Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng: Quy hoạch cảng Liêu Chiểu tạo động lực cạnh tranh, không "chèn ép" cảng Chân Mây - Lăng Cô
Ngọc Tân - 29/09/2017 07:23
 
Việc cạnh tranh giữa các cảng biển sẽ đem lại động lực phát triển, mang lại mức giá tốt cho các doanh nghiệp. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng liên quan đến ý kiến cho rằng việc hình thành Cảng Liên Chiểu trong tương lai gây nguy cơ chèn ép hoạt động của cảng Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) phía bên kia Đèo Hải Vân.

Vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 (tổ chức ngày 25/9) rộ lên câu chuyện Đà Nẵng xây dựng Cảng Liên Chiểu trong tương lai gây nguy cơ chèn ép hoạt động của cảng Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Ý kiến này được đưa ra trong một đoạn phóng sự ngắn chiếu tại Hội nghị, tạo ra những ý kiến nhiều chiều.

Việc xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ tạo điều kiện để đưa Cảng Tiên Sa trở thành cảng thuần túy về du lịch
Việc xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ tạo điều kiện để đưa Cảng Tiên Sa trở thành cảng thuần túy về du lịch

Trao đổi với PV Báo Đầu tư Online, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng Cảng Liên Chiểu là do hoạch định từ cấp Nhà nước và điều này có những căn cứ riêng khi xây dựng kế hoạch.

“Nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó việc quy hoạch do Nhà nước thực hiện. Việc quy hoạch thế nào là câu chuyện ở tầm vĩ mô. Tôi cho rằng việc cạnh tranh là rất tốt với các cảng biển, nó đem lại động lực phát triển, mang lại mức giá tốt cho mọi người…Hiện nay kinh tế các cảng biển cũng đã cổ phần hết rồi và nhà đầu tư có ai dại bỏ vốn vào những chỗ xấu, chỗ không hiệu quả đâu,” ông Sia nói.

Đối với cuộc cạnh tranh giữa các cảng biển, ông Sia nêu quan điểm: “Ông nào tốt, ông nào tài năng, ông nào quản lý tốt thì ông đó sẽ đi lên, sẽ tạo được sự khác biệt để phát triển”.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Sia cũng đánh giá, trong tương lai khi Cảng Liên Chiểu hoàn thành, Cảng sẽ cùng với những cảng biển khác tại Miền Trung như Chân Mây – Lăng Cô tạo thành cụm cảng liên hoàn để phát triển hệ thống logistic; đồng thời giải tỏa áp lực cho Cảng Tiên Sa hiện nay, đưa Cảng Tiên Sa trở thành cảng biển thuần về du lịch.

Ông Nguyễn Hữu Sia cho biết, trong năm 2016, Cảng Tiên Sa - Đà Nẵng có tổng lượng hàng hóa qua cảng đạt 7,2 triệu tấn, dự kiến trong năm nay Cảng sẽ đạt mức 8 triệu tấn.  

Trước đó Bộ GTVT và UBND thành phố Đà Nẵng cũng thống nhất giới hạn công suất khai thác tối đa Cảng Tiên Sa là 10 triệu tấn/năm. Chủ trương này nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14, đặc biệt là đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng (Trường Sơn – Cách mạng Tháng 8 – 2 Tháng 9 – Cầu Tiên Sơn – Ngũ Hành Sơn – Ngô Quyền – Yết Kiêu) cũng như phù hợp với định hướng phát triển Cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch quốc tế.

Về định hướng quy hoạch xây dựng Cảng Liên Chiểu, KTS. Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triên đô thị - sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết hiện nay thành phố Đà Nẵng đang triển khai các bước thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Lần điều chỉnh sắp tới sẽ xác định những hướng đi mới cho công cuộc phát triển đô thị Đà Nẵng.

“Với yêu cầu đó không gian đô thị cần tiếp tục phát triển về phía Tây, hình thành thêm các khu đô thị mới, các khu công nghiệp mới, các trọng điểm du lịch mới. Các cơ sở hạ tầng đầu mối sẽ được chỉnh trang, nâng cấp hoặc có thay đổi lớn. Đó là việc nâng cấp sân bay đạt công suất 20 triệu lượt khách/năm vào năm 2030; Hình thành Khu đô thị Cảng Liên Chiểu với hạt nhân là cảng vận tải chính của Đà Nẵng; Cảng Tiên Sa sẽ được điều chỉnh chức năng chủ yếu phục vụ du lịch; Di dời Ga đường sắt tại trung tâm thành phố về phía Tây; Phát triển không gian ngầm để mở rộng không gian đô thị, cải thiện năng lực lưu thông và phát triển mạng lưới dịch vụ; Từng bước xây dựng thành phố thông minh”, KTS. Bùi Huy Trí cho biết.

Trao đổi nhanh qua điện thoại liên quan đến ý kiến Cảng Liên Chiểu được xây dựng sẽ chèn ép hoạt động của Cảng Chân Mây – Lăng Cô tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung 2017 vừa qua, ông Nguyễn Quê, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết ông hiện vẫn chưa nắm được thông tin này.

Dự án Xây dựng Cảng Liên Chiểu có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.913 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA là 3.584 tỉ đồng, vốn đối ứng của thành phố là 300 tỉ đồng, còn lại sẽ huy động vốn từ nguồn DN thông qua hình thức PPP (đối tác công tư). Để có vốn đầu tư dự án này, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản công bố kêu gọi đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức hợp tác công tư với số vốn 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, mời Công ty tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC); Viện phát triển khu vực ven biển nước ngoài (OCDI) tham gia nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu.
Đà Nẵng đề nghị Royal Haskoning DHV (Hà Lan) hỗ trợ dự án cảng Liên Chiểu, chống biến đổi khí hậu
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đánh giá cao quy mô, năng lực, kinh nghiệm và đặc biệt là lợi thế của công ty với nhiều dự án...
Bình luận bài viết này
  • Wwwa 08:44 | 29-09-2017
    Cảng Chân Mây ko có Cảng Liên Chiểu cũng ế hàng, hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Cảng Chân Mây nên tự vận động thì hơn là kêu ca như vậy
Xem thêm trên Báo Đầu Tư