Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tín dụng chính sách nuôi dưỡng ước mơ đến trường ở Nghệ An
Việt Hải - 22/08/2018 18:50
 
Nhờ Chương trình Tín dụng học sinh, sinh viên (Chương trình) của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 157/2017/QĐ-TTg, hơn 11 năm qua, tỉnh Nghệ An đã có hàng ngàn hộ gia đình được vay vốn để cho con đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề.

Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trong 11 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt việc bình xét cho 545.898 học sinh, sinh viên được vay vốn, đạt doanh số 4.256 tỷ đồng.

Các gia đình ở xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đến Điểm giao dịch xã của ngân hàng Chính sách xã hội để nhận vốn vay cho con đi học
Các gia đình ở xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đến Điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội để nhận vốn vay cho con đi học

Tính đến hết ngày 31/7/2018, tổng dư nợ của Chương trình trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 676 tỷ đồng, với 27.639 học sinh, sinh viên đang vay vốn. Một số nơi có dư nợ vay lớn như huyện Yên Thành (83 tỷ đồng), Diễn Châu (64 tỷ đồng), Thanh Chương (56 tỷ đồng), Anh Sơn (52 tỷ đồng), Đô Lương (51 tỷ đồng), Quỳnh Lưu (46 tỷ đồng), Tân Kỳ (45 tỷ đồng), TP. Vinh (39 tỷ đồng)...

Đối tượng vay vốn chương trình nhiều nhất là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo, với 398 tỷ đồng/14.337 hộ, chiếm 59% tổng dư nợ và 58,9% tổng số hộ vay vốn. Kế tiếp là hộ gia đình nghèo, chiếm 29% tổng dư nợ và 27% tổng số hộ vay vốn; đối tượng là hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính chiếm 12% tổng dư nợ và chiếm 14% tổng số hộ vay vốn...

Từ nguồn vốn vay, đã có 27.573 sinh viên học đại học với dư nợ 663 tỷ đồng, chiếm 69,5% về dư nợ; có 11.867 sinh viên cao đẳng với dư nợ 246,6 tỷ đồng, chiếm 25,9%; có 2.645 học sinh, sinh viên học trung cấp với dư nợ 43 tỷ đồng, chiếm 4,5%. Ngoài ra, có 13 học sinh, sinh viên học nghề ngắn hạn (dưới 1 năm) với dư nợ 169 triệu đồng, chiếm 0,02%. Doanh số thu nợ đến tháng 7/2017 đạt hơn 250 tỷ đồng. Các huyện có tỷ lệ thu nợ cao như: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Anh Sơn...

Là một huyện nghèo miền núi, Tương Dương đang có trên 600 sinh viên vay vốn, với tổng vốn 12 tỷ đồng. Phó chủ tịch UBND xã Tam Đình, ông Vi Văn Miên cho biết: “Trong số gần 50 sinh viên của xã vay vốn những năm gần đây, đã có một số sinh viên ra trường và tìm được việc làm như em Lô Thị Huyền học Đại học Luật Hà Nội, hiện là công chức của xã... Với những trường hợp khác chưa tìm được việc làm ổn định, UBND xã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện gia hạn cho các em và gia đình”.

Tại huyện Nam Đàn, hiện cũng có 2.100 sinh viên vay vốn theo Chương trình với dư nợ hơn 51 tỷ đồng. Ông Hồ Văn Lý, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hay: “11 năm thực hiện Chương trình, nhiều hộ gia đình đã được vay vốn để hỗ trợ con em học tập ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã có việc làm ổn định và trả nợ trước thời hạn”.

Là khách hàng của Chương trình, chị Nguyễn Thị Khánh ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn cho biết, năm 2009, gia đình chị thuộc diện khó khăn, cùng lúc đó con gái đỗ 2 trường là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa, chị đã mạnh dạn làm đơn xin vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội. 4 năm con theo học, gia đình chị được vay 4 lần với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. Với thành tích học tập xuất sắc, con gái chị đã có công việc khá ổn định ở một tòa soạn, với mức lương không chỉ giúp trả nợ trước thời hạn hai năm, mà còn hỗ trợ được bố mẹ sửa sang lại nhà cửa.

“Với những gia đình chỉ sống bằng nông nghiệp như chúng tôi, để có số tiền vài triệu đồng cho con nhập học không phải dễ dàng. Rất may, nhờ chương trình này, chúng tôi đã được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Quan trọng hơn là việc trả nợ được kéo dài, nên chúng tôi không áp lực lắm khi trả nợ”, chị Khánh tâm sự.

Ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với sự nghiệp trồng người. Trong suốt thời gian qua, Chương trình đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao từ cộng đồng xã hội và là chương trình tín dụng có tính xã hội hóa cao, được các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan từ Trung ương đến địa phương phối hợp triển khai đạt kết quả cao.

Tác dụng kép từ tín dụng chính sách cho người khuyết tật
Nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn tập trung nguồn lực, triển khai cho vay đối với người khuyết tật nhằm hỗ trợ họ vươn lên trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư