Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng nóng, tỷ giá căng gây khó cho lãi suất
Hà Tâm - 17/12/2016 08:44
 
USD đang đi lên không ngừng sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong nước, ngân hàng và doanh nghiệp đang hồ hởi tăng tín dụng. Đây có thể là những dấu hiệu khiến lãi suất năm 2017 chuyển động.
TIN LIÊN QUAN

Lãi suất sẽ không còn êm ả?

Một số ngân hàng lớn vừa hạ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn với mức điều chỉnh 0,1-0,2%/năm, chủ yếu áp dụng với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn 1-3 tháng. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho hay, đây chỉ là động thái cơ cấu lại kỳ hạn vốn huy động của các ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng giảm bớt thu hút vốn huy động ngắn hạn và tăng khuyến mãi để huy động vốn kỳ hạn dài. Điều này xuất phát từ thực tế vốn ngắn hạn của các ngân hàng đang dư thừa, trong khi vốn trung và dài hạn ngày càng thiếu (theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 60% hiện nay xuống còn 50% trong năm 2017 và 40% những năm sau).

.
.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân (Công ty cổ phần Chứng khoán SSI) cho rằng, có rất nhiều áp lực khiến lãi suất có nguy cơ tăng năm tới, đặc biệt là lạm phát năm 2017 được dự đoán là sẽ cao hơn năm nay.

Thực tế, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng đã tăng trở lại. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, đến ngày 13/12, lãi suất bình quân VND các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng chào trên thị trường liên ngân hàng đã chính thức chạm mốc 5%/năm, mức cao nhất từ cuối quý II/2016. Bên cạnh đó, NHNN cũng ngừng phát hành tín phiếu hút tiền về, ngược lại, còn bắt đầu mở kênh thị trường mở (OMO) để sẵn sàng cấp vốn cho những ngân hàng có nhu cầu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Năm 2017 sẽ là năm khó khăn trong điều hành lãi suất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhất là khi tỷ giá có dấu hiệu gia tăng. Việc giảm thêm lãi suất là rất khó”.

Đồng tình với ý kiến này, giới chuyên gia cho rằng, đang có nhiều yếu tố  đẩy lãi suất đi lên năm 2017, bao gồm: lạm phát, tỷ giá, Thông tư 06… Với những yếu tố này, NHNN sẽ phải rất cân nhắc trong việc hạ thêm lãi suất nhằm bảo vệ sức hấp dẫn của tiền đồng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ “ghìm” lãi suất

Trái với những lo lắng về lãi suất, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, kể cả khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá trong nước năm tới cũng chỉ biến động 1-2%, đây là mức bình thường và khó tác động mạnh đến yếu tố lãi suất.

“Áp lực với lãi suất năm 2017 là có, song Chính phủ đã chỉ đạo lãi suất cho vay không được tăng, thậm chí phải giảm thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cho rằng, lãi suất cho vay năm 2017 khó có thể tăng, đồng nghĩa lãi suất huy động cũng không thể tăng”, ông Lực nói.

Đại diện NHNN, ông Nguyễn Anh Tú,  Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng nhấn mạnh, lãi suất thời gian tới có thể ổn định, thậm chí giảm nếu điều kiện kinh tế tốt hơn.

Mặc dù NHNN quyết tâm giữ ổn định lãi suất, song không thể phủ nhận thực tế lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn còn khá cao so với thế giới. Theo ông Cấn Văn Lực, nguyên nhân của tình trạng này là Việt Nam có lạm phát cao, rủi ro nền kinh tế và chi phí của ngân hàng lớn.

Phân tích và cảnh báo thêm về lý do lãi suất cho vay đứng ở mức cao và khó giảm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nói: “Sau một thời gian thắt chặt tín dụng, ngân hàng và doanh nghiệp đang “hăng” lên, tìm cách đẩy mạnh cho vay. Trong khi đó, nợ xấu vẫn chưa tìm thấy lối ra. Nợ xấu hiện tại và nguy cơ nới lỏng tín dụng là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao”. 

Để giữ mặt bằng lãi suất ổn định thời gian tới, các chuyên gia dự đoán, NHNN có thể sử dụng biện pháp tăng bơm tiền qua thị trường OMO, nỗ lực giữ ổn định thị trường ngoại hối, phối hợp nhịp nhàng hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư