Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phản hồi kịp thời kiến nghị của VBF 2016
Khánh Linh - 06/12/2016 08:23
 
Ngay sau các phiên làm việc của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 (VBF 2016), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có biện pháp xử lý, giải quyết đúng mức, kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.
.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 (Ảnh NQH)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối để tổng hợp, đôn đốc thực hiện và phản hồi những nội dung vấn đề mà các nhóm công tác của VBF đã thảo luận, đề xuất, kiến nghị.

“Phải chấn chỉnh những vướng mắc kéo dài, sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường. Chính phủ và các thành viên Chính phủ phải làm nhiều việc để có môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doannh nghiệp FDI”, Thủ tướng Chính phủ cam kết với giới đầu tư kinh doanh trong nước và nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016.

Ông cũng khẳng định, công cuộc cải cách sẽ được tiếp tục ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Qua 4 phiên thảo luận, Diễn đàn đã đề cập tới 7 nội dung quan trọng, gồm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; nâng cao nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo; phát triển thị trường vốn; cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ chế PPP, BOT, BO, BT…; năng lượng sạch và tái tạo; (vii) biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

“Không phải nghe để biết, để đó. Cái chính là Nhà nước được gì, doanh nghiệp được gì, nhân dân và người lao động được gì. Ba câu hỏi này đang đặt ra để làm chính sách tốt hơn, mà trước hết là cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công-tư (PPP). Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Riêng với doanh nghiệp FDI, Chính phủ mong muốn có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống cho Việt Nam.

“Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ và khẳng định Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết. 

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù đánh giá cao vai trò của khu vực FDI nhưng nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể không có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh.

"Đây không phải là quan điểm mâu thuẫn mà ngược lại, bổ trợ và tương tác thuận chiều cho nhau, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo sức sống và sức phát triển của toàn bộ nền kinh tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rõ.

VBF muốn đưa thông lệ tốt của FDI qua mô hình "kiềng 3 chân" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
VBF kiến nghị mô hình “kiềng 3 chân” để thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, đặc biệt là các doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư