Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Thương hiệu “tỷ usd” của VNPT: Nâng giá trị khi IPO
Hữu Tuấn - 18/01/2019 09:06
 
Việc lọt Top 3 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018 sẽ giúp Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) tăng giá trị khi định giá và IPO trong thời gian tới.
VinaPhone là một trong 2 thương hiệu của VNPT lọt Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.
VinaPhone là một trong 2 thương hiệu của VNPT lọt Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.

VNPT có giá trị thương hiệu gần 1,34 tỷ USD

Brand Finance, nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, vừa công bố danh sách 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2018. VNPT nằm trong Top 3 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam và cũng là doanh nghiệp duy nhất có 2 thương hiệu trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam là VNPT và Vinaphone.

Cụ thể, giá trị thương hiệu của VNPT năm 2018 được định giá 1,339 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Cùng với thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2018, tăng 15% so với năm 2017.

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Brand Finance đã tính toán các giá trị của thương hiệu bằng cách tiếp cận Royalty Relief, phương pháp định giá thương hiệu tuân thủ các chuẩn công nghiệp thiết lập trong ISO 10668. Mục đích nghiên cứu của Brand Finance là kiểm tra hiệu quả của tài sản vô hình và thương hiệu của Việt Nam.

Trước đó, ngày 23/8/2018, Forbes Việt Nam đã vinh danh 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất năm 2018, trong đó, thương hiệu VNPT được xếp ở vị trí thứ 3 và thương hiệu VinaPhone xếp ở vị trí thứ 6.

5 năm liên tục lợi nhuận đạt trên 20%

VNPT hiện là doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm hoạt động hiệu quả nhất. Năm 2018, lợi nhuận của Tập đoàn đạt 6.445 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Theo thống kê, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của VNPT trong 5 năm qua là 24,7%.

Năm 2018, tổng số thuê bao điện thoại của Tập đoàn đạt khoảng 34 triệu thuê bao; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,2%, tăng 23% so với năm 2017.

Thời gian qua, VNPT đã tập trung đầu tư mạng lưới hạ tầng và mở rộng các dịch vụ công nghệ thông tin. Theo kết quả công bố chất lượng di động của 3 mạng di động lớn nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng di động VinaPhone của VNPT đứng thứ nhất ở 4/9 chỉ tiêu quan trọng.

Tính đến nay, VinaPhone có gần 60.000 trạm thu phát sóng thông tin di động 3G và 4G, có khả năng đáp ứng khoảng 40 triệu thuê bao. VinaPhone là nhà mạng viễn thông đang có những thay đổi mang tính đột phá trong chiến lược tiếp cận khách hàng với sự đầu tư chất lượng hạ tầng mạng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cùng với hệ sinh thái liên kết hàng ngàn doanh nghiệp.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên, VNPT khởi động thành công Chiến lược Phát triển giai đoạn 2018 - 2025 (VNPT4.0) với mục tiêu chuyển hướng từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp dịch vụ số.

“VNPT4.0 không chỉ là chiến lược để nâng tầm VNPT ở thị trường trong nước, mục tiêu của chúng tôi là đưa VNPT lên ngang tầm khu vực, với tầm nhìn mang tính dài hạn hơn”, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT khẳng định.

Theo ông Long, năm 2019, VNPT tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2018 - 2020 và đẩy mạnh Chiến lược VNPT 4.0; tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số.

Mục tiêu của VNPT là đến năm 2025, tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ số chiếm khoảng 35% trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn. Các dịch vụ trên nền IoT, chính quyền số, dịch vụ số tới người dùng cá nhân, đặc biệt khi 4G phát triển mạnh, 5G khai trương, sẽ là những nhân tố chính đóng góp vào doanh thu trong mảng này. 

Năm 2018, VNPT đã thuê tư vấn quốc tế phối hợp với công ty trong nước để tư vấn cổ phần hóa. Công ty tư vấn đã tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm, xây dựng phương án cổ phần hóa và bán cổ phần. Với việc giá trị thương hiệu VNPT được định giá tới 1,339 tỷ USD, giá trị của Công ty mẹ VNPT sẽ tăng lên khi cổ phần hoá và thu về lợi ích cao cho Nhà nước.

VNPT tăng đầu tư để nâng cao năng lực

Năm 2019, VNPT lên kế hoạch dự kiến đầu tư 12.200 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu đầu tư cho mạng di động 5.900 tỷ đồng, băng rộng cố định 3.900 tỷ đồng, dịch vụ giá trị gia tăng và công nghệ thông tin 1.200 tỷ đồng; đầu tư kiến trúc nhà trạm và đầu tư khác 1.200 tỷ đồng với các chương trình đầu tư lớn như: mạng thông tin di động 4G, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động, băng rộng, cố định và các dịch vụ data, IPTV Multimedia…

Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ đầu tư mở rộng năng lực các hệ thống truyền tải, cung cấp dịch vụ truy nhập băng rộng cố định và di động để đảm bảo truyền tải và chất lượng dịch vụ…
IPO “hàng khủng” thất bại, vì đâu nên nỗi?
Từ đầu năm đến nay, không ít đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của những doanh nghiệp lớn rơi vào tình cảnh ế ẩm như Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư