Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng LHQ
- 22/09/2013 16:07
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và có bài phát biểu nêu bật quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quốc tế lớn, trong đó có các giải pháp liên quan đến hòa bình, an ninh và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015. >>> >>> >>> >>>

Kỳ họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khai mạc tại New York hôm 19/9. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và có bài phát biểu nêu bật quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quốc tế lớn, trong đó có các giải pháp liên quan đến hòa bình, an ninh và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Ông Lê Hoài Trung - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc

Ông Lê Hoài Trung, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam xung quanh các nội dung của Phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chọn chủ đề cho kỳ họp lần thứ 68 là “Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”, Đại sứ có thể cho biết vì sao Liên Hợp Quốc lại quyết định lựa chọn chủ đề này?

“Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015” là chủ đề của khóa họp Đại hội đồng năm nay vì Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên, giới doanh nghiệp cũng như các tổ chức phi chính phủ và giới học giả quốc tế đều thấy rằng phải nghiên cứu để đưa ra một chương trình nghị sự phát triển mới.

Lý do thứ nhất nằm ở tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới năm 2007-2008 đã đặt ra những điểm yếu, những hạn chế của các mô hình phát triển tại các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, cũng như những điểm yếu của các cơ chế và thể chế về thương mại, tài chính quốc tế hiện nay.

Thứ hai, 2015 là năm kết thúc giai đoạn đầu của việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đề ra từ năm 2000.

Thứ ba là những thách thức mới trong những năm vừa qua, ví dụ như vấn đề tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường, an ninh lương thực, và một vấn đề rất lớn chính là nguồn lực cho phát triển, hay nói cách khác là viện trợ phát triển có xu hướng đi xuống trong thời gian vừa qua.

Khóa họp năm nay còn quan trọng là vì tính chất hoạt động của tổ chức Liên Hợp Quốc. Đó là một tổ chức toàn cầu có tới 193 thành viên và có sự tham gia của nhiều đối tác kể cả giới doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.

Liên Hợp Quốc đề cập nhiều vấn đề, từ hòa bình, an ninh, phát triển, đảm bảo quyền con người cho tới những vấn đề chuyên môn như y tế, sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử, phát triển công nghiệp. Chính vì vậy năm nay có tới 174 đề mục trong chương trình nghị sự.

Một điểm rất lớn nữa là năm 2013 mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng ở một số nơi vẫn xảy ra căng thẳng, thậm chí đang tạo những mối lo ngại không những ở khu vực mà trên thế giới, ví dụ như Syria.

Xin Đại sứ cho biết những hoạt động chính của Việt Nam tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự khóa 68 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này.

Chuyến đi này rất quan trọng vì đây là dịp để chúng ta có thể giới thiệu và trao đổi ở cấp lãnh đạo Nhà nước về chính sách, đường lối đối ngoại và đường lối đổi mới toàn diện của chúng ta, cũng qua đó để tranh thủ sự ủng hộ của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và các nước trong vấn đề đảm bảo môi trường quốc tế hòa bình và góp phần huy động thêm nguồn lực cho phát triển.

Bài phát biểu của Thủ tướng trước Đại hội đồng sẽ nêu bật quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quốc tế lớn, trong đó có các giải pháp liên quan đến hòa bình, an ninh và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Bên cạnh đó sẽ có những cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, một số lãnh đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), qua đó trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình hợp tác với Liên Hợp Quốc, và trong vấn đề thực hiện các hoạt động, nhất là trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Trong vấn đề hòa bình-an ninh quốc tế, Việt Nam là một thành viên tích cực trong ASEAN và do vậy, chia sẻ của chúng ta trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột là một trong những vấn đề rất quan trọng vì Liên Hợp Quốc đang muốn tăng cường phối hợp với các tổ chức khu vực nhằm tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế.

Những chủ đề quan trọng khác là kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, đóng góp của chúng ta vào quá trình đổi mới tại Liên Hợp Quốc trong đó có việc thực hiện mô hình một Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, quyết định của Việt Nam trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo tại Đối thoại Shangri-La.

Có rất nhiều vấn đề mà chúng ta có thể đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn của mình. Trong dịp tham dự khóa họp Đại hội đồng, Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao của chúng ta sẽ dành thời gian để đối thoại với các doanh nghiệp Mỹ. Đây là mong muốn của phía doanh nghiệp Mỹ.

Hiện nay Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta và các nhà đầu tư Mỹ cũng đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam nên họ mong muốn được đối thoại với Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao để tìm hiểu thêm về chính sách của Nhà nước chúng ta về đổi mới, về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững, và những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thời gian tới. Đã có nhiều công ty đăng ký tham gia hai cuộc đối thoại đó, trong đó có rất nhiều công ty lớn.

Phiên họp Đại hội đồng lần thứ 67 đã khép lại sau gần một năm thảo luận về các vấn đề an ninh, kinh tế, hợp tác phát triển và cải tổ Liên Hợp Quốc. Xin Đại sứ có thể khái quát những đóng góp của Việt Nam tại kỳ họp vừa qua cũng như đánh giá của cộng đồng quốc tế về những đóng góp này?

Trong năm vừa qua, hoạt động của Việt Nam trong vai trò một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, một quốc gia thành viên ASEAN và một nước đang phát triển, đã có những đóng góp thực tế vào quá trình cải tổ Liên Hợp Quốc.

Trong năm vừa qua, Việt Nam được các nước ASEAN đề nghị làm điều phối trong đóng góp của ASEAN tại Hội đồng Bảo an và chúng ta đã có những bài phát biểu nêu quan điểm chung của ASEAN trong đó có quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề được đặt ra tại Hội đồng Bảo an.

Ví dụ, chúng ta đã có bài phát biểu về ASEAN và Liên Hợp Quốc để đóng góp vào định hướng của các nước trong vấn đề tăng cường quan hệ giữa Liên Hợp Quốc và khu vực.

Về hợp tác phát triển, một lĩnh vực rất lớn của Liên Hợp Quốc, chúng ta đã tập trung vào hai hoạt động lớn.

Một là đóng góp vào quá trình đánh giá về kiểm điểm hoạt động phát triển của Liên Hợp Quốc, tức là hợp tác giữa các tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc gồm có chương trình UNDP, UNICEF, UNFPA và định hướng trong thời gian tới trong tình hình nguồn lực hiện nay.

Hai là, trong vấn đề Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), cả các nước phát triển và đang phát triển đều đều đánh giá rất cao Việt Nam. Khi trao đổi với các cơ quan hoặc chuyên gia Liên Hợp Quốc, họ đều mời Việt Nam tham dự và phát biểu ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình thực hiện MDG.

Thứ ba, trong vấn đề cải cách Liên Hợp Quốc, Việt Nam được coi là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện Sáng kiến "Một Liên Hợp Quốc" trong khuôn khổ chương trình thống nhất hành động.

Theo Chinhphu.vn

Tuyên bố chung lập đối tác chiến lược VN-Singapore
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư