Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tọa đàm trực tuyến về tài chính tiêu dùng: Tìm cơ hội ở thị trường 26,5 tỷ USD
Thùy Liên - Chí Cường - 12/07/2017 09:55
 
Tọa đàm trực tuyến do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (12/7) tập trung bàn về những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc của thị trường tài chính tiêu dùng trong những năm gần đây.
toan canh
Toàn cảnh Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng của Báo Đầu tư tổ chức sáng 12/7. Ảnh: Chí Cường

Quy mô thị trường lên tới 26,55 tỷ USD

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh khẳng định, với dân số 95 triệu người cùng nhu cầu rất lớn trong việc mua sắm, tiêu dùng, Việt Nam được xem là điều kiện thuận lợi và là thị trường khổng lồ cho lĩnh vực vay tiêu dùng phát triển.

Theo báo cáo năm 2016 về tổng quan toàn ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam do StoxPlus thực hiện, thị trường tài chính tiêu dùng đã chứng kiến nhiều cú nhảy vọt đáng kinh ngạc trong những năm gần đây.

Cụ thể, tổng dư nợ/GDP của toàn ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam vào năm 2012 đạt 7,3 tỷ USD đã tăng chạm ngưỡng 26,55 tỷ USD vào năm 2016.  Tuy còn chiếm tỷ lệ nhỏ (9,8% vào cuối năm 2016) song tốc độ phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang tăng rất nhanh.   

TBT
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh. Ảnh: Chí Cường


Dẫn thống kê mới nhất của TS. Cấn Văn Lực trong năm 2016, Tổng Biên tập Lê Trọng Minh cho biết, tiêu dùng chiếm đến 78% toàn bộ GDP, tức tương đương với khoảng 3,8 triệu tỷ đồng. Vậy nếu tiêu dùng chỉ cần tăng thêm 1% thôi thì nền kinh tế sẽ có thêm 38 nghìn tỷ đồng - một con số sẽ giúp GDP cả năm 2017 đạt tới mức kế hoạch 6,7%.

Tuy nhiên, trong sự phát triển nhanh thì lĩnh vực cho vay tiêu dùng hiện nay cũng tồn tại nhiều vấn đề.  Đây chính là lý do Báo Đầu tư tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển tài chính bán lẻ – cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế”.

Thách thức với cơ quan quản lý nhà nước

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách chiến lược, NHNN nhận định, cho vay tiêu dùng đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao. Tỷ lệ này đạt 78,34% vào năm 2016. Tại khu vực châu Á, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cao nhất.

Quy mô  dân số trên 92 triệu dân với 70% dân số đang trong độ tuổi 15-64 và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% là những yếu tố quan trọng cho thấy thị trường hàng hoá tiêu dùng của Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn. Trong 10 năm qua các tên tuổi lớn về bán lẻ quốc tế liên tục xuất hiện tại Việt Nam như CircleK, Shop&Go, FamilyMart, BigC, Fivimart, Citimart, Simply Mart, Aeon, Lotte, Metro, v.v…cùng với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa lớn mạnh như Vinmart, Coopmart, Thế giới di động…

.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN. Ảnh: Chí Cường

Theo ông Nguyễn Tú Anh,  lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã tăng trưởng vượt bậc, xuất phát cả từ phía cung và phía cầu. Tuy nhiên sự bùng nổ cho vay tiêu dùng cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc 2003 là một ví dụ rõ ràng về nguy cơ tăng trưởng quá nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng.

Ở nước ta, từ năm 2016 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai thông tư quan trọng là thông tư 39/2016/TT-NHNN và thông tư số 43/2016/TT-NHNN để điều chỉnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng.  Đây không chỉ là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động mà còn bảo vệ người đi vay trước nguy cơ vỡ nợ lên cao, ví dụ như quy định về minh bạch lãi suất, đưa ra hạn mức vay…

Tuy vậy, ông Tú Anh cho rằng, cần có thêm công cụ bảo vệ khách hàng - cũng chính là để bảo vệ tổ chức tín dụng. Thực tế,  khi Hàn Quốc từng rơi vào khủng hoảng thẻ tín dụng vào năm 2003 khi hệ thống ngân hàng đổ xô cho vay tiêu dùng vào năm 2000. 

“Thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Khách hàng cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng mở rộng và số lượng khách hàng như nông dân, và những người bình thường với kiến thức ít ỏi về pháp luật và tài chính sẽ trở thành rất dễ tổn thương trước các hoạt động cạnh tranh cho vay tiêu dùng. Điều này đòi hỏi pháp luật cần phải cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay”, ông Nguyễn Tú Anh khẳng định.

Được biết, Singapore cho phép người đi vay kiện ra toà nếu người cho vay thực hiện các hành vi không chính đáng để đòi tiền. Người đi vay trong trường hợp quá khó khăn có thể đàm phán với chủ nợ về cơ chế trả nợ mới nhẹ nhàng hơn.

Không đánh đồng lãi suất cho vay của ngân hàng và công ty tài chính

Ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, NHNN
Ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, NHNN. Ảnh: Chí Cường


Ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, NHNN cho biết, mức lãi suất cho vay của công ty tài chính thoáng nhìn có vẻ cao, nhưng xét về bản chất là sự đáp ứng quan trọng cho phân khúc nhóm khách hàng này cũng như nó là kênh chính thức được nhà nước quản lý, có thu nhập và đóng thuế, thay vì để nhóm khách hàng tiếp cận kênh tín dụng đen mang đến nhiều rủi ro cho trật tự an ninh, xã hội.

Có nhiều nguyên nhân khiến lãi vay tiêu dùng của các công ty tài chính thương cao hơn ngân hàng thương mại.

Thứ nhất, đối tượng khách hàng phục vụ và phương thức hoạt động của CTTCTD khác xa so với NHTM. Đây là bản chất của việc dẫn đến mức độ rủi ro của khoản vay cũng khác.

Thứ hai, mức độ rủi ro cao nên phần bù rủi ro trong yếu tố cầu thành lãi suất tăng cao. CTTCTD cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất… thủ tục lại phải rất nhanh chóng, thuận tiện.

Thứ ba, chi phí vốn đầu vào cao của các CTTCTD xuất phát từ việc họ phải hoạt động bằng vốn tự có cộng với phát hành trái phiếu cho các pháp nhân là người mua, đi vay các NHTM mà không được trực tiếp huy động vốn từ dân cư (không lợi dụng được mạng lưới để huy động để có vốn rẻ lãi suất không kỳ hạn như NHTM).  

Thứ tư, chi phí hoạt động tính ra trên một khoản vay là khá cao. Vì với khoản vay giá trị nhỏ, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 - 18 tháng) nên chi phí thẩm định, làm hồ sơ thủ tục cũng như một khoản vay thông thường; bên cạnh đó chi phí  thu hồi nợ, quản lý, phí phục vụ đều cao hơn bình thường… dẫn đến việc họ buộc phải áp dụng mức lãi suất cao.

Cảnh báo sự biến tướng của tín dụng tiêu dùng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Chí Cường


Với góc nhìn thận trọng, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế cho rằng, cho vay tiêu dùng đã góp phần giảm tín dụng đen. Song tỷ trọng tiêu dùng trong GDP trên 70% là quá lớn, trong khi đó tiết kiệm là ít. Hơn nữa, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP ở Việt Nam cao hơn nhiều nước Âu, Mỹ là không bình thường. Do đó, cần phải phát triển tín dụng tiêu dùng một cách bài bản, ít nhất là một dạng kinh doanh có điều kiện, đăng lý, kế toán, nộp thuế, giảm sát, điều kiện tối thiểu, lãi suất cho tự do.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cảnh báo cần xem xét lại một vài thành tựu trong những năm qua về tín dụng tiêu dùng.

Cụ thể hoạt động cho vay này tại Việt Nam chủ yếu thời gian qua là mua nhà và ô tô nhưng một số tập đoàn bất động sản biến tướng cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường. Do đó, nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng.

Người vay vẫn còn chủ quan

Tham gia ý kiến với dưới góc nhìn pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, cho vay tiêu dùng phát triển góp phần giảm cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Luật sư Trương Thanh Đức
Luật sư Trương Thanh Đức. Ảnh: Chí Cường

Cụ thể, hiện vay tiêu dùng có 3 kênh chính: cầm đồ, tín dụng đen; Ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân; công ty tài chính là định chế hợp pháp. Trong đó, tín dụng đen là vấn đề nhức nhối, còn các ngân hàng lại quy định điều kiện vay rất chặt chẽ. Do đó, phát triển mô hình công ty tài chính tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Tuy vậy, tính cạnh tranh của các công ty này chưa cao. Cả nước chỉ có 5-6 công ty cho vay tiêu dùng song chỉ có 3-4 công ty là hoạt động khá mạnh mẽ trên toàn quốc.

Luật sư cũng khuyến cáo người đi vay cần lưu ý khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng tránh những thiệt thòi không cần thiết. Khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu vấn đề sẽ nghĩ mình bị lừa khi phải trả số nợ quá cao.  Các vấn đề như lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán,... đã được quy định rõ ràng trong hợp đồng nhưng nhiều khách hàng vay ít quan tâm, đọc kỹ. Đến lúc phải trả nợ mới giật mình, cho rằng bị lừa.

Tín dụng tiêu dùng - mỏ bạc của nhà băng
Con số lãi lớn từ cho vay của nhiều ngân hàng trong quý đầu năm nay có một phần đóng góp quan trọng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư