Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tìm chìa khóa xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Hồng Sơn - Thùy Vinh - 18/07/2019 08:04
 
Ngày 17/7, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, cách đây khoảng 2 thập kỷ, tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố. Từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP.HCM, là một trong những tiền đề quan trọng để thị trường tài chính tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của thành phố.

Hiện nay, ngành tài chính tăng trưởng bình quân khoảng 8,8%/năm, chiếm tỷ trọng 10% trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của TP. HCM, giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Thực tiễn cũng cho thấy, ngành tài chính đã đóng góp khá nhiều cơ chế, chính sách đối với quá trình hội nhập quốc tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường tài chính vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, trong đó lực cản lớn nhất là TP.HCM chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

“Để thực hiện thành công đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là cả một quá trình phức tạp, lâu dài và nhiều khó khăn, thử thách. Do đó, Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức tài chính”, ông Phong cho biết.

TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo Đề cương sơ bộ của Đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Theo đó, xác định một số định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Thành phố phải xác lập vị thế của trung tâm tài chính thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực, định hướng quốc tế. Cùng với đó, phát triển vốn con người; trong đó đảm bảo nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, điều chỉnh chính sách tuyển dụng lao động vào ngành, đặc biệt là chuyên gia quốc tế. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh như cải thiện pháp luật, chính sách hiện hành liên quan đến thuế quan, điều tiết thị trường theo hướng môi trường kinh doanh minh bạch, độ tin cậy cao, chi phí kinh doanh thấp… Mặt khác, có chính sách quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, quy hoạch ngành, trong đó phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ các thị trường…

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, việc xây dựng đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vì cả nước, để phục vụ cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 45% GDP, 42% thu ngân sách, dịch vụ có giá trị gia tăng chiếm 46%, xuất khẩu chiếm 40%; đầu tư nước ngoài về tổng dự án chiếm 56%, giá trị đầu tư 45%; kiều hối chiếm 65%; giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán ở TP.HCM chiếm 93,5% của cả nước; 50% doanh nghiệp cả nước nằm ở TP.HCM và nếu tính của cả vùng là 65%. Đây là nhu cầu cực kỳ lớn phục vụ cho cả nước và vùng. Do đó, nhu cầu vốn của TP.HCM và khu vực phía Nam là rất lớn.

Phân tích cụ thể hơn về quy mô kinh tế, năm 1999, quy mô kinh tế cả nước là 400.000 tỷ đồng, năm 2000 là 442.000 tỷ đồng thì quy mô kinh tế TP.HCM năm 2010 là 463.000 tỷ đồng. Còn 2005, quy mô kinh tế cả nước là 914.000 tỷ đồng thì năm 2016, quy mô kinh tế TP.HCM là 970.000 tỷ đồng.

“Nghĩa là chu kỳ khoảng 10 năm, quy mô kinh tế TP.HCM bằng quy mô kinh tế cả nước 10 năm trước đó”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói và cho rằng, nhu cầu thanh toán của TP.HCM và khu vực phía Nam rất lớn. Đặc biệt, sắp tới nhu cầu các dịch vụ tài chính gắn với trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn sẽ ở mức rất cao. TP.HCM là trung tâm đào tạo lớn, nhiều trường kinh tế giỏi nên có khả năng hình thành chương trình đào tạo hỗ trợ cho dịch vụ tài chính. Thành phố đã triển khai đô thị sáng tạo làm tiền đề hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về tài chính. 

Lãnh đạo TP.HCM và các đại biểu dự hội thảo.
Lãnh đạo TP.HCM và các đại biểu dự hội thảo.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, hiện nay, TP.HCM đang phấn đấu 4 lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế gồm: Lĩnh vực đào tạo; dịch vụ y tế, môi trường kinh doanh, là địa phương đi đầu trong việc thực hiện 5G…

Đây là những thuận lợi để thực hiện Đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chính quyền thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh đô thị thông minh, đẩy mạnh nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và ứng dụng từng bước, đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, quản trị giao thông thông minh; hiện đại hóa quy hoạch đô thị; đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp sáng tạo của thành phố, trong đó quan tâm khởi nghiệp sáng tạo về các công nghệ tài chính…

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến hiến kế cho việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Dự kiến vào tháng 10 tới, TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để tiếp tục ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học... để hoàn thiện Đề cương chi tiết của Đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

TP.HCM mời gọi xây dựng Thành phố sáng tạo đầu tiên
Sáng 28/7 tại TP.HCM, UBND TP.HCM Minh tổ chức Hội thảo quốc tế: "Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP.HCM". Đây là hội nghị Quốc tế bao gồm các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư