Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tổng giám đốc OCB: Bây giờ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp hút vốn đầu tư
Hồng Phúc - 13/03/2019 22:22
 
“Nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, và cũng tỏ ra lạc quan hơn về nền kinh tế so với rất nhiều người Việt Nam. Họ nói, Việt Nam đang trở thành miền đất hứa, đặc biệt sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức tại Hà Nội. Tôi thực sự bất ngờ khi nghe như vậy”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nói.

Cuối 2018, khi thực hiện roadshow chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết, theo đánh giá của Tổng giám đốc OCB, rất nhiều nhà đầu tư đòi hỏi các số liệu tài chính rất phức tạp.

Tuy nhiên, sau khi đại diện tổ chức tư vấn được biết OCB đã áp dụng tiêu chuẩn IFRS từ 2015, bộ phận tài chính kế toán của OCB đã có thể “nhàn hạ” hơn và cũng không cần phải cung cấp thêm quá nhiều chứng từ chi tiết.

Ông Tùng gọi đây là lợi thế của việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị doanh nghiệp, và góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Trong suốt quá trình OCB phát hành trái phiếu, cũng như quan sát trên thị trường, ông Nguyễn Đình Tùng đánh giá, nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam luôn sẵn sàng chi tiền mua trái phiếu doanh nghiệp nếu được nhận về mức giá phù hợp, mà không cần bảo lãnh thanh toán ngân hàng. 

"Hiện đang là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp có thể thu hút vốn đầu tư, cả trong và ngoài nước", ông Nguyễn Đình Tùng nói. 

Thế nhưng, làm sao để hiện thực hoá cơ hội thu hút vốn này? Đó là tạo dựng lòng tin từ nhà đầu tư. Nghĩa là doanh nghiệp phải chủ động áp dụng các chuẩn quản trị quốc tế phù hợp cũng như thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn.

“Và khi đã áp dụng chuẩn mực rồi thì cần được sự tưởng thưởng từ cộng đồng, giới truyền thông,…Từ đó nhà đầu tư sẽ có thông tin đa chiều để đánh giá về sức khoẻ doanh nghiệp”, Tổng giám đốc OCB nói. 

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, lòng tin là nguyên nhân cơ bản tác động đến thị trường trái phiếu chưa phát triển cũng như doanh nghiệp chưa huy động được nhiều vốn qua kênh này.  

Bởi, nếu so sánh với khoản vay ngân hàng thì trái phiếu có mức rủi ro cao hơn, về tài sản đảm bảo, thanh khoản,…

Theo quan sát của Deloitte Việt Nam, có 3 nguyên nhân chính khiến quản trị doanh nghiệp chưa đạt mức độ minh bạch như kỳ vọng.

Thứ nhất, là những thông lệ đang áp dụng trên thị trường có khoảng cách rất lớn so với chuẩn mực của các nước trên thế giới. Trong khi để hoà nhập, thu hút vốn đầu tư cần có ngôn ngữ chung với cộng đồng.

“Chuẩn mực kế toán Việt Nam là sản phẩm chuyển đổi từ chuẩn mực kế toán quốc tế từ hơn 10 năm trước, và hầu như trong quá trình áp dụng đến nay chưa được cập nhật, trong khi hơn 130 nước khác đã áp dụng IFRS”, ông Phạm Văn Thinh nói và đưa ra nguyên nhân thứ 2 là khả năng quản trị thông tin của doanh nghiệp.

Nguyên nhân thứ ba được đề cập là liệu, thực sự doanh nghiệp có muốn minh bạch hay không. Bởi, những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, công ty liên quan và các doanh nghiệp Nhà nước liệu khi áp dụng IFRS thì bức tranh kinh doanh thực sự sẽ như thế nào?

“Dĩ nhiên sẽ phải có thời gian chuẩn bị về con người, chính sách, chuẩn mực, cơ sở hạ tầng,… Nhưng chúng ta buộc phải áp dụng chuẩn trên, bởi đây là nhu cầu bức thiết, yêu cầu phải đáp ứng để thu hút vốn, hay từ các nhà đầu tư nước ngoài”, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nói.

Trong khi đó, OCB tự hào là 1 trong những ngân hàng chuẩn bị hệ thống quản lý rủi ro từ 5 năm trước, hay hoàn tất cơ sở hạ tầng chuẩn Basell II cách đây 2 năm.

“Nhưng một mình OCB thì không quan trọng, mà phải có cả hệ thống nền kinh tế thị trường tài chính tiền tệ. Khi đó, OCB mới có thể phát triển ổn định được”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nói và khẳng định đang hoàn toàn ủng hộ chương trình giảm tốc tăng trưởng tín dụng.

Đại diện này nhìn thấy viễn cảnh, trong 10 năm tới, mức tăng trưởng tín dụng trên 20% hoàn toàn không thể xảy ra. Do đó, buộc mỗi ngân hàng đều phải xoay chuyển chiến lược kinh doanh để vẫn tăng thị phần, nhưng bằng các sản phẩm khác nhau như các dịch vụ thanh toán, sản phẩm phái sinh,…

“Trong 2019, mặt bằng lãi suất sẽ tương đương năm ngóai. Nhưng, sự phân biệt đặc biệt là lãi suất cho vay, đối tượng khách hàng càng rõ rệt. Ngân hàng sẽ áp dụng giá cho vay dựa theo mức độ rủi ro của tài sản khách hàng. Có doanh nghiệp được vay với lãi suất 5.5 % nhưng vẫn có doanh nghiệp sẽ phải vay với mức lãi 11%/năm”, Tổng giám đốc OCB đánh giá.

Hệ thống ngân hàng "đua" tăng vốn đáp ứng Basel II
Một trong những áp lực lớn đối với các ngân hàng trong việc áp dụng Basel II là tăng vốn, đảm bảo an toàn rủi ro. Những ngân hàng có hệ số an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư