơ cấu nông nghiệp đủ dài để DN và người nông dân có thể thay đổi.

TPP mới đi được 50% chặng đường

Chia sẻ trước cộng đồng DN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh về TPP, cơ hội và thách thức chỉ có thể xuất hiện nếu TPP trở thành hiện thực. Việc kết thúc đàm phán mới chỉ đi được 50% chặng đường, 50% tiếp theo còn phải chờ được quốc hội các nước thông qua.

Bên cạnh đó, cơ hội và lợi ích to lớn từ TPP được xây dựng dựa trên giả định các điều kiện đều diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, thực tế đôi khi có những diễn biến khác với giả định.

“Chẳng hạn, chúng ta nhắm đến thị trường nào đó, nếu hy vọng người ta giảm thuế để mình tăng xuất khẩu nhưng khi người ta phá giá đồng tiền, ngang bằng với mức thuế giảm thì hàng hóa chúng ta cũng sẽ không có ưu thế để cạnh tranh được", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Ngoài ra, cơ hội từ TPP chỉ thành hiện thực nếu chúng ta có năng lực nắm bắt và đổi mới tư duy, chuyển đổi từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng năng lực, uy tín của mình.

Ba điểm yếu cần khắc phục khi tham gia TPP
 Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, doanh nghiệp Việt còn rất mơ hồ về Hiệp định Đối tác kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư