Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Tìm hiểu tục tắm hoa mùi dịp tất niên
Chí Cường - 29/01/2014 05:41
 
Từ xa xưa tắm lá thơm từ thảo dược đã được dùng chống mệt mỏi, tác dụng lưu thông khí huyết, giải toả căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe...

Tìm hiểu tục tắm hoa mùi dịp tất niên

Vào chiều 30 Tết, mỗi gia đình thường tắm mùi già chiều cuối năm là một phong tục của người Việt. Người ta nói tắm nước thơm là “tẩy trần” cơ thể mình, rửa sạch đi những nỗi buồn đau năm cũ, sẵn sàng cho một năm mới hanh thông thuận lợi.

Cùng với việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, ai cũng muốn thân thể mình sạch sẽ. Nước hoa mùi không chỉ cho người ta được sạch sẽ gột rửa bụi trần, mà còn như được tắm rửa tinh thần.

Từ nhiều đời nay, thói quen đun nước lá mùi già để tắm trong ngày 30 Tết đã là một phong tục đẹp, thiêng liêng của người Việt Nam mỗi khi chuẩn bị đón một năm mới đang đến gần. Bởi lẽ, với rất nhiều người, được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ.

Dù công việc có bận rộn đến mấy, nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn luôn duy trì tục tắm nước lá mùi già vào ngày 30 Tết. Thế hệ cao niên trong gia đình luôn nhắc con, cháu mua lá mùi già về, nấu nước tắm vào mỗi dịp Tết cổ truyền.

Người với người gần nhau hơn, thân ái hơn, làm người ta tĩnh tâm sau bao mệt mỏi của cuộc sống mưu sinh. Gọi là hoa mùi, thì dĩ nhiên phải có cái mùi đó ắt hẳn phải dễ nhớ, dễ cảm nhận và đặc trưng lắm. Hoa mùi không thơm như hoa nhài, hoa huệ, lãng mạn như hồng, như ly, khiến người đời ngất ngây. Hoa có mùi thơm hăng hắc, ngai ngái nhưng đậm đà, lưu luyến... Thật chẳng dễ tả chính xác được mùi của loài hoa này, nhưng dám chắc, đó là thứ hương đậm đà quyến luyến, và cảm giác vô cũng dễ chịu.

Đào biếc, mai thắm, quất vàng, mâm ngũ quả ... là những khúc dạo đầu ấm áp, vu tươi, báo hiệu một cái Tết sắp đến. Nhưng thiếu đi hương của những mớ mùi, với nhiều người sẽ có một cái Tết thiếu hẳn mùi vị, hương sắc.

Mùi là loại rau của mùa đông. Thường vào cữ cuối đông, người ta đem hạt mùi ra reo vài luống, rồi như một sự vô tình lãng ý của giá rét, chỉ khoảng một hai tháng sau, đã thấy mùi lên tươi tốt, phất phơ hoa trắng và quả nhỏ li ti, thân lá thì xanh sẫm lại. Ấy là lúc cắt mùi đến tận gốc, dồn lại lấy mươi bố mà mang ra chợ bán.

Trên nóc nồi bánh chưng nhà nhà đều không thể thiếu chậu nước lá mùi. Nhờ than, nhờ lửa của cúi đang cháy đượm, khiến bánh sôi sùng sục, nồi nước mùi đặt ké chẳng mấy đầm đậm rồi thơm ngan ngát. Lũ trẻ chơi quanh quẩn mấy nhà hàng xóm được mẹ gọi về để tắm cho sạch sẽ, tinh tươm chỉ vài chậu lá mùi đặc sánh. Sáng mồng một, cả nhà vẫn luôn giữ lệ rửa mặt bằng nước rau mùi.

Người thành phố cũng không rời xa nổi cái vị hoa mùi. Mọi cái vận hạn đen đủi của năm cũ dường như được gột bỏ và giữ lại một cảm giác thanh sạch, khoan khoái. Một thứ mùi vị đặc trưng của đồng đất quê hương sẽ mãi lưu luyến, vương vấn trong cả năm để nhắc nhở mọi người về cội nguồn, về gốc rễ. Chẳng ai ngờ, những mớ mùi già cuối đông se sắt đem lại nhiều cảm xúc đến thế.

Trên phố phường Hà Nội, Tết Giáp Ngọ đang đến rất gần trong cái lạnh se se, trong sắc thắm, trong tiếng nhạc lời ca rộn rã, trong vẻ tất bật hối hả của những người đi sắm Tết và trong cả hương thơm ấp áp của những nồi nước lá mùi già thoang thoảng đâu đây
.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư