Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tìm phương án tối ưu cho Khu du lịch sinh thái Bạch Mã
Tâm Đăng - 20/10/2018 19:25
 
Sở hữu những tiềm năng lớn, Vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) rất cần chiến lược hết sức cẩn trọng, bài bản và có tầm nhìn lâu dài để đánh thức nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn mới, trên cơ sở quản lý bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Mật độ xây dựng sẽ không quá 20%

Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã do Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (Singapore) chủ trì ý tưởng, Công ty Inros Lackner Vietnam tư vấn lập quy hoạch. 

Phối cảnh tổng thể Dự án Khu du lịch sinh thái Bạch Mã
Phối cảnh tổng thể Dự án Khu du lịch sinh thái Bạch Mã

Về quy mô dự kiến, Khu du lịch sinh thái Bạch Mã sẽ đón khoảng 500.000 lượt khách/ năm trong giai đoạn 2020 - 2030; từ năm 2030 trở đi sẽ tăng lên 1 triệu lượt khách/năm. Trong đó, quy mô phục vụ vào 1.400 - 2.000 lượt khách/ngày. Số lượng khách lưu trú nghỉ dưỡng khoảng 600 - 800 khách/đêm (tương đương 300- 400 phòng khách sạn). 

Tổng diện tích khu vực nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã vào khoảng 387,8 ha bao gồm 2 khu vực chính. 

Khu vực 1 (Khu A) là đất xây dựng hạ tầng đường Bạch Mã, Trạm cơ sở tại khu vực Khe Su (64,1 ha) và Tuyến cáp treo du lịch có chiều dài khoảng 4 km với hành lang bảo vệ khoảng 26 m. Khu vực 2 (Khu B) là Khu Du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã có phạm vi nghiên cứu khoảng 290 ha, với các chức năng chính là đón tiếp, hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại; các không gian hoạt động ngoài trời (tín ngưỡng tâm linh, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên…); hành chính, điều hành và chức năng phụ trợ kỹ thuật (trạm điện, trạm nước, khu tập kết rác thải)...

Về tính chất, Bạch Mã sẽ là khu trung tâm du lịch sinh thái - tâm linh - nghỉ dưỡng quan trọng, là điểm đến lý tưởng của khách du lịch nội địa và khách quốc tế, cung cấp các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương, trên cơ sở tôn trọng các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa sẵn có. Theo đó, chỉ tiêu mật độ xây dựng không vượt quá 20%, trong đó đất thương mại dịch vụ chiếm 1,8%, đất du lịch, văn hóa chiếm khoảng 0,9%, khách sạn nghỉ dưỡng chiếm khoảng 6% và cảnh quan thiên nhiên nhiếm 82%. 

Thế nhưng, theo đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch, các công trình công cộng có thể được đề xuất sử dụng ở chỉ tiêu về mật độ xây dựng thấp hơn, nhằm tạo sự hấp dẫn và khả năng bảo vệ môi trường khu vực và vùng trong tương lai.

Nghiên cứu phương án xây dựng cáp treo

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương cho biết: “Bạch Mã đã sớm được người Pháp đưa vào khai thác làm khu du lịch nghỉ dưỡng từ đầu những năm 30 và 60 của thế kỷ trước, nhưng sau đó bị tàn phá bởi chiến tranh. Trong chủ trương phát triển xanh, phát triển bền vững của tỉnh, Vườn quốc gia Bạch Mã có thể được xem là “Nàng công chúa ngủ quên” trên đất Cố đô với những tiềm năng và thế mạnh độc đáo về du lịch sinh thái”.

Đánh giá về bản quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã, các chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã là hết sức cần thiết, nhằm tạo cơ sở quản lý bảo tồn và khai thác phát huy các giá trị của Bạch Mã. Bên cạnh đó, việc quy hoạch còn tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, cụ thể hóa quy hoạch chung và mang tính chất định hướng cho quy hoạch chi tiết các khu vực chức năng trong tương lai.

Tuy nhiên còn ý kiến băn khoăn trong quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã liên quan tới đề xuất ý tưởng xây dựng cáp treo để kết nối các điểm du lịch. 

Đại diện Tập đoàn POMA (Pháp) - đơn vị tư vấn cáp treo Khu du lịch sinh thái Bạch Mã cho rằng, phương tiện cáp treo sẽ giúp du khách khi được ngắm cảnh trên cao, an toàn, không tác động đến môi trường về tiếng ồn, ô nhiễm khí thải. “Diện tích mỗi cột của tuyến cáp treo chỉ 20-30 m2, nên hạn chế diện tích đất”, đại diện POMA khẳng định.

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Bạch Mã là khu du lịch sinh thái và với độ cao 1.450 m, việc tiếp cận Bạch Mã bằng đường giao thông được người Pháp từng làm (hiện hữu cho đến nay). Nếu tiếp tục làm đường giao thông theo tuyến đường ấy thì phải mở rộng thêm 2-3 làn xe. Như vậy, sẽ phá vỡ cảnh quan không gian Bạch Mã. 

“Chọn xây cáp treo vẫn là phương án giao thông du lịch miền núi đúng đắn nhất, ít ảnh hưởng đến tất cả những loại cây cối, sinh vật, trong khi khách được thưởng thức cảnh quan thiên nhiên", ông Chính đề xuất.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì góp ý: “Cần căn cứ vào quy mô, sức chứa lưu trú trước mắt và trong tương lai là bao nhiêu. Nếu số lượng khách đông quá, đường ô tô lên Bạch Mã hiện không đáp ứng được, lúc đó mới nên tính đến việc xây dựng cáp treo”.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, du lịch Bạch Mã ra đời đúng vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chính vì vậy, phải cương quyết từ chối những giải pháp, công nghệ đã cũ, gây trở ngại cho sự hội nhập quốc tế của Bạch Mã. Thay vào đó, phải chọn chủ đầu tư đến từ các nước vừa có giải pháp kỹ thuật tiên tiên nhất, vừa có truyền thống tôn trọng gìn giữ môi trường như Pháp, Mỹ, Nhật, Singapore... Đặc biệt, phải tránh các chủ đầu tư mà thế giới và các tỉnh, thành phố trong cả nước đang từ chối.

Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam.

Tọa lạc trên vùng núi cao với khí hậu mát mẻ, mưa nhiều, nơi đây còn lưu giữ cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và hùng vĩ như đỉnh Bạch Mã cao 1.450 m, thác Đỗ Quyên cao hơn 300 m; hệ thống hồ, suối và rừng nguyên sinh, đặc biệt là hệ thống thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm.

Thừa Thiên Huế: Đầu tư 82 tỷ đồng làm tuyến đường nối QL1A vào vườn Quốc gia Bạch Mã
UBND huyện Phú Lộc cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có quyết định số về việc phê duyệt dự án đầu tư Đường nối từ Quốc lộ 1A vào vườn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư