Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tìm đơn hàng xuất khẩu qua kênh tham tán thương mại
Thế Hải - 21/02/2016 09:46
 
Tận dụng thời cơ tìm kiếm khách hàng, gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa… qua kênh tham tán thương mại tại thị trường nước ngoài luôn là mục tiêu đặt lên hàng đầu tại các kỳ Hội nghị Tham tán thương mại.

Hội nghị Tham tán thương mại 2016 vừa diễn ra tại Bộ Công thương đặt ra “nhiệm vụ” có vẻ nặng nề hơn với các tham tán, khi mà nhiều ngành hàng xuất khẩu Việt Nam đang được các thị trường nước ngoài quan tâm bởi sức lan tỏa của các hiệp định thương mại tự do như TPP, EVFTA, KVFTA…

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,1 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2014, nhưng so với chỉ tiêu 10% Quốc hội giao thì chưa đạt. Nhập siêu trong năm qua là 3,54 tỷ USD, cho thấy, xuất khẩu của nhiều ngành còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu…

.
Năm 2016, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm khoảng 181,5 tỷ USD

“Các đầu mối từ kênh tham tán thương mại luôn phải được tận dụng để khai thác tối đa cơ hội gia tăng xuất khẩu trong năm 2016 và những năm tới, để không lãng phí nguồn lực và khai thác quy mô sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu…”, ông Hải nhấn mạnh.

Thực tế từ các Tham tán thương mại “nằm vùng” đã chỉ ra rằng, còn rất nhiều thị trường lớn có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cao mà doanh nghiệp Việt Nam chưa thể với tới được.

Ông Phạm Quang Niệm, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nga cho biết, năm 2015, Thương vụ đã tổ chức Hội chợ nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam tại Nga với 160 doanh nghiệp tham gia. Qua đó, doanh nghiệp hai nước đã trực tiếp giao thương và nhận thấy cơ cấu hàng hóa hai nước có sự bổ sung lẫn nhau, cho thấy hàng hóa sản xuất trong nước hội tụ đủ điều kiện gia tăng nhanh xuất khẩu vào thị trường Nga. Đơn cử, Thương vụ đã thông tin rất cụ thể để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp có hính sách xuất khẩu phù hợp với thị trường Nga, như nông sản, thịt, thủy sản…, những mặt hàng mà Nga đang có nhu cầu tiêu dùng lớn.

Tuy nhiên, sau sự kiện này, điều ông Niệm mong mỏi, các doanh nghiệp trong nước cần liên tục, chủ động kết nối để không tạo “khoảng trống”, với các việc làm thiết thực, cụ thể để đưa hàng hóa sang Nga càng sớm càng tốt

Kỳ vọng đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới, với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hết mình, nhưng một số Tham tán thương mại cũng nêu nhiều vấn đề trở ngại trong việc phối hợp với doanh nghiệp.

Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, ông Nguyễn Bảo cho rằng, công cuộc đưa hàng hóa ra nước ngoài đòi hỏi tính liên tục và kỳ công. Nếu các đại diện thương mại nỗ lực để kết nối thì các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng chớp cơ hội để hiện thực hóa nhu cầu của khách hàng. 

Theo ông Bảo, năm 2016, để hỗ trợ công tác xuất khẩu  cho doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường này với  Vụ Thị trường ngoài nước và với các đơn vị thuộc Bộ.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm đại diện thương mại tại Pháp, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại tại Thương vụ Bỉ và EU cho rằng, để thúc đẩy hoạt động thương mại tại thị trường nước ngoài, có thể kết hợp thương mại với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động cộng đồng. Cách làm như vậy không chỉ hiệu quả trong hoạt động thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong nước mà còn rất tiết kiệm.

Năm 2016, Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm khoảng 181,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015.

Để cán đích mục tiêu xuất khẩu hơn 181 tỷ USD trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, hàng hóa Việt Nam chịu sự cạnh tranh trực tiếp về giá của các quốc gia xuất khẩu… ngoài sự hỗ trợ và kết nối từ kênh tham tán thương mại, thì sự chủ động tìm kiếm đơn hàng, hành động cụ thể  từ các doanh nghiệp mới là vấn đề quyết định để hàng hóa Việt Nam đến được nhiều thị trường mới, khách hàng mới. Thực tế này cũng được các tham tán tham dự Hội nghị chỉ ra rằng, thương vụ chỉ là cơ quan bộ phận chắp nối tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn ở nước ngoài, chứ không thể làm thay nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng cho doanh nghiệp”.

Dành 90 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016
Thực hiện Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BCT phê duyệt Chương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư