Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Tiền có thể ảo, nhưng rửa tiền là thật
- 31/05/2013 15:06
 
“Nói trực tiếp các ngân hàng có tham gia thì hiện nay chúng ta chưa có cơ sở để khẳng định. Nhưng qua đây cũng thấy là chúng ta cần tăng cường theo dõi giám sát giao dịch thanh toán một cách chặt chẽ, để đảm bảo an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính”, TS. Vũ Viết Ngoạn nói về nguy cơ rửa tiền, liên quan tới vụ nghi vấn Liberty Reserve vươn vòi tới Việt Nam.

Bên hành lang Quốc hội sáng nay 31/5, TS.Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có trao đổi ngắn về vụ rửa tiền tổng trị giá 6 tỷ USD của Liberty Reserve và nghi vấn có hay không sự tham gia của các ngân hàng Việt Nam trong phi vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử thế giới này.

TS.Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia(ảnh: Việt Hưng).

Dư luận xôn xao việc một số ngân hàng của Việt Nam dính tới nghi án rửa tiền của Liberty Reserve. Với tư cách là người làm trong lĩnh vực tài chính lâu năm, ông đánh giá thế nào về khả năng các ngân hàng tham gia trong phi vụ này?

Nói trực tiếp các ngân hàng có tham gia thì hiện nay chúng ta chưa có cơ sở để khẳng định. Theo nhận định của tôi, có thể là cá nhân nào đó và nếu có đi chăng nữa thì ở đâu cũng có thể phát sinh ra chuyện này. Nhưng qua đây cũng thấy là chúng ta cần tăng cường theo dõi giám sát giao dịch thanh toán một cách chặt chẽ, để đảm bảo an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính.

Đây là yêu cầu đặt ra không chỉ với Việt Nam mà còn với toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam đã ban hành Luật phòng chống rửa tiền, thể hiện một cam kết rất tốt của chúng ta khi hội nhập với quốc tế, nhất là trong điều kiện tài chính toàn cầu đang hết sức phức tạp.

Được biết, lực lượng chuyên trách của Bộ Công an và Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc điều tra nghi án ngân hàng Việt Nam liên quan tới vụ rửa tiền này. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây là giao dịch tiền ảo, không có thật?

Sau danh nghĩa là tiền ảo là có hành vi để rửa tiền thật. Ai tham gia vào những giao dịch này đều có thể sai phạm cả. Ví dụ như ở bên kia biên giới, đối tượng buôn bán ma túy rồi chuyển về đây, một người trong nước nhận thì đều có liên quan cả.

Thị trường đồng tiền ảo đã có mặt và giao dịch sôi động ở Việt Nam nhiều năm nay, nhưng khi 17 quốc gia trên thế giới bắt tay điều tra, truy tố Liberty Reserve, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Qua đấy có thể thấy, Việt Nam rất bị động trong việc kiểm soát dòng tiền?

Điều này dễ hiểu thôi, bởi không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ cũng tồn tại bao lâu mới phát hiện ra. Nhiều nước cũng vậy. Ngay cả HSBC, Standard Chartered Bank và nhiều ngân hàng toàn cầu khác, trước đây cũng đã bị phạt hàng tỷ USD vì liên quan đến rửa tiền. Đó là trực tiếp giao dịch ngân hàng mà còn xảy ra những chuyện ấy.

Ở đây, chúng ta biết để tăng cường phòng tránh, phối hợp với các cơ quan an ninh tài chính trên thế giới. Vấn đề là chúng ta có ý thức, trách nhiệm quản lý mới là quan trọng.

Thông tin phát đi của một vài ngân hàng khẳng định họ không liên quan trong vụ rửa tiền của Liberty Reserve. Theo đánh giá của ông, chứng cứ nào để ngân hàng Việt Nam “vô tội”?

Trước hết phải xác định được các cá nhân giao dịch tiền có mở tài khoản ở ngân hàng hay không và có giao dịch mờ ám hay không, rồi có chuyện rút tiền thật từ ngân hàng và hai bên thanh toán với nhau hay không?

Ở những hoạt động phi pháp này, bao giờ cũng phải có những anh trung gian (cò) đứng ra làm chuyện đó. Chúng ta phải xác định được anh trung gian đó là ai? Nếu trung gian là ngân hàng thì bản thân ngân hàng đó phải chịu trách nhiệm là mắt xích trong đường dây. Từ người gửi tiền, qua trung gian đến hệ thống điện tử ảo Liberty Reserve, chúng ta cần xác định được ngân hàng tham gia vào cái gì của chuỗi giao dịch đó.

Nhưng nếu chỉ là một cá nhân nào đó mở tài khoản ở ngân hàng thì không thể nói là ngân hàng liên quan đến việc rửa tiền này?

Đúng thế! Các bạn có thể hình dung, các bạn có tài khoản ở ngân hàng, một tên ăn trộm cũng có tài khoản ngân hàng ở bên Trung Quốc. Tên này ăn cắp hàng bên Trung Quốc, sau đó bán món hàng đó và lấy tiền nộp vào tài khoản bên kia, rồi qua đấy chuyển tiền về Việt Nam để mua hàng hóa của bạn bằng việc ký hợp đồng chính thức.

Các bạn nhận tiền của tên trộm này có sai phạm không, nếu các bạn không biết rằng đó là tiền ăn cắp? Nhưng nếu các bạn biết đó là tiền ăn cắp, chuyển cho các bạn để thanh toán tiền hàng thì bạn có vấn đề.

Vậy trong trường hợp khách hàng có quan hệ với Liberty Reserve, ngân hàng có kiểm soát được dòng tiền của khách hàng giao dịch không, thưa ông?

Ngân hàng không thể kiểm soát được. Ngân hàng chỉ biết được tiền ở đâu chuyển về, nhưng trong trường hợp này chắc gì đã là chuyển tiền từ ngân hàng. Đó có thể là một người A nào đó giao tiền cho người giao dịch, còn tất cả tiền ảo trong giao dịch Liberty Reserve nằm ngoài ngân hàng hết.

Trong 4 ngân hàng Việt Nam bị nghi vấn rửa tiền, nhiều đối tượng trong vụ Liberty Reserve (LR) được xác định là có giao dịch từ ngân hàng. Ông bình luận thong tin này như thế nào?

Có thể còn nhiều nữa, nhưng người ta giao dịch trên máy tính cá nhân thì ngân hàng không thể biết được. Chúng ta phải nắm được trong khâu thanh toán cuối cùng, trong đó xác định rõ: người đã mua tiền LR thì trả tiền thật cho ai, còn người bán tiền ảo thì nhận tiền mặt từ đâu, từ ai, ngân hàng có trực tiếp liên quan đến việc trả, nhận tiền đó không?

Nếu ngân hàng có liên quan thì mới có thể nói ngân hàng có vấn đề trong giao dịch này. Bởi nếu như hai người ở ngoài ngân hàng thanh toán cho nhau số tiền ấy ngoài ngân hàng thì không thể nói ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Trước đây, thời tôi còn làm ở Vietcombank (Tổng giám đốc - PV) đã có không ít trường hợp từ nước ngoài vào đề nghị mở tài khoản giao dịch. Vietcombank luôn từ chối những trường hợp này khi cảm thấy nghi ngờ.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư