Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tiêu thụ điện vẫn lãng phí
Thanh Hương - 21/01/2015 08:48
 
() Mục tiêu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5 vào năm 2015 xem ra đầy thách thức, bởi năm 2014 con số này vẫn là 2.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sẽ có thêm 2,2 tỷ USD vào ngành điện
Ngành điện lại đề xuất tăng giá bán
Hàng chục tỷ đô sốt ruột chờ đổ vào ngành điện

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không ngại ngần chỉ mặt đặt tên những lĩnh vực đang tiêu thụ điện lãng phí. Đó là những ngành công nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu “ăn” điện nhiều như xi măng.

Công nghệ cũ, lạc hậu, sản xuất xi măng là ngành công nghiệp nằm trong diện tiêu thụ điện lãng phí

Trong cơ cấu cấp điện cho nền kinh tế có 53,9% sản lượng điện vào công nghiệp, xây dựng và khu vực này làm ra 38% GDP. Lượng điện cấp cho thương mại dịch vụ hay nông nghiệp thấp, nhưng đóng góp trong GDP của những lĩnh vực này về tỷ lệ so với cấp điện lại cao cho thấy, thực tế sử dụng điện trong công nghiệp và xây dựng còn lãng phí.

Xét về tổng thể, tăng trưởng điện thương phẩm tiêu thụ nội địa là 12,3% trong năm 2014 so với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,98% cho thấy hệ số đàn hồi vẫn rất cao, tới 2 lần. Trước đó, năm 2011, hệsố đàn hồi điện/GDP là 1,75. 

“EVN mới chỉ lo đủ điện cho phát triển đất nước với mức tăng trưởng cao, nhưng yêu cầu nền kinh tế sử dụng công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng, thì không thể mình EVN làm”, ông Thanh nói.

Cũng để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và có dự phòng, ngành điện - mà chủ lực là EVN đã đầu tư mạnh mẽ. Công suất nguồn của hệ thống hiện là trên 30.000 MW. Với hệ thống điện hiện có, Việt Nam đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, nhưng tiêu thụ điện vẫn chưa hiệu quả, lãng phí.

Năm 2015, EVN dự tính “tiêu” 127.533 tỷ đồng cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản, tăng 1,66% so với năm 2014. Đáng nói là, trước đó, năm 2014, thực tế “tiêu” tiền trong đầu tư xây dựng cơ bản của EVN kế hoạch đề ra là 1,53% và đạt con số 125.453 tỷ đồng, bằng khoảng 10,26% tổng đầu tư toàn xã hội và tăng tới 27,91% so với năm 2013.

Với thực tế gắng sức đầu tư, trong khi tiêu dùng điện chưa hiệu quả và còn lãng phí này khiến áp lực tài chính với ngành điện và EVN khá lớn.

Trong Quyết định 854/2012/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 phê duyệt kế hoạch hoạt động của EVN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đến năm 2015, EVN phải cơ bản giải quyết xong khoản lỗ, cân bằng tài chính. Hiện tại, khoản lỗ sản xuất, kinh doanh do phải đổ dầu vào phát điện hồi năm 2009-2010 do hạn hán và bán điện giá thấp theo quy định lên tới 12.000 tỷ đồng đã được giải quyết xong.

Tuy nhiên, trong khoản lỗ 26.000 tỷ đồng (năm 2010-2011) do chênh lệch tỷ giá vẫn còn lại 8.800 tỷ đồng đang treo lại. Nếu tính thêm phát sinh chi phí từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn trong năm 2014 với tổng cộng 8.000 tỷ đồng nữa, thì hiện còn tới 16.800 tỷ đồng chưa cân đối được với EVN.

Đây cũng là thách thức lớn trong năm 2015 trong điều kiện Chính phủ và Bộ Công thương vẫn đang cân nhắc câu chuyện điều chỉnh giá điện.

Bởi vậy, chủ đề của năm 2014 được EVN lấy là năng suất và hiệu quả, quyết liệt tối ưu hóa chi phí để nâng cao năng suất.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch EVN cho hay, năm 2015, EVN tập trung nâng cao năng suất lao động và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong toàn Tập đoàn. “Quý III/2015, EVN sẽ hoàn tất đề án này để trình Bộ Công thương và Chính phủ. Mục tiêu được đặt ra là, năm 2020, EVN sẽ đuổi kịp năng suất lao động và hiệu quả tương đương công ty điện lực nhà nước của Malaysia tại thời điểm đó”, ông Vượng cho biết và nói, EVN đã thành lập 7 tiểu ban để triển khai đề án này, bởi khi triển khai, chắc chắn sẽ có những thay đổi trong tâm tư và nhân sự.

Dẫu vậy, Chủ tịch HĐTV EVN cũng cam kết việc làm cho người lao động sẽ được đảm bảo, không bị sa thải, thậm thu nhập tốt hơn khi đề án được hoàn tất triển khai.

Việc nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng được các lãnh đạo EVN dẫn chứng cụ thể như đầu tư 15 tỷ đồng để mua 1 xe vận hành, bảo dưỡng nóng và thêm 500 triệu đồng cho đào tạo sẽ giúp giảm thời gian mất điện trên lưới do sự cố và sửa chữa, tăng thêm doanh thu khiến chỉ trong 2 năm là đã thu hồi vốn và xe có thể sử dụng được chục năm. “Từng đơn vị phải tìm tòi các giải pháp cụ thể, xây dựng định biên, định mức cụ thể cho mình, thì việc tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa mới có kết quả tốt”, là yêu cầu được lãnh đạo EVN đặt ra với các đơn vị thành viên trong hoạt động năm 2015.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư