Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh
Phi Vũ - 29/04/2016 08:40
 
Sáng 29/4, tại buổi tiếp xúc với khoảng 900 doanh nghiệp trên khắp cả nước ở TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký nghị quyết ban hành về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia trong hai năm 2016 -2017, định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 (gọi tắt là Nghị quyết 19-2014) đề ra mục tiêu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 trên 6 chỉ tiêu môi trường kinh doanh và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 (gọi tắt là Nghị quyết 19-2015) đề ra mục tiêu đến năm 2016 đạt mức trung bình của ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu.

Sau hai năm triển khai thực hiện, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta có bước được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên và được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và ngày càng kỳ vọng vào những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ. Một số Bộ, ngành và địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã tích cực triển khai và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nên ở những lĩnh vực này môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan và địa phương chưa tích cực triển khai và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về kết quả thực thi (năm 2015 chỉ có 10 Bộ, cơ quan và 15 tỉnh, thành phố thực hiện chế độ báo cáo theo quy định). Người đứng đầu một số Bộ, ngành và địa phương còn coi Nghị quyết 19 như là phong trào, lãnh đạo chưa nắm được cụ thể mục tiêu và nhiệm vụ đề ra nên chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc, kiểm tra, giám sát; thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà.

Vì thế, môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta tuy có được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp cả về thứ hạng và điểm số. Một số chỉ tiêu chưa đạt được mức cải thiện theo yêu cầu của Nghị quyết như Cấp phép xây dựng, Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, Giao dịch thương mại qua biên giới, Giải quyết phá sản doanh nghiệp..., thấp khá xa so với trung bình của các nước ASEAN 6 và ASEAN 4.

Theo đó, mục tiêu và nhiệm vụ chung của Chính Phủ trong thời gian tới là phấn đấu cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh. Với 3 mục tiêu chính là là Các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh, thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Có 17 bộ ngành gồm Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công Nghệ,  Bộ Tài nguyên và Môi trường,  Bộ Tư Pháp,  Bộ Nội vụ, Bộ Lao động và Thương binh  Xã hội, Bộ Giao thông Vân tải, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục, Bộ Y Tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tham gia thực hiện nhiệm vụ lần này.

Cụ thể, Bộ kế hoạch và Đầu tư cần  khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Thông tư hướng dẫn quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh; sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Xây dựng Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

Rà soát, phối hợp với Bộ Tư pháp kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp hoặc các quy định đã được ban hành trái thẩm quyền; thực hiện công bố đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Củng cố và cải thiện thứ hạng và điểm số của Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định (sửa nhiều Nghị định) để giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; thống nhất cách hiểu về “điều kiện kinh doanh” đơn giản hóa và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư. Trình Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2016.

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ chế liên thông kết nối thông tin về doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Triển khai thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước (Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng...) và trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Về phần mình, Bộ Tài chính cần thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế. Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Hay Bộ Tư pháp cần phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực thi Bộ luật Tố tụng dân sự 2014, Luật Phá sản 2014 để đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian. Hướng dẫn thực hiện Luật thi hành án dân sự.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan tới thi hành án dân sự theo hướng bỏ quy định niêm yết tại địa điểm của bất động sản bán đấu giá; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản đã bán đấu giá với thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho công tác thi hành án.

Hoàn thiện các quy định về thừa phát lại để thúc đẩy phát triển mạng lưới thừa phát lại trên toàn quốc. Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án và hành chính tư pháp của toà án.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là nơi điểm kết  Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ.

Phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tư pháp xây dựng tiêu chí, đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, cơ quan, địa phương và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các Bộ, ngành và các địa phương.Nâng cao chất lượng, uy tín của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương cải thiện Chỉ số PCI kết nối với việc thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 19.

Thủ tướng Chính phủ cũng chính thức thông báo sẽ ban hành nghị quyết của Chính phủ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sau cuộc họp chiều nay với các Bộ ngành

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển
Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn coi kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển và tạo điều kiện phát huy vai trò của thành phần kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư