Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị GMS 6
Đức Tuân (VGPNews) - 31/03/2018 10:49
 
Sáng nay 31/3, phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp kín Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp kín Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp toàn thể GMS 6 với sự tham dự của đoàn đại biểu cấp cao các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đón các trưởng đoàn dự Hội nghị: Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Phó Tổng thống Myanmar Henry Van Thio, Ủy viên Quốc vụ CHND Trung Hoa Vương Nghị, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao.

Sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn dự phiên họp kín Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từ khu vực nghèo, trình độ phát triển thấp, khu vực GMS đã trở thành một cực tăng trưởng của châu Á với các nền kinh tế năng động. Những thành tựu đã đạt được rất đáng tự hào, là kết quả của nỗ lực không mệt mỏi của tất cả thành viên GMS cũng như sự hỗ trợ hiệu quả từ ADB. Tuy nhiên, trước mắt không chỉ có những cơ hội mới mà thách thức cũng rất lớn.

“Tôi tin rằng kết quả của hội nghị hôm nay sẽ tạo xung lực để hợp tác giữa 6 nước tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.

Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 có chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, mang ý nghĩa kỷ niệm 25 năm thành lập hợp tác GMS; xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.

GMS là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Nếu tính tổng quy mô kinh tế của tất cả, thì đó là một “nền kinh tế” quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD.

Trong 25 năm qua, cơ chế hợp tác kinh tế GMS đã hình thành và vận hành có hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, du lịch, đầu tư tư nhân, phát triển nguồn nhân lực…

Trước đó, ngày 30/3, các hoạt động chính trong khuôn khổ Hội nghị GMS 6 đã bắt đầu với việc khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS, lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Nằm ở trung tâm của cả khu vực châu Á phát triển năng động, khu vực GMS đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình góp phần tăng thêm gam màu tươi sáng của bức tranh phát triển cả châu lục, đang trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn cầu trong thế kỷ 21.

Theo đó, một tầm nhìn mới cho hợp tác GMS trong tương lai sau 2022, đó là một tiểu vùng Mekong kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được định hình ngay từ lúc này.

Nguồn năng lượng mới cho hợp tác GMS và CLV
Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam, Lào,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư