Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tiêu thụ thịt lợn chật vật vì nguồn cung vượt cầu
Thế Hoàng - 29/04/2017 21:11
 
Giá lợn hơi lao dốc hiện chỉ còn khoảng 22.000 – 28.000 đồng/kg, đầu ra từ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã bị thu hẹp, thật khó để tiêu thụ tại thị trường nội địa khi mà nguồn cung thịt đã vượt quá nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Nguồn cung thịt đã vượt quá nhu cầu trong nước

Cuộc họp giải cứu đàn lợn tồn trong dân do Bộ Công thương tổ chức trong tuần qua, cùng sự tham gia của các Vụ Thị trường Trong nước, Cục Quản lý Thị trường, Vụ Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường châu Á, Cục Xúc tiến thương mại…, mới chỉ đưa ra được các giải pháp về phần ngọn, khi mà vấn đề của ngành chăn nuôi lợn nước ra đã vượt quá sức của các ngành chức năng.

Theo nhận định của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công thương, khiến nguồn cung thịt lợn nội địa vượt quá nhu cầu.

Khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa (trong đó có lợn sống) trái phép qua biên giới đất liền, hoạt động xuất khẩu lợn sống qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép lên giá thịt lợn trong nước.

Việc các hộ chăn nuôi tăng đàn để xuất khẩu sang Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo từ Bộ Công thương đã khiến nguồn cung thịt hiện đã vượt quá nhu cầu trong nước.
Việc các hộ chăn nuôi tăng đàn để xuất khẩu sang Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo từ Bộ Công thương đã khiến nguồn cung thịt hiện đã vượt quá nhu cầu trong nước

Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thịt lợn chiếm 72,3% trong tổng sản lượng thịt tiêu thụ các loại, tương đương 39,6 kg thịt hơi/người/năm (2017).

Ước tính nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa khoảng 3.550.000 tấn thịt hơi/năm. So với nguồn cung dự kiến là 3.755.000 tấn thì dư thừa khoảng hơn 200.000 tấn. Nếu tính cả lượng thịt nhập khẩu thì vượt rất xa con số này.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong những ngày qua, giá lợn hơi xuất chuồng dao động trong khoảng 22.000 – 28.000 đồng/kg, giảm khoảng 40% so với giá bình quân năm 2016 (mức giảm khoảng 20.000 – 22.000đồng/kg).

Ngoài việc tự ý tăng đàn vô tội vạ, một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến đầu ra của sản phẩm thịt lợn càng trở nên khó khăn nằm ở khâu quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập.

Như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ (hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng với quy mô nhỏ lẻ đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước, chiếm khoảng 65-70% về đầu con) nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương (cá nhân) mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ.

Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.

Giá thịt hơi giảm nhưng không dễ tiêu thụ

Có một nghịch lý là dù giá lợn hơi giảm sâu, nhưng tiêu thụ vẫn gặp khó khăn, bất chấp việc Bộ Công thương đã có Công văn số 3484 gửi các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối tiêu thụ mặt hàng lợn thịt; tăng lượng thu mua, giết mổ, chế biến, cấp đông.

Chưa kể, trước thực trạng giá thịt lợn tại hệ thống phân phối của các siêu thị và ngoài thị trường đang chênh lệch rất lớn so với giá lợn hơi thu mua từ các hộ, trang trại.

Trước tình trạng này, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc gửi hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đề nghị báo cáo nhanh nội dung nêu trên.

Sau khi có các công văn hoả tốc và sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công thương, đến thời điểm này, báo cáo sơ bộ từ các Sở Công thương cho thấy, giá bán thịt lợn ngoài thị trường đã giảm so với trước ngày 20/4/2017 khoảng 5.000-10.000 đ/kg (tùy nơi bán).

Một số siêu thị như Co.op mart, Big C, Vissan đã giảm giá bán thịt lợn trong toàn hệ thống từ 5-10%, có mặt hàng giảm 20% để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời giữ nguyên giá thu mua để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.

Tại TP HCM, giá bán thịt lợn trong Chương trình bình ổn thị trường đã được điều chỉnh, giá áp dụng từ sáng 27/4/2017 dao động từ 63.000-77.500 đồng/kg, cá biệt một số loại sản phẩm đặc thù có giá 87.500 đồng/kg như thịt nạc dăm, nạc vai...

Có thể thấy, các giải pháp đầu ra cho thịt lợn lúc này của các Bộ, ngành chức năng vẫn chưa thể đi đến tận gốc rễ của câu chuyện dư thừa nguồn cung thịt, mà chỉ là những giải pháp chung tay trước mắt.

Trước thực trạng nguồn cung lợn hơi đã vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước, dẫn tới giá thịt lợn hơi lao dốc, chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg, gây thua lỗ nặng cho người chăn nuôi và khó khan trong việc tiêu thụ, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam(AVR) đã có thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch AVR cho hay, căn cứ vào lĩnh vực hoạt động, quy mô và năng lực tiêu thụ, AVR đề nghị các doanh nghiệp hội viên có kinh doanh/chế biến thực phẩm có kế hoạch chủ động, tăng cường thu mua,tổ chức giết mổ cấp đông thịt lợn. Đồng thời, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá đối với các sản phẩm thịt lợn trên toàn quốc…

Thịt lợn rớt giá thảm, doanh nghiệp Việt lại nhập từ Anh, Hà Lan về để xuất sang Trung Quốc
Một doanh nghiệp cho biết, công ty này vẫn xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, song đau lòng là công ty mua thịt từ Đức, Hà Lan để xuất khẩu chứ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư