Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tổng giám đốc Bita’s Đỗ Long: "Tôi muốn góp sức vào thời điểm vàng của phong trào khởi nghiệp"
Gia Huy - 31/01/2017 09:12
 
Với Tổng giám đốc Bita’s Đỗ Long, trải nghiệm hơn 20 năm có thăng, có trầm với Bita’s khá đủ để ông yên vị ở đỉnh cao. Nhưng ông lại bắt đầu trải nghiệm mới, với một vai mới - người dẫn đường cho giới trẻ khởi nghiệp.

1.

Ông Long vốn học sư phạm để theo nghề giáo, nhưng cuộc đời khó định, ông chỉ đứng bục giảng có 5 năm, rồi chuyển theo nghiệp kinh doanh cho đến tận giờ.

Trong hơn 20 năm qua, ông kể, trải qua đủ cả đỉnh cao và vực sâu, có những lúc trắng tay tưởng không vực dậy nổi. Có lẽ bởi vậy mà ông luôn cho người đối diện cảm giác bình tâm. “Mọi việc khó đến mấy đều có giải pháp”, ông lý giải.

doanh nhân Đỗ Long
Doanh nhân Đỗ Long

Ông Long bước chân vào nghiệp kinh doanh bằng xưởng sản xuất cao su của gia đình. Các sản phẩm ngày đó là giày dép, vỏ xe bằng cao su, đơn giản thế, nhưng không dễ làm. Vì cơ chế bao cấp, rồi lại ngăn sông, cấm chợ, nên vật liệu thiếu thốn đã đành, nhưng kiếm được rồi cũng khó vận chuyển về xưởng. Đã vậy mà trời còn thử lòng ông. Khi công việc đang hòm hòm thì… cháy xưởng. Ông trắng tay, nhưng không thể dừng lại, vì còn cơm áo của cả nhà.

Ông gây dựng lại từ đống tro tàn. Tổ hợp sản xuất do ông dẫn dắt dần dần hoạt động ổn định hơn, hình thành Xí nghiệp hợp doanh Cao su - nhựa Tân Bình (Tabifac - tiền thân của Bita’s ngày nay). Hoạt động của Xí nghiệp trông cả vào thị trường Liên Xô, Ba Lan và các nước khối Đông Âu. Ông kể, hàng khi đó sản xuất hàng loạt, không theo kế hoạch và quan trọng là giày dép chẳng cần đánh số, nhưng khi đó, Đông Âu là thị trường lớn nhất.

Bởi vậy, khi Đông Âu sụp đổ vào năm 1989-1990, Tabifac tan rã theo cùng với số nợ vài tỷ đồng. Nhưng Công ty tư doanh Bình Tân lại được thành lập với những nhân sự chủ chốt quyết làm sống lại nghề sản xuất giày dép.

Tới năm 1992, Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) được thành lập, ghi dấu lần khởi nghiệp thứ ba của ông Đỗ Long, cũng là sự nghiệp đem lại vinh quang cho doanh nhân Đỗ Long.

2.

Chuyện 3 lần khởi nghiệp từ tro tàn, từ nợ nần được ông kể khá nhiều lần, lần nào cũng vậy, với một sự bình tâm đến lạ.

Ông nói, thời gian và trải nghiệm đã tôi luyện cho ông, và cả những doanh nhân cùng thời, tính kiên nhẫn và khả năng “không giật mình” trước mọi việc. Ngay việc ông sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của đời mình cũng vậy, cũng là một cách tự rèn cảm xúc cho chính mình.

“Tôi muốn chia sẻ những gì đã làm, đã thành công và cả những thất bại với giới khởi nghiệp hiện tại. Họ hơn chúng tôi rất nhiều về điều kiện để thành công, nhưng tôi có cảm giác như vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, vẫn còn hô hào, hình thức, mà như thế thì khó đi đến đích”, ông Long nói.

Ở góc nhìn của ông Long, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập của Việt Nam hiện còn thiếu độ gan lỳ trước thất bại. Đơn cử như một doanh nghiệp có 10 đồng, nếu lỡ thua 7 đồng thì họ sẽ rút về và chấp nhận lỗ. Rất hiếm doanh nghiệp chấp nhận mất cả 10 đồng để đi tới cùng sự thất bại, để hiểu vì sao không thành công.

“Với những người khởi nghiệp, sẽ khó thành công nếu không thể đi tận cùng của sự thất bại. Nhưng để đi đến tận cùng, người khởi nghiệp phải có kỹ năng, phải có kinh nghiệm quản lý, quản trị rủi ro, đối đầu với thách thức. Đây là các kỹ năng không dễ học”, ông Long nhận định.

Có lẽ vì khó học mà giới khởi nghiệp gần đây lắm chuyện thị phi. Lúc thành cũng có nhiều người nói ra, nói vào, lúc bại thì có chuyện người đồng sáng lập sẵn sàng kể tội nhau trên các diễn đàn mạng.

3.

Tháng 4/2016, ông Long cùng một số người bạn là chủ doanh nghiệp lớn đã thành lập Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp. Các ông muốn tạo ra một sân chơi để các doanh nghiệp chia sẻ với nhau về kinh nghiệm quản trị, kinh nghiệm khởi nghiệp. Câu lạc bộ được hình thành trên cơ sở hoạt động của một nhóm kín trên facebook cũng về quản trị và khởi nghiệp.

Lý do, ông Long nói, những người sáng lập Câu lạc bộ muốn hiện thực hóa những tinh thần kinh doanh của những người trẻ.

Trước đó, trong nhóm kín trên facebook, những tên tuổi lớn trong giới kinh doanh, như Lý Quý Trung (cha đẻ của thương hiệu Phở 24), ông Lâm Minh Chánh (sáng lập và CEO trang web bán vé xe trực tuyến Pasoto.com vừa bán lại cho Công ty Easybook.com), ông Lý Trường Chiến (Chủ tịch HĐQT Trí Tri Corporation)… đã liên tục đăng tải các bài viết về quản lý doanh nghiệp, quản lý nhân viên, định hướng chiến lược phát triển thị trường, sản phẩm… 33.000 thành viên, trong đó đa phần là giới trẻ, những người ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp đang theo dõi từng câu chuyện của họ.

“Những người sáng lập nhóm kín này có tham vọng, kinh nghiệm quản trị, những sáng kiến, phát kiến quản lý doanh nghiệp của những doanh nhân đi trước sẽ giúp doanh  nhân mới lập nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập có thêm kiến thức, có thêm động lực để kinh doanh chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Nhưng chúng tôi cũng mong thúc đẩy thêm tinh thần của những thanh niên đang muốn khởi nghiệp bằng sự kết nối ở cuộc sống thực. Đó là lý do Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp ra đời”, ông Đỗ Long chia sẻ.

Những thành viên đang hoạt động trên online phải xuất hiện ở đời thực. Họ sẽ phải minh bạch, công khai hoạt động kinh doanh của mình với các thành viên khác. Các kế hoạch ảo tưởng sẽ được kiểm soát, thay thế dần bằng những dự án khả thi với những cơ hội đầu tư rõ ràng từ chính các thành viên.

“Với những dự án của thành viên có tính khả thi cao, nhưng không thực hiện được do thiếu năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm, kiến thức, chúng tôi sẵn sàng tiếp sức. Nhưng điều quan trọng hơn, chúng tôi hiểu thực sự giới khởi nghiệp, những doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa đang cần gì, đang thiếu gì để có kiến nghị chính sách phù hợp”, ông Long nói.

Đây là điều vô cùng quan trọng. Ông Long đã trải qua những hình thái khác nhau trong cơ chế quản lý nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, nên ông thấu hiểu tác động của chính sách, của môi trường kinh doanh tới sự thành bại của doanh nghiệp.

Hiện tại, ông và giới kinh doanh đang kỳ vọng vào sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh đang được định hướng bởi Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động vì sự phát triển thuận lợi của người dân và doanh nghiệp.

Nhưng, doanh nhân vẫn đang đau đầu với thủ tục hành chính, với vô vàn quy định thuế, phí…, chưa kể sự thay đổi liên tục của cơ chế, chính sách.

“Chúng tôi đang tin đây là thời điểm vàng của khởi nghiệp Việt Nam. Chúng tôi muốn góp một phần trong sự phát triển này”, ông Long nói.

Doanh nhân Đỗ Long: Từ thầy giáo thành ông chủ Bitas
Từng làm giáo viên nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền đã đưa ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bitas, trở lại với nghề làm giày truyền thống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư