Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tổng giám đốc NCB Đào Trọng Khanh: Khả năng sinh lời của NCB sẽ tăng mạnh mẽ
Hà Tâm - 17/12/2015 08:31
 
Ông Đào Trọng Khanh, tân Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) chia sẻ rất thẳng thắn với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về tình hình sức khỏe của NCB hiện tại cũng như tâm tư của mình khi nhận nhiệm vụ chèo lái con thuyền NCB.

Ông có thể chia sẻ vài nét về tình hình sức khỏe hiện tại của NCB, sau hơn hai năm tái cơ cấu?  

Đầu năm 2013, NCB là một trong số ít các Ngân hàng khác được NHNN cho phép tự tái cơ cấu đến cuối năm 2015. Đến nay Ngân hàng đã cơ bản hoàn thành đề án tái cơ cấu và đã có sự thay đổi về chất.  Ngân hàng đã đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ, thay đổi nhận diện thương hiệu, nâng cao chất lượng nhân sự và hoàn thiện hệ thống quản trị, hoạt động.

NCB còn một số ít việc cần hoàn thiện nốt trong thời gian tới. Giai đoạn từ 2016 – 2018, NCB tập trung nguồn lực để đẩy mạnh tăng trưởng kinh doanh, khẳng định vị thế trên thị trường, thực hiện mục tiêu chiến lược là ngân hàng có thế mạnh khác biệt. Với kỳ vọng về tăng trưởng kinh doanh như vậy, một số công việc cần hoàn thiện trong thời gian tới sẽ được giải quyết sớm.

Đảm nhận ghế nóng vào lúc ngân hàng đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu quyết liệt. Điều gì khiến ông tự tin nhất và điều gì khiến ông chưa yên tâm nhất khi tiếp nhận vị trí “thuyền trưởng” của NCB?

Tôi rất may mắn được tiếp nhận một NCB có hoạt động cốt lõi tốt, có sản phẩm mũi nhọn, các Ngân hàng bạn và khách hàng đã nhìn NCB ở vị thế khác. Đến thời điểm này, NCB tự tin là ngân hàng lành mạnh, hiện đại, sẵn sàng để phát triển nhanh chóng và bền vững.

Tôi có đôi chút sốt ruột chưa nhìn thấy NCB có điểm thật sự khác biệt, và chúng tôi quyết tâm tạo thế mạnh khác biệt cho NCB.

Vậy đâu là sự khác biệt  NCB nhắm tới, thưa ông?

NCB sẽ tạo ra thế mạnh của riêng NCB so với các ngân hàng khác. Chúng tôi không đi theo con đường phát triển dàn trải mà tập trung nguồn lực tăng trưởng kinh doanh, tập trung vào phân khúc khách hàng SME, cá nhân. Tín hiệu đáng mừng là thời gian qua, NCB đã triển khai các sản phẩm mũi nhọn nhà, xe tập trung vào tầng lớp trung lưu và gia đình trẻ bắt đầu tạo sự khác biệt và được đón nhận trên thị trường.

Thời gian qua, nợ xấu của NCB đã giảm mạnh, nhưng lợi nhuận thu được còn khiêm tốn. Ông nghĩ sao về điều này?  

Giai đoạn vừa qua, NCB đã tích cực ưu tiên xử lý nợ xấu và các vấn đề tồn động của tái cơ cấu. NCB xử lý nợ xấu thông qua thu hồi cơ cấu lợi nhuận và bán nợ cho VAMC. Tính đến hết tháng 11/2015, nợ xấu được kiềm chế ở mức 2,08%. Do kết quả đạt được từ hoạt động kinh doanh được ưu tiên xử lý các vấn đề này nên lợi nhuận còn khiêm tốn. Ngay sau khi xử lý một số ít vấn đề còn lại, khả năng sinh lời của NCB sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

 Ông kỳ vọng, NCB sẽ đạt kết quả kinh doanh như thế nào trong năm 2016 tới?

Với những tiềm năng và nền tảng có sẵn, chúng tôi tự tin về kết quả kinh doanh trước các chi phí tái cấu trúc của NCB sẽ tăng trưởng 50 – 70% trong 1 đến 2 năm tới.

 Cùng với hội nhập, áp lực cạnh tranh của ngành ngân hàng cũng tăng lên, đòi hỏi các ngân hàng đứng trước yêu cầu về tăng vốn, đổi mới công nghệ, tăng cường quản trị rủi ro… Liệu NCB có tính tới khả năng tìm các đối tác chiến lược trong nước, nước ngoài?

Trong quá trình phát triển, đối với các doanh nghiệp nói chung hay các ngân hàng nói riêng, tăng vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua mời gọi cổ đông nước ngoài hay cổ đông trong nước là tất yếu.

Hiện NCB tập trung vào phát triển nội tại, nâng cao năng lực quản trị hoạt động ngân hàng và tạo bứt phá mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Chúng tôi luôn mở rộng cửa đón những cổ đông là đối tác chiến lược nước ngoài hay trong nước có cùng quan điểm trong định hướng quản trị và phát triển.

Internet Banking của NCB đạt giải Tin và Dùng Việt Nam 2015
Trong chương trình bình chọn sản phẩm hàng hóa/dịch vụ được người tiêu dùng ưa chuộng năm 2015, sản phẩm Mobile Banking/ Internet Banking của NCB...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư