Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thương mại điện tử: Kẻ đóng cửa, người "nhào vô"
- 25/01/2017 08:15
 
Deca.vn, Lingo.vn… vừa đóng cửa, thì có ngay Shopee.vn, aeoneshop.com mở ra. Cuộc chơi thương mại điện tử ở Việt Nam chưa khi nào ngừng sôi động.

Ở Việt Nam có 3 mô hình thương mại điện tử khá phổ biến trong thời gian qua là C2C (giao dịch thương mại điện tử giữa khách hàng với khách hàng), B2C (là giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng) và Marketplace (sàn giao dịch thương mại điện tử).

Ở nhóm rao vặt thuần túy C2C, tức chỉ kết nối thông tin giữa người bán và người mua thì chotot.vn vẫn là cái tên nổi bật nhất.

.
.

Tuy nhiên, thương mại điện tử ở Việt Nam là bài toán niềm tin và giao hàng, việc kết nối thông tin dường như chưa đủ, một số doanh nghiệp đã kết nối thêm bên thứ ba như giao nhận thanh toán… Nhóm này được định nghĩa là nhóm cung cấp nền tảng thương mại điện tử.

Sendo.vn của FPT là một điển hình. Mới đây Zalo của VNG cũng bắt đầu gia nhập thị trường này. Nhưng cái tên nổi bật nhất lại thuộc về tân binh Shopee, một công ty Singapore được đầu tư bởi Garena.

Sau gần 2 năm ở Việt Nam, đơn vị này hiện có hơn 2 triệu lượt tải về với hơn 10.000 đơn hàng/ngày. Tốc độ tăng trưởng người sử dụng và đơn hàng khoảng 20% mỗi tháng.

Ở nhóm B2C, sự ra đi của Lingo.vn, trước đó là Deca.vn…, trong khi “bom tấn” Adayroi.vn của VinGroup chưa tạo được đột phá, Lotte.vn vẫn còn là ẩn số, thì Tiki.vn vẫn cái tên dẫn đầu phân khúc này.

Thành lập từ năm 2010, với điểm xuất phát là một công ty kinh doanh sách trực tuyến, Tiki.vn mở rộng dần sang các ngành hàng khác như mỹ phẩm, điện tử…

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, Giám đốc điều hành Tiki.vn, nếu như năm 2014, doanh thu của Tiki 70% đến từ sách, thì hiện nay chỉ chiếm 30%, số còn lại đến từ các ngành hàng khác. Hiện nay, số lượng đơn hàng của Tiki là 15.000 đến 20.000 đơn/ngày.

Mặc dù Cdiscount của BigC (thuộc Central Group) bị đóng cửa và sáp nhập về Zalora, sức hút của thị trường thương mại điện tử vẫn hấp dẫn với các doanh nghiệp bán lẻ khác. Không lâu sau khi Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc  tham gia thị trường thương mại điện tử Việt Nam với website Lotte.vn, doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Nhật Bản là Aeon cũng đặt chân vào thị trường này với website aeoneshop.com từ đầu năm nay.

Cuối cùng, ở nhóm Marketplace, Lazada.vn vẫn là cái tên chưa có đối thủ với 30% thị phần về doanh thu ở thị trường thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam.

Cuộc đua trong thời gian tới được cho là sẽ gay gắt hơn, vì cho đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam có lãi, chính vì thế, họ phải cạnh tranh mạnh mẽ để giành thị phần. Phần thưởng sẽ thuộc về người chiến thắng sau cùng.

Thương mại điện tử ở Việt Nam là bài toán niềm tin và giao hàng, việc kết nối thông tin dường như chưa đủ.

Kể từ khi Lazada Group được Tập đoàn Alibaba, cái tên nổi tiếng của thương mại điện tử Trung Quốc, mua lại từ tay Rocket Internet, vốn và kinh nghiệm phát triển thị trường đã không còn là điều khiến Lazada Group phải quá bận tậm.

Ông Alexandre Dardy, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam cho biết, trong năm 2017, Lazada sẽ tập trung vào việc thu hút thêm nhiều thương hiệu tham gia kinh doanh trên website của Công ty. Kế hoạch đề ra là thu hút 10.000 doanh nghiệp tham gia, tăng hơn ba lần so với hiện nay.

Còn Tiki.vn thì chú trọng vào phát triển bền vững. Trong năm 2017, Tiki.vn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Fullfilment (dịch vụ mà doanh nghiệp gửi hàng vào kho, Tiki.vn sẽ lo phần tiếp thị và bán hàng). Hiện Công ty có hai kho ở TP.HCM và một kho ở Hà Nội, với tổng diện tích là 10.000 m2.

Trong khi đó, dù gia nhập sau, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ luôn được xem là các đối thủ nặng ký. Nếu như Lotte.vn tập trung vào mảng mỹ phẩm, thời trang vốn là thế mạnh của các dòng sản phẩm thương hiệu Hàn Quốc, thì aeoneshop.com đánh mạnh vào các dòng sản phẩm đồ điện tử, đồ dùng cho em bé có xuất xứ từ Nhật Bản. Hiện aeoneshop.com sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại khá lớn, từ trung tâm thương mại đến các cửa hàng tiện ích.

Ngoài 4 trung tâm thương mại ở TP.HCM và Hà Nội, sau khi mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart vào năm 2015, Aeon đã gián tiếp sở hữu 18 cửa hàng Fivimart ở Hà Nội và 66 cửa hàng mini-shop ở TP.HCM.

Trên thực tế, cuộc đua giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử thuần túy và các doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có hồi kết và phần thắng đang tạm nghiêng về nhóm thương mại điện tử thuần túy. Tuy nhiên, với sự quyết tâm làm thương mại điện tử của các doanh nghiệp bán lẻ, cuộc đua thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn trong năm 2017.

Thương mại điện tử: Loạn hàng nhái mùa khuyến mại
Ngoài một số kênh mua sắm đang trở thành lựa chọn hiệu quả, vẫn có nhiều trang thương mại điện tử là chốn dung thân của hàng nhái, hàng kém...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư