Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tội phạm công nghệ cao móc túi chủ thẻ tín dụng
Hữu Tuấn - 12/06/2013 13:23
 
Các vụ rửa tiền quy mô lớn, lừa đảo, cá độ… thông qua công nghệ cao, Internet đã xuất hiện tại Việt Nam là hồi chuông cảnh báo cho công tác an ninh công nghệ cao.
TIN LIÊN QUAN

Gần đây nhất, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị trong ngành tại một số địa phương bắt khẩn cấp nhiều đối tượng liên quan đến đường dây mua bán thông tin thẻ tín dụng bất hợp pháp và tổ chức đánh bạc thông qua mạng Internet.

Nhóm tội phạm này đã câu kết với nhiều đường dây tội phạm ở nhiều nước trên thế giới để đánh cắp hơn 200 triệu bảng Anh (hơn 6.000 tỷ đồng Việt Nam) của các chủ thẻ tín dụng.

Thủ đoạn của chúng là ăn cắp thông tin của các chủ thẻ tín dụng, các công ty trên thế giới; sau đó, bán thông tin về thẻ cho các đối tượng tại nước ngoài để các đối tượng này sử dụng, rút tiền bất hợp pháp.

Tại Việt Nam, với thủ đoạn trên, số tiền mà các đối tượng tội phạm lừa đảo được xác định lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhóm tội phạm tại Việt Nam sau khi chiếm đoạt được tiền đã mua biệt thự, xe sang… Ngoài ra, chúng còn thiết lập hệ thống cá độ bóng đá, thầu lô đề quy mô lớn trên Internet, trong đó lớn nhất là trang lode365.com.

Một vụ việc khác gây chấn động dư luận thế giới là vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử liên quan đến Liberty Reserve. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 10/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa kết thúc điều tra vụ án kinh doanh trái phép tiền điện tử Liberty Reserve, đối với bị can Vũ Văn Lăng, Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Vũ (trụ sở tại quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng).

Cơ quan điều tra đã xác định Lăng chính là một mắt xích của Tổ chức Liberty Reserve, có trụ sở tại Costa Rica. Tổ chức này đã bị các cơ quan chức năng của Mỹ triệt xóa, vì tham gia rửa tiền với tổng trị giá lên tới 6 tỷ USD. Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2008 đến khi bị bắt, Lăng đã thực hiện được gần 60.000 giao dịch, với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng.

Đầu năm nay, một vụ sử dụng công nghệ cao cá độ “khủng” qua mạng Internet cũng bị lực lượng cảnh sát triệt phá. Đường dây cá độ mang tên M88 do một đối tượng ở Philippines lập, sau đó quảng bá vào Việt Nam vào đầu năm 2011. Trên trang này có phần mềm hướng dẫn đầy đủ các thao tác để người truy cập có thể tự lập nick name tài khoản đánh bạc. Cơ quan điều tra đã bắt giữ hàng chục đối tượng tại nhiều địa phương trên cả nước tham gia đường dây này.

Trong tháng 1/2013, cơ quan công an cũng đã triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet trên 2 trang www.sbobet.com và www.ibet888.net. Đây là đường dây cá độ bóng đá quốc tế do Trần Văn Đĩnh (trú tại Bàu Cát, quận Tân Bình, TP.HCM) cầm đầu, được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với những giao dịch hàng đêm lên đến hàng triệu USD.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, cơ quan cảnh sát cũng đã phát hiện hàng chục vụ việc tội phạm sử dụng công nghệ cao, như xâm nhập vào địa chỉ email của một số doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài, hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản khác do chúng mở tại Việt Nam để chiếm đoạt…

Ông Trần Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) cho biết, loại tội phạm công nghệ cao có mục đích chiếm đoạt tài sản cũng gia tăng rất nhanh. Có thể kể đến các dạng, như gian lận thẻ ngân hàng, lừa đảo trực tuyến (online)...

Đối với loại tội phạm lấy cắp, mua bán thẻ ngân hàng, chúng thường tấn công vào các website mua bán trực tuyến nhằm lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng của người mua, sau đó sẽ rao bán trên các diễn đàn hacker, hoặc rửa tiền thông qua các hệ thống thanh toán online, đánh bạc online...

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hoạt động của tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam và một số nước trong khu vực đang diễn biến ngày càng phức tạp. Thủ đoạn phổ biến ở dạng này là truy cập vào cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, ngân hàng để lấy thông tin, bán cho người khác hoặc dùng để mua hàng từ nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam; tổ chức cá độ bóng đá, đánh bạc trên mạng...

Một số công ty ở Việt Nam đã bị lừa hàng triệu USD khi ký hợp đồng làm ăn với đối tác nước ngoài qua mạng.

Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ quan cần nâng cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu, nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động và xu hướng thay đổi của tội phạm công nghệ cao để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, tự bảo vệ quyền lợi của mình, hạn chế tối đa sự xâm hại của loại tội phạm này, đồng thời cần chủ động báo tin và hợp tác chặt chẽ với các lực lượng chức năng để truy tìm, xử lý triệt để tội phạm khi có vụ việc xảy ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư