Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư vào hạ tầng đô thị, KCN
Hoàng Thủy - 04/11/2014 08:51
 
() Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, trong hai tháng còn lại của năm 2014, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thu hút nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị và các khu công nghiệp (KCN), đồng thời tiếp tục chỉnh trang, mở rộng cửa ngõ phía Bắc và phía Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thừa Thiên Huế khơi dòng hút vốn FDI
Thừa Thiên Huế kỳ vọng đột phá kinh tế
Kinh doanh sòng bài nóng trở lại?

Chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc năm 2014, ông đánh giá thế nào về triển vọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh?

Về cơ bản, trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế. Đây là thành tích đáng ghi nhận của tỉnh. Đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định rằng, Thừa Thiên Huế có thể hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra của cả năm.

  Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư vào hạ tầng đô thị, KCN  
   Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  

Ví dụ, trong lĩnh vực du lịch (là lĩnh vực chủ lực của tỉnh), chúng tôi đã đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, xây dựng các tour du lịch mới kết hợp với nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Festival Huế 2014…, nên đã thu hút được nhiều khách du lịch đến Huế.

Tình hình thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực không, thưa ông?

Trong 9 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã cấp mới 18 dự án trong nước, với tổng mức đầu tư  1.050,1 tỷ đồng, (gồm 11 dự án ngoài KCN, 6 dự án trong KCN, 1 dự án trong Khu kinh tế).

Đồng thời, cấp phép cho 8 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký 42,8 triệu USD; luỹ kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 79 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 2.243,667 triệu USD. Riêng tại các KCN trên địa bàn, tỉnh đã cấp phép cho 6 dự án mới và điều chỉnh 2 dự án, với tổng vốn đầu tư 775,1 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, các KCN trên địa bàn đã thu hút được 91 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 18.372,1 tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt 4.150,1 tỷ đồng và 167,4 triệu USD.

Trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, tính đến ngày 26/9/2014, trên địa bàn tỉnh có 329 doanh nghiệp mới thành lập, với tổng vốn đăng ký 826,3 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên con số 5.114, với tổng vốn đăng ký 24.863,4 tỷ đồng.

Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô được đánh giá là điểm tựa phát triển công nghiệp và dịch vụ cho tỉnh. Đến thời điểm này, KKT này có gì mới?

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, KKT Chân Mây - Lăng Cô gặp nhiều khó khăn trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh vẫn tập trung đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các công trình vào khai thác sử dụng.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo đã tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm, quy mô lớn khởi công xây dựng.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách bố trí trong năm, hỗ trợ các nhà đầu tư đang triển khai thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút thêm các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, khu phi thuế quan, cảng, khu đô thị, các khu mới và kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án đã thu hồi.

Đồng thời, tỉnh xúc tiến kêu gọi vốn ODA và các nguồn vốn đầu tư khác cho các dự án hạ tầng trọng điểm tại KKT...

Để KKT Chân Mây - Lăng Cô xứng đáng với vai trò động lực của tỉnh, Thừa Thiên Huế cần những giải pháp gì?

Tình hình kinh tế còn khó khăn sẽ tác động đến hoạt động kêu gọi và xúc tiến đầu tư vào KKT Chân Mây - Lăng Cô. Vì vậy, KKT Chân Mây - Lăng Cô cần phải năng động, linh hoạt và cách tư duy mới để có những giải pháp và hướng đi phù hợp bắt nhịp với nhu cầu phát triển, khẳng định vị trí đầu tư phát triển của KKT là tạo động lực cho việc phát triển chung của toàn tỉnh.

Ngoài nỗ lực trong công tác đầu tư, KKT Chân Mây - Lăng Cô cần chú trọng công tác quản lý xây dựng, công tác giải tỏa đền bù, tái định cư, bảo vệ môi trường. Đặc biệt cần rà soát lại các dự án đầu tư, phối hợp với các ngành, địa phương hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư và ổn định dân cư tại các nơi chưa có  dự án đầu tư trong KKT.

Trong 2 tháng còn lại của năm 2014, tỉnh tập trung vào các công việc cụ thể nào, thưa ông?

Trước hết, tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư và xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn ODA, FDI. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng các KCN, KKT, hạ tầng du lịch; chỉnh trang, mở rộng cửa ngõ phía Bắc và phía Nam.

Trong đó, nổi bật nhất là tiếp tục đôn đốc tiến độ dự án trọng điểm như hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án Mở rộng Quốc lộ 1A và xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia; phối hợp đôn đốc Dự án Đường La Sơn - Nam Đông, Dự án BOT Quốc lộ 1A đoạn Phong Điền - La Sơn, Dự án Hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng; Quốc lộ 49A, Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; Hồ Tả Trạch.

Trong lĩnh vực dịch vụ, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình Trọng điểm phát triển du lịch, các chính sách kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch từ Festival Huế,...

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ các dự án đầu tư mới sớm đưa vào hoạt động: Dự án Xi măng Đồng Lâm, các nhà máy sợi tại KCN Phú Bài; nhà máy may tại KCN Phú Đa; các nhà máy Men Frit, chế biến gỗ tại KCN La Sơn; các nhà máy chế biến cát tại KCN Phong Điền...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư