Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Toyota Việt Nam khởi động chương trình “Học bổng dạy nghề Toyota” đầu tiên tại Việt Nam
B.Giang - 10/08/2016 10:22
 
Quỹ Toyota Việt Nam (TVF), Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV), phối hợp với Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh (ĐHSPKT-TP HCM), Quỹ đầu tư xã hội Lotus Impact (Lotus Impact) và Tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) chính thức ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác thực hiện “Chương trình Học bổng Dạy nghề Toyota” tại Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN

Đây là lần đầu tiên chương trình này được triển khai nhằm hỗ trợ toàn diện cho các học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập và đào tạo dạy nghề cũng như có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trao đổi với Baodautu.vn, bà Đoàn Thị Yến - Phó Chủ tịch Quỹ TVF, Phó giám đốc TMV cho biết, chương trình "Học bổng Dạy nghề Toyota” là chương trình hỗ trợ đào tạo dạy nghề kéo dài 2 năm dành cho học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông, có thành tích học tập tốt, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự trang trải chi phí học tập (bao gồm cả tài liệu học tập), sinh hoạt phí (ăn, ở, sinh hoạt) và tìm kiếm việc làm. Kết hợp với Trường ĐHSPKT-TPHCM, Lotus Impact & Quỹ Dariu, trong năm đầu tiên thực hiện, chương trình sẽ tuyển chọn ra 25 học viên đáp ứng đủ điều kiện để chính thức trở thành thế hệ học viên đầu tiên của chương trình đào tạo này.

Lễ ký kết thực hiện chương trình.
Lễ ký kết thực hiện chương trình.

Về sự khác biệt của chương trình này so với các chương trình học bổng khác được triển khai tại Việt Nam nói chung và TMV nói riêng, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc điều hành Quỹ Dariu Foundation-đơn vị điều phối thực hiện cho biết, ngoài việc hỗ trợ đào tạo, giảng dạy theo chương trình của học đường, sinh viên nhận học bổng của chương trình còn được hỗ trợ miễn phí chỗ ở, hỗ trợ sinh hoạt phí và đặc biệt nhất là được đào tạo suốt 18 tháng tiếng Anh; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; Kỹ năng sống; kỹ năng xã hội và sinh viên được thực tập tại các cơ sở đạt chuẩn, sau chương trình, sinh viên được tư vấn và giới thiệu việc làm. Mục tiêu của chương trình là sau khi nhận học bổng và tham gia đào tạo, sinh viên không chỉ có thể làm việc ngay tại các cơ sở tuyển dụng trong nước mà còn đủ điều kiện ứng tuyển vào các cơ sở tuyển dụng của khu vực ASEAN.

Chia sẻ thêm về chương trình, bà Đoàn Thị Yến cho biết, đặc biệt, các học viên còn được đào tạo các kiến thức và kỹ năng sửa chữa ô tô theo giáo trình đã và đang được áp dụng cho Chương trình đào tạo kỹ thuật viên Toyota (Đây là chương trình đã được TMV triển khai từ năm 2001 và hiện đang được áp dụng tại 6 Trung tâm TTEP tại 5 trường Đại học và Cao đẳng trên toàn quốc), đồng thời giúp các sinh viên ra trường có cơ hội tiếp cận và tìm kiếm việc làm tại các Đại lý của TMV, tại các doanh nghiệp đối tác và các đơn vị tổ chức… Đây có thể coi là những điểm khác biệt của chương trình này so với các chương trình đào tạo dạy nghề thông thường.  

Ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐHSPKT-TPHCM cho biết, một thực tế đang tồn tại là hiện đang có khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và tuyển dụng. Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ năm 2015 vừa qua có 170.000 người tốt nghiệp chủ yếu Đại học nhưng không có việc làm, trong khi những người có việc làm thì có đến 92% phải đào tạo lại về chuyên môn; 61% thiếu các kỹ năng mềm căn bản và 53% nhân lực thiếu các kỹ năng giao tiếp. Do vậy, chương trình này được thiết kế để đạt các mục tiêu: hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; trang bị các kiến thức nền tảng và các kiến thức thiết yếu; trang bị đủ các điều kiện để gia nhập thị trường lao động đang rất cạnh tranh sau khi Việt Nam chính thức gia nhập AEC; Kết nối cơ hội thực tập và việc làm tại các doanh nghiệp…

Về góc độ tài chính, bà Đoàn Thị Yến cho biết, tổng chi phí hỗ trợ cho 25 sinh viên trong năm đầu tiên của chương trình dự kiến là 2,5 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, nhằm tạo dựng được sự bền vững và phát triển, Chương trình Học bổng Dạy nghề Toyota sẽ hỗ trợ không hoàn lại cho mỗi học viên 50% tổng số tiền học phí và sinh hoạt phí trong 2 năm học và cho vay 50% còn lại với lãi suất rất ưu đãi. Học viên sẽ có trách nhiệm hoàn trả khoản vay này trong vòng 3 năm tính từ 6 tháng sau khi kết thúc khóa đào tạo.

Cũng theo bà Yến, đây là bước nâng cao về chất lượng của Chương trình học bổng Toyota tại Việt Nam sau hơn 19 năm hoạt động vì trong suốt 20 năm hoạt động tại Việt Nam, với mục tiêu nâng cao tinh thần và chất lượng học tập, cũng như nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, TVF & TMV đã hợp tác với Bộ GD & ĐT triển khai thường niên và dài hơi nhiều chương trình mang ý nghĩa thiết thực.

Điển hình có thể kể đến là: Chương trình Học bổng Toyota dành cho sinh viên xuất sắc thuộc các ngành khoa học kỹ thuật và môi trường kể từ năm 1997 với 1.879 suất học bổng đã được trao tặng; Chương trình Học bổng dành cho các tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam được thực hiện từ năm 2009 với 645 suất học bổng đã được trao tặng; Chương trình Đào tạo kỹ thuật viên Toyota (hay còn gọi là T-TEP) được thực hiện từ năm 2001 và cho đến nay đã đào tạo thành công cho 2.389 học viên, trong đó 536 học viên đã được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý của TMV; Chương trình Đào tạo Monozukuri “Bí quyết thành công trong sản xuất và kinh doanh” được thực hiện từ năm 2005 đã thực hiện thành công 36 khóa học và 2 mô hình cải tiến thí điểm cho tổng số 919 học viên, bao gồm các nhà quản lý từ 119 doanh nghiệp, và sinh viên các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật…

Được biết, Quỹ đầu tư xã hội Lotus Impact là thành viên thuộc Quỹ đầu tư VinaCapital chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục tiêu tạo thêm giá trị kinh tế - xã hội và môi trường cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, Lotus Impact cũng đóng vai trò như một nhân tố tác động trong các hệ sinh thái để ươm tảo và tài trợ cho các sáng kiến xã hội và kinh doanh ở giai đoạn đầu để đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp đến giai đoạn sẵn sang để kêu gọi vốn đầu tư.

Còn Quỹ Dariu Foundation là tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quốc tịch Thuỵ Sĩ, được thành lập năm 2002, hoạt động tại Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ. Sứ mệnh của tổ chức là nâng cao năng lực và cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua tài chính vi mô và giáo dục.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư