Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thương mại điện tử Việt Nam: “Tân binh” lao vào cuộc chơi
Hữu Tuấn - 30/05/2017 08:59
 
Trong khi không ít trang thương mại điện tử đình đám bị mua lại, dừng hoạt động, hoặc sáp nhập, thì một số “tân binh” lại hào hứng lao vào cuộc chơi…
TIN LIÊN QUAN

Tháo chạy khỏi thị trường “nóng”

Trong một diễn biến mới nhất giữa tháng 5/2017, trang thương mại điện tử “ngoại” đình đám một thời là Zalora đã bị “xoá sổ”. Theo đó, trang mua sắm thời trang Zalora thuộc sở hữu Rocket Internet đã được bán lại cho Central Group (Thái Lan) vào tháng 4/2016 với giá 10 triệu USD sau khi Zalora khiến công ty mẹ chịu lỗ hàng trăm triệu USD. Kể từ giữa tháng 5/2017, Zalora chính thức đóng cửa và hợp nhất với thương hiệu thời trang Robins của Central Group.

Trước đó, một trang thương mại điện tử “ngoại” có thị phần lớn nhất Việt Nam là Lazada đã bị bán cho Alibaba (Trung Quốc). Tháng 4/2016, Alibaba đã công bố thỏa thuận chi khoảng 1 tỷ USD để mua cổ phần trong Lazada của Rocket Internet, nhằm tấn công thị trường Đông Nam Á, trong đó có Lazada Việt Nam.

.
.

Nhưng số phận của Zalora, Lazada vẫn còn may mắn so với Lingo.vn và nhiều trang thương mại điện tử khác. Tháng 8/2016, Lingo.vn đột nhiên ngừng hoạt động sau khi thua lỗ 150 tỷ đồng, nhưng không được nhà đầu tư tiếp tục rót vốn. Trước khi Lingo.vn “khai tử”, hàng loạt trang thương mại điện tử khác như Deca.vn, Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn (cùng của Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG)... cũng đã biến mất.

Bên cạnh đó, nhiều trang thương mại điện tử tại Việt Nam hoạt động cũng không khá hơn. Các trang Tiki.vn, sendo.vn… đều đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, vật lộn với khó khăn, thua lỗ kéo dài. Nói cách khác, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang trong thời kỳ u ám.

Thậm chí, có người nhận định rằng, các trang thương mại điện tử đang kinh doanh theo hình thức “vốn 10 đồng, nhưng chỉ bán 7 đồng” nhằm lôi kéo khách hàng, chiếm thị phần và nếu giữ chiến lược như vậy, sẽ chỉ trụ được vài ba năm nữa.

“Tay chơi” mới nôn nóng gia nhập thị trường

Trong lúc hàng hoạt “cựu binh” đang muốn thoát ra khỏi “vũng lầy” thương mại điện tử, thì nhiều “tân binh” lại đang rất hào hứng tham gia cuộc chơi “đốt tiền” này.

Điển hình là đầu năm 2017, Thế giới di động chính thức đưa trang Vuivui.com gia nhập thị trường và đặt mục tiêu trở thành trang thương mại điện tử lớn tại TP.HCM, với lượng truy cập ở mức 200.000 lượt/ngày, doanh thu tháng đạt mức 20 tỷ đồng và trong vòng 3 năm tới sẽ đóng góp tối thiểu 10% vào doanh thu chung của Thế giới di động.

Trước đó, cuối năm 2016, đại gia Hàn Quốc Lotte đã khai trương trang thương mại điện tử Lotte.vn dưới sự quản lý của Lotte E-commerce (Tập đoàn Lotte). Theo đó, 100% sản phẩm được bán trên trang thương mại điện tử này là hàng hóa trong siêu thị và hàng hóa thời trang được bán tại Lotte Department Store.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) thuộc Tập đoàn Viettel cũng gia nhập thị trường thương mại điện tử với trang sandacsan.com.vn chuyên bán các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, gạo, gia vị và thủ công mỹ nghệ.

Kỳ vọng một tương lai tươi sáng

Việc gia nhập thị trường thương mại điện tử của các “tân binh” đã cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng vào tương lai của thương mại điện tử Việt Nam, một thị trường đang trong kỳ sơ khai.

Thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam vốn được đánh giá khá hấp dẫn trong con mắt của nhiều nhà đầu tư. Theo báo cáo tại Hội thảo Creative Commerce 2017 diễn ra vào ngày 25/5, người Việt Nam dùng khoảng 67% thời gian trên các phương tiện truyền thông số mỗi ngày. Có đến 91% người Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh và việc lên ngôi nhanh chóng của các thiết bị kết nối (đặc biệt là Smartphone và Tablet) là các yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ hàng hóa qua mạng.

Ông Ashish Kanchan, Tổng giám đốc Công ty Phân tích thị trường Kantar TNS Việt Nam cho biết, Việt Nam có tốc độ phát triển thương mại điện tử rất nhanh, vượt qua các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines... và trong khoảng 3 năm nữa sẽ lọt vào nhóm thứ hai có thương mại điện tử thịnh hành (gồm các nước  Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông…).

Với tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử khoảng 35% và cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến vẫn còn khá lớn, ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty cổ phần Công nghệ DKT (đơn vị sở hữu giải pháp phần mềm bán hàng online Bizweb) cho biết, hiện 75% thị phần thương mại điện tử đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh, thành phố còn lại chỉ chiếm 25%.

“Trong vòng 3 - 5 năm tới, nếu như thị trường thương mại điện tử tại những tỉnh, thành phố lân cận phát triển đạt mức độ gần tương đương với Hà Nội và TP.HCM hiện nay, thì chắc chắn, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể tăng từ 3 - 5 lần và doanh thu mang lại cho các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng lên khoảng 5 lần, vượt mốc 10 tỷ USD”, ông Tuyến nhận định.

Còn ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thế giới di động cũng lạc quan cho biết, thị trường thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng và vài năm tới sẽ chiếm khoảng 20% trong tổng ngành bán lẻ. Vì vậy, Thế giới di động không muốn nằm ngoài cuộc chơi bán lẻ online. Vuivui.com đang trong quá trình “khởi nghiệp”, phải mất từ 1 - 2 năm nữa mới có thể nói chuyện thành bại, nhưng ông kỳ vọng, trang web sẽ vượt Thế giới di động và Điện máy Xanh trong 5 - 7 năm tới.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, bán lẻ qua thương mại điện tử sẽ có sự tăng trưởng ngoạn mục trong những năm tới, khi tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh tăng lên và đóng vai trò lớn hơn trong việc mua sắm theo kiểu nhấp chuột và nhận hàng hóa.

Có thể thấy rằng, qua một đợt “thanh lọc”, thị trường thương mại điện tử đã vơi bớt đi nhiều cựu binh và số còn lại đang tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ với nhau. Cuộc cạnh tranh giữa khối nội với khối ngoại, giữa “người cũ” và “người mới”, sẽ khiến thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trở nên kịch tính hơn rất nhiều trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư