Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng có thể chững lại trong quý I
Thùy Vinh - 11/02/2017 08:29
 
Mặc dù có sự tranh đua kích thích cầu tín dụng đầu năm, song lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận, theo thông lệ, quý I hàng năm, dư nợ tín dụng thường chững lại và khó có thể kỳ vọng tăng trưởng cao.
.
Theo thông lệ, quý I hàng năm, dư nợ tín dụng thường chững lại

Tâm lý tháng “ăn chơi”

Mặc dù quý I của 2 năm gần đây, tín dụng có chiều hướng chuyển biến tích cực và thoát khỏi tình trạng âm như thời kỳ 2011-2014, song theo lãnh đạo các nhà băng, để kỳ vọng dư nợ vượt trội trong quý I/2017 là không thể. Nguyên nhân, cầu vốn doanh nghiệp và kể cả khách hàng cá nhân trong quý đầu năm thường giảm.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, một phần, đây là thời điểm sau Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty chưa được đẩy mạnh. Mặt khác, nhiều khách hàng quan niệm tháng Giêng là tháng “ăn chơi”, nên chưa nghĩ đến việc mở rộng kế hoạch vay vốn ngân hàng làm ăn. Riêng với nhu cầu mua, xây nhà của khách hàng cá nhân, thường phải hết tháng 1 âm lịch. Vì vậy, khả năng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm cũng sẽ chững lại trong quý I này, do cầu về tín dụng không tăng.

Thực tế trong hai năm qua cho thấy, tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra ở mức 18-20%, nhưng quý đầu năm và thậm chí là cả nửa đầu năm, mức tăng trưởng chưa đạt được 2/3 so với kế hoạch đưa ra cho cả năm. Nhưng dư nợ tín dụng lại có sự đột phá trong hai quý còn lại của năm, nhất là ở quý IV hàng năm. Cụ thể, tính đến ngày 28/11/2016, tín dụng toàn ngành tăng 14,57%, nhưng đến hết ngày 29/12/2016, dư nợ toàn ngành ngân hàng đạt mức tăng trưởng đến 18,71% so với đầu năm 2015. Bởi quý IV là mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp trong năm, nên nhu cầu vốn cao.

Tín dụng chỉ tăng ở mức hợp lý

Tuy các ngân hàng kỳ vọng tín dụng tiếp tục cải thiện tích cực và tăng trưởng tốt trong năm nay. Đặc biệt là khi thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục, trong đó phải kể đến phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp.

Chính điều này đã thôi thúc các nhà băng xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho vay ở mức kịch trần trong năm 2017 là 18%. Thậm chí, một số nhà băng nhỏ còn đề nghị cho tăng trưởng dư nợ ở mức 25 - 30%. Chẳng hạn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), tổng dư nợ năm 2016 tăng trưởng đến 35%, đạt 39.607 tỷ đồng. OCB còn cho biết, kết quả đạt được trong năm 2016 sẽ tạo tiền đề cho kế hoạch kinh doanh của năm 2017.

Tỷ trọng cho vay khách hàng trong năm qua của Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng đạt 40.141 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cuối năm 2015, trong khi huy động vốn chỉ đạt mức tăng trưởng hơn 9%.

Sau Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được đẩy mạnh, vì nhiều khách hàng quan niệm tháng Giêng là tháng “ăn chơi”, vì thế tín dụng thường chững lại.

Lãnh đạo một số nhà băng lớn như: Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hay ACB, BIDV… cũng cho hay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm nay sẽ bằng hoặc cao hơn so với năm ngoái, nhưng phù hợp với mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Do đó, ngay từ những ngày đầu năm, các nhà băng đã tung “chiêu” hút tiền gửi bằng các chương trình khuyến mãi, tăng lãi suất, quà tặng, nhằm củng cố thanh khoản tốt nhất để đáp ứng cầu vốn của khách hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, tín dụng năm 2017 chưa thể đột biến, mà chỉ kỳ vọng mức tăng như năm vừa rồi. Chi phí vốn đầu vào tăng chính là rào cản đối với ngân hàng trong việc giảm lãi suất đầu ra để kích thích cầu vốn tín dụng, nhất là đối với khách hàng doanh nghiệp.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 18% và tập trung đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cũng như tái cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Vì thế, chuyên gia kinh tế - tài chính Trần Du Lịch cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra ở trên là hợp lý trong bối cảnh chưa thể đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tín dụng vào bất động sản cũng cần thận trọng. Đây chính là lý do vì sao đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa thể bỏ khống chế trần “room” tín dụng.

Giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2017
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng chính sách xã hội năm 2017 cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư