Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng trưởng kinh tế không phải là cuộc đua nước rút
Khánh An - 11/01/2018 16:02
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 chiều ngày 11/1/2018, rằng Việt Nam làm thế nào để vừa tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại phiên đối thoại chính sách của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, trực tiếp tham gia đối thoại.

Chủ đề được thảo luận là Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho Việt Nam: Những thách thức và động lực mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018.

Phát biểu trước khi Phiên đối thoại bắt đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ngay đề bài cho các chuyên gia tại Diễn đàn.

Đó là Việt Nam làm thế nào để vừa tăng trưởng nhanh và bền vững.

“Hai mục tiêu tưởng như mâu thuẫn, nhưng có những nước đã làm được, như Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam sẽ làm thế nào. Đâu là đòn bẩy để Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững”, Thủ tướng Chính phủ đặt đề câu hỏi cho Diễn đàn.

Nhìn vào các chủ đề được thảo luận, giới chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đang hướng tới 3 đòn bẩy của kinh tế Việt Nam. Đó là năng lượng xanh; cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa và cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, đây cũng là các thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt, nhất là khi thời gian dân số vàng của Việt Nam được dự báo chỉ kéo dài khoảng 2 thập kỹ nữa.

Có nghĩa là, các thành quả mà nền kinh tế Việt Nam đạt được, kể cả tốc độ tăng trưởng đáng mừng 6,81% của năm 2017 vẫn là bước đầu, nhưng là nền tảng để chúng ta cải thiện hiệu quả nền kinh tế.

“Tăng trưởng và phát triển của cuộc đua đường trường, chứ không phải cuộc đua nước rút. Tôi mong khát vọng quốc gia thịnh vượng được biến thành hành động. Khi đó, Việt Nam có thể trở thành một con hổ mới của kinh tế châu Á. Bây giờ thì chưa, nhưng sẽ làm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề Thủ tướng Chính phủ đặt ra, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, phương thức tăng trưởng của Việt Nam sẽ quyết định tính tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

“Tôi muốn nhấn mạnh tới các chính sách năng lượng sạch. Giải pháp có sẵn, công nghệ chuyển nhanh, gồm năng lượng mặt trời, gió, sinh khối... Nếu tăng trưởng còn dựa vào than đá, điện than, thách thức sẽ lớn hơn nhiều, nhất là chất lượng cuộc sống”, ông Kery khuyến nghị.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, nguyên tắc luân chuyển của dòng vốn là tìm đến nơi an toàn nhất, lợi nhuận nhanh nhất.

“Chính phủ Việt Nam cần chuyển động nhanh hơn thông qua thể chế, khung khổ pháp luật, từ đó  tạo ra sân chơi hấp dẫn, để Việt Nam là điểm đến. Đó cũng là cách thức tăng trưởng của những con hổ châu Á, để Việt Nam sẽ trở thành một con hổ”, ông Kery khuyến nghị.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trong bài phát biểu khai mạc cũng đã nhắc tới các câu hỏi của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất vào tháng 6/2017. Khi đó, câu hỏi khó tìm được sự đồng thuận là tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 có đạt được 6,7%, khi 2 quý đầu năm có quá nhiều khó khăn.

"Nhưng hôm nay ngồi đây, nền kinh tế đã hoàn thành 13 chỉ tiêu, tăng trưởng 6,81%, cao nhất nhiều năm qua. Các chỉ tiêu đạt được là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân. Qua khó khăn, chúng ta nhìn thấy được đâu là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng cần thận trọng để tìm kiếm các động lực mới, thay cho nhân công lao động giá trẻ, tài nguyên dồi dào", ông Bình nói.

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trước các cú sốc ngoài dự kiến
ADB nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trước các cú sốc ngoài dự kiến, tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 dự kiến sẽ đạt 6,3%.
Bình luận bài viết này
  • Minh 23:11 | 11-01-2018
    Năng suất VN giảm đi là đúng quá vì phần quá lớn nguồn lực QG đã bị rơi hết vào tay đại gia lợi ích nhóm!
Xem thêm trên Báo Đầu Tư