Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa Hapro
Kỳ Thành - 08/03/2017 10:05
 
Ngày 7/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-UBND về việc phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Theo Quyết định này, Nhà đầu tư chiến lược phải có năng lực tài chính đáp ứng một số tiêu chí cụ thể như: Có vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính (được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập) thời điểm gần nhất trên 2.000 tỷ đồng, không có nợ xấu, có chỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần theo báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2015, có lợi nhuận ròng sau thuế dương trong 2 năm (2014-2015) và trên báo cáo tài chính gần nhất năm 2016.

Doanh nghiệp kinh doanh không vi phạm pháp luật, chứng minh được nguồn tài chính có giá trị tối thiểu bằng giá trị cổ phần đăng ký mua, cụ thể: Phải cam kết đặt cọc 30% và có thư bảo lãnh của ngân hàng đối với 70% nguồn tài chính đăng ký mua cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu); thực hiện mua cổ phần đã đăng ký sau khi đấu giá cổ phần công khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp từ bỏ quyền mua, nhà đầu tư không được nhận lại tiền đặt cọc.

Bên cạnh đó, Nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đặc biệt ưu tiên đối với lĩnh vực kinh doanh về xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, có hệ thống thương mại bán lẻ hoặc đang sở hữu doanh nghiệp khác kinh doanh xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, có hệ thống thương mại bán lẻ phù hợp ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty.
Nhà đầu tư chiến lược có cam kết cùng công ty cổ phần kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, các tồn tại của Tổng công ty và cam kết xử lý tất cả các tồn tại của Tổng công ty chưa được xử lý tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật.
Hapro là cái tên nằm trong danh sách 16 doanh nghiệp mà Hà Nội sẽ cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020, với sự hấp dẫn giới đầu tư từ những mảnh đất vàng. Trong năm 2016, Hapro đã thoái vốn nhà nước ở nhiều công ty con và công ty liên kết. Tuy nhiên, Hapro vẫn nắm cổ phần chi phối tại những đơn vị nắm quỹ đất và mặt bằng thương mại lớn và Hapro đang có kế hoạch tiếp tục thoái vốn.
Tình hình thoái vốn của Hapro tại các công ty con đến năm 2016
Tình hình thoái vốn của Hapro tại các công ty con đến năm 2016

Trong khi đó, kết quả kinh doanh những năm qua duy trì ở mức ổn định, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là khá thấp, chỉ đạt khoảng 0,7 - 0,8%.

Theo thông tin trên website của Hapro, năm 2015, tổng doanh thu của Hapro đạt 4.894 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch năm, bằng 106% so với thực hiện năm 2014. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 2.7887 tỷ đồng, doanh thu kinh doanh nội địa ước đạt 2.107 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 41 tỷ đồng, bằng 122% so với năm 2014.

6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu của Hapro đạt 2.499 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 19,4 tỷ đồng.

IPO "con" của Hapro cháy hàng
Sáng nay (23/09), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Thương mại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư