Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tìm kế bứng nguồn lực ra khỏi ngân hàng
Nguyên Đức - 20/12/2013 09:46
 
Hai năm 2014 - 2015, việc phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là vô cùng quan trọng. Vì thế, cần thiết phối hợp chính sách để huy động được vàng, USD và các nguồn lực trong dân cho mục tiêu phát triển kinh tế, chứ không để nằm im trong dân, trong ngân hàng. Lợi thế của kinh tế năm 2014 Thị trường xuất khẩu nào đắt hàng năm 2014? Kinh tế 2014: Nhìn từ các cú sốc chính sách

Đó là khẳng định của ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội thảo khoa học về Phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 - 2015.

“Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi mà trong 2 năm tới, tỷ lệ bội chi ngân sách được nới rộng và khi trái phiếu chính phủ sẽ được phát hành thêm”, ông Hùng nói.

Áp lực trong phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa đang rất lớn.
Áp lực trong phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa đang rất lớn. Ảnh: Hà Thanh

Phân tích sâu thêm về nhận định này, ông Trịnh Quang Anh, Trưởng phòng Khoa học - Hợp tác (Học viện Chính sách và Phát triển), dẫn một kết quả nghiên cứu của Học viện, rằng trong hai năm 2014 - 2015, áp lực phát hành trái phiếu chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn, lên tới 320.000 tỷ đồng, để khẳng định nếu không phối hợp tốt giữa hai chính sách điều hành vĩ mô vô cùng quan trọng này, rủi ro cho nền kinh tế là rất lớn.

Câu chuyện không chỉ là tái lạm phát ở mức cao, mà còn là những “đe dọa” liên quan đến nợ công, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng và những ảnh hưởng đến một loạt biến số vĩ mô khác.

“Dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 3 năm qua đã cơ bản được ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, ông Hùng thừa nhận.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng bày tỏ sự lo ngại khi mà thời gian đáo hạn đối với trái phiếu chính phủ là rất ngắn.

“Thời gian đáo hạn ngắn đến mức chuyên gia kinh tế nước ngoài rùng mình và nó sẽ rơi vào khoảng giữa năm 2014 và năm 2015. Thời điểm ấy, khả năng thanh toán nợ trái phiếu, nợ nước ngoài, cả nợ xây dựng cơ bản sẽ gây áp lực cho chính sách tiền tệ và vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Nếu không có biện pháp để xử lý, thì tài khóa cũng sẽ căng thẳng”, ông Nghĩa bày tỏ quan điểm và cho biết, có đến 80% ngân hàng thương mại nắm giữ trái phiếu chính phủ trong tay.

Thậm chí, theo ông Quang Anh, việc trong năm 2014, lượng tiền bơm ra qua kênh chiết khấu trái phiếu Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có thể lên tới 70.000 - 80.000 tỷ đồng cũng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước nặng gánh hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Rõ ràng, áp lực trong phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa đang rất lớn. Nếu “chệch đường ray”, hệ lụy tới nền kinh tế là không hề nhỏ. Áp lực càng lớn hơn, khi theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia về tài chính - ngân hàng, 3 năm qua, luôn có sự lạc điệu trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, mà còn các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô khác, cho dù cùng hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

“Không chỉ lạc điệu về liều lượng, thời điểm, mà còn lạc điệu cả trong điều hành giá cả, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, lạc điệu trong giám sát, ổn định tài chính - tiền tệ… Thậm chí, còn có cả sự lạc điệu trong ‘phân vai’, khi mà nhiều việc, chính sách tiền tệ phải gánh cho chính sách tài khóa, như cho vay tạm ứng ngân sách giải phóng mặt bằng, thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng…”, ông Lực nói.

Ba năm qua, khi kinh tế tiếp tục chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, luôn có sự giằng co giữa hai mục tiêu tăng trưởng và lạm phát. Dù Chính phủ luôn nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu, song nỗi lo về sự bất ổn xã hội, hay tăng trưởng hợp lý khiến sự phối hợp giữa hai chính sách này đôi lúc có sự vênh nhau. Đồng điệu hóa hai chính sách này là điều không đơn giản, đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan điều hành, nhất là khi hiện tại, theo ông Quang Anh, chính sách tiền tệ đang suy giảm hiệu lực, còn chính sách tài khóa đã cạn kiệt dư địa điều hành.

“Ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng, nhưng hiện tại cần có chính sách khơi thông nguồn tài lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, ông Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế nói.

Trong khi đó, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, cần phối hợp chính sách để huy động được vàng, USD và các nguồn lực trong dân cho mục tiêu phát triển kinh tế. “Phải đưa được các nguồn lực này vào đầu tư phát triển, chứ không thể chỉ để trong ngân hàng”, ông Sinh nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư