Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thủy điện Hồi Xuân mãi chẳng "hồi xuân"
Sĩ Chức - 06/07/2013 07:22
 
Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2010, Dự án Thủy điện Hồi Xuân (Thanh Hóa) đang rơi vào tình thế khó khăn, phụ thuộc quá nhiều vào đối tác.

Mặc dù nguồn vốn chưa được xác định và chưa đạt được sự thống nhất đảm bảo cho vay từ ngân hàng, nhưng chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (thuộc Tổng công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam) vẫn tiến hành thi công trong phạm vi phần vốn đối ứng. Vì vậy, Dự án đang rơi vào tình thế khó khăn, đặc biệt là khi kết quả của Dự án phụ thuộc quá nhiều vào đối tác.

 

Cụ thể, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc Chi nhánh Trùng Khánh, nơi chủ đầu tư đang đàm phán vốn vay, sẽ chỉ định lựa chọn một trong số công ty kiểm toán quốc tế, công ty luật quốc tế đứng ra thẩm định độc lập Dự án, sau đó đưa ra những thông số, thông tin với tư cách là cơ quan độc lập.

Từ đây, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc Chi nhánh Trùng Khánh sẽ làm căn cứ như điều kiện “cần” để quyết định cho vay vốn.

Điều kiện đủ sẽ là một trong hai điều kiện: hoặc là do Chính phủ đứng ra bảo lãnh (đây là điều kiện tốt nhất), khi đó Chính phủ sẽ chỉ định cho một ngân hàng trong nước làm công tác giải ngân; hoặc một trong 4 ngân hàng phía Việt Nam (Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB, Agribank, VietinBank hoặc Vietcombank) đứng ra bảo lãnh.

Ngoài ra, khi Dự án được duyệt cho vay vốn, thì điều bắt buộc là phải có sự tham gia của các nhà thầu từ Trung Quốc (quốc gia cho vay vốn) cũng như mua một số thiết bị của Trung Quốc, kèm theo điều kiện khi ký hợp đồng tổng thầu EPC, phải đảm bảo 70% giá trị xuất khẩu là của đối tác, 30% là vật tư vật liệu của địa phương.

Theo báo cáo của chủ đầu tư tại Công văn 237/VHX-KHVT của VNECO, đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư do phía chủ đầu tư bỏ ra để triển khai xây dựng Dự án là hơn 334 tỷ đồng (phần vốn này tương ứng nằm trong biên độ với nguồn vốn đối ứng của chủ đầu tư). Tuy nhiên, hiện tại, công tác đàm phán vốn hiện gặp rất nhiều khó.

Đồng ý về thủ tục, quy trình và cách thức bảo lãnh vốn phải do Chính phủ, hoặc là của một trong 4 ngân hàng lớn tại Việt Nam, nhưng ông Phương Ngọc Hà, Giám đốc VDB Chi nhánh Thanh Hóa cho rằng, trong hai điều kiện đủ để đảm bảo được phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc Chi nhánh Trùng Khánh cho vay là rất khó khăn.

Thứ nhất, việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh là một điều kiện rất khó, vì khi đã bảo lãnh, các khoản nợ này Chính phủ phải gánh chịu. Trong khi đó, Dự án Thủy điện Hồi Xuân là dự án thuộc nhóm B.

Thứ hai, việc các ngân hàng đứng ra bảo lãnh, phải có sự đồng ý của tổng giám đốc các ngân hàng đó. Ông Hà cũng cho biết, VDB chưa từng bảo lãnh cho một dự án như thế này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư